Kỷ lục của bệnh viện dã chiến Việt Nam ở Nam Sudan
Từ trước đến nay, ở Nam Sudan chưa có bệnh viện dã chiến cấp 2 nào có được kết quả như bệnh viện của Việt Nam khi điều trị tới 2.022 bệnh nhân trong hơn 1 năm.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam (Bộ Quốc phòng) chia sẻ, trong năm qua, lực lượng GGHB Việt Nam đã ghi dấu ấn rất lớn khi lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1).
Đây là hình thức đơn vị đầu tiên sau 4 năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Trước đó, Việt Nam đã triển khai lực lượng là cá nhân là những điều phối viên, quan sát viên, sĩ quan liên lạc hoặc sĩ quan tham mưu, tuy nhiên mới chỉ mang tính hoạt động đơn lẻ.
Bệnh viện dã chiến 2.1 phải độc lập hoạt động dưới yêu cầu và đánh giá khắt khe của LHQ nhưng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ.
Kết thúc 1 năm làm việc, bệnh viện được LHQ trao tặng 63 huy chương Vì sự nghiệp GGHB LHQ, 4 cán bộ được tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc.
Tập thể bệnh viện được phái bộ LHQ tại Nam Sudan tặng bằng khen về thành tích hoạt động, hai lần nhận thư khen của Phó Tổng thư ký LHQ và Cố vấn của Tổng thư ký LHQ về năng lực và trình độ.
Đặc biệt, điểm nhấn trong những thành tích của bệnh viện là điều trị tới 2.022 bệnh nhân trong hơn 1 năm. Từ trước đến nay ở Nam Sudan chưa có bệnh viện cấp 2 nào tương đương thực hiện được kết quả đó.
Ngài chỉ huy của phái bộ LHQ phát biểu: “Từ trước đến nay chưa có một bệnh viện nào đạt được kỷ lục này và không có bệnh viện dã chiến cấp 2 nào tốt hơn bệnh viện của Việt Nam ở Nam Sudan”.
Một kết quả quan trọng khác là việc mở rộng hình thức tham gia vào hoạt động GGHB LHQ. Việt Nam đã được LHQ đề nghị mở rộng thêm việc triển khai trên các cương vị sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo và các vị trí sĩ quan huấn luyện tại địa bàn.
Một số sĩ quan có kinh nghiệm công tác ở phái bộ đã ứng thí vào các tổ chức của LHQ. Vừa qua có 1 sĩ quan đã vượt qua cả ba kỳ thi của LHQ và được LHQ chọn trở thành sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm việc trong cơ quan của LHQ. Chúng ta coi đây là một bước trưởng thành quan trọng của các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Bệnh viện dã chiến 2.1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước và bệnh viện dã chiến 2.2 tiếp nối lên đường triển khai nhiệm vụ. Thiếu tướng có mong mỏi thế nào về hoạt động của bệnh viện 2.2?
Chúng tôi mong muốn bệnh viện dã chiến 2.2 sẽ đạt được kết quả tương đương hoặc nếu tốt hơn thì sẽ là điều đáng mừng. Chúng tôi tin tưởng bệnh viện sẽ đạt được những kết quả mong đợi, bởi lực lượng này được huấn luyện dài ngày hơn, có năng lực tiếng Anh rất tốt.
Các bác sĩ, y tá cũng như nhân viên y tế của bệnh viện là những người được trải nghiệm qua thực tiễn ở các bệnh viện ở phía Bắc. Họ được đào tạo trong môi trường Học viện Quân y và rất nhiều người trong số đó đã được trải nghiệm công tác tại bệnh viện ở các cấp chiến dịch hay là bệnh viện dã chiến.
Trong thời gian tới lực lượng GGHB Việt Nam sẽ có định hướng như thế nào?
Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các hình thức tham gia GGHB LHQ, có thể là ứng thí vào các vị trí dân sự ở các phái bộ. Vừa qua, Cục GGHB Việt Nam đã cử một lực lượng sang nghiên cứu ở Mali về khả năng tham gia bằng hình thức cử máy bay trực thăng vận tải của Việt Nam sang tham gia ở phái bộ này của LHQ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu hình thức cử các sĩ quan làm nhiệm vụ bảo vệ, quân cảnh, đồng thời nghiên cứu đến phương án đưa thêm lực lượng cảnh sát, công an tham gia trong tương lai.
Trong môi trường đối ngoại quốc phòng, một trong những bước tiến bộ của Việt Nam là đã mở rộng hợp tác với EU. Việt Nam đã ký một văn bản hợp tác với EU về trao đổi chuyên gia. Đồng thời, Cục GGHB Việt Nam đã đón nhận một chuyên gia đại diện của EU sang Việt Nam làm việc tại Cục.
Cục GGHB Việt Nam cũng đã được LHQ lựa chọn là một trong bốn trung tâm xuất sắc của châu Á để triển khai các khóa huấn luyện ba bên. Tháng 11/2018, khóa huấn luyện đầu tiên đã được chúng ta triển khai rất thành công. Vừa qua, khóa huấn luyện thứ hai cũng đã kết thúc tốt đẹp.
Đoàn kiểm tra của LHQ đánh giá năng lực của giáo viên, học viên và các trang bị của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để triển khai các khóa quốc tế. Dự kiến đến tháng 2/2020, LHQ sẽ tiếp tục đề nghị Việt Nam triển khai thêm khóa thứ ba về huấn luyện ba bên. Tôi cho rằng đây là những thành công rất đáng kể trong giai đoạn đầu 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.