Kỷ lục dầu khí thế giới
Mỏ dầu lớn nhất thế giới hiện đang thuộc về khu lòng chảo Piceance và Uinta (Mỹ) với khoảng 1.525 tỉ thùng và 1.320 tỉ thùng được phát hiện vào năm 1912.
Dàn khoan Sakhalin-1
Giàn khoan dầu sâu và dài nhất
Ngày 28/1/2011, Công ty Exxon-Neftegaz – thuộc Tập đoàn Dầu khí Exxon-Mobil đã thi công thành công giếng khoan có chiều dài thân giếng thuộc loại kỷ lục trong ngành công nghiệp dầu khí tại mỏ Odoptu. Giếng khoan Odoptu-11 đã đạt đến độ sâu 12,345km và lập kỷ lục mới thế giới về khoan ngang – định hướng (ERD) với khoảng dịch chuyển đáy (khoảng cách trên hình chiếu bằng từ miệng đến đáy giếng) là 11,475km và thời gian kết thúc khoan giếng chỉ trong 60 ngày.
Mỏ dầu Odoptu là một trong ba mỏ dầu lớn (Odoptu, Chayvo và Arkutun-Daghi) thuộc Dự án Sakhalin-1, nằm ngoài khơi vịnh Akhotsk, cách đất liền 8 đến 11km, về phía đông bắc đảo Sakhalin (Bắc Thái Bình Dương). Cũng thuộc dự án này, tại mỏ Odoptu, tháng 1/2010, Công ty Exxon-Neftegaz, nhà điều hành Dự án “Sakhalin-1” đã khoan hai giếng khoan đầu tiên với độ dời đáy lớn kỷ lục thế giới.
Mỏ dầu lớn nhất
Ngày nay, việc tìm hiểu lượng dầu mỏ trên thế giới còn bao nhiêu và ở những đâu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mới đây, Tạp chí Wall Street đã đưa ra danh sách 10 mỏ dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài nhưng thực ra Mỹ là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trên thế giới hiện có trên 40.000 mỏ dầu, đa phần là những mỏ tương đối nhỏ. Trong đó chỉ có 100 đến 125 mỏ dầu lớn và siêu lớn chiếm gần 50% trữ lượng dầu toàn thế giới.
Mỏ dầu lớn nhất thế giới hiện đang thuộc về khu lòng chảo Piceance và Uinta (Mỹ) với khoảng 1.525 tỉ thùng và 1.320 tỉ thùng được phát hiện vào năm 1912. Tuy nhiên, không phải toàn bộ trữ lượng này là dầu mà còn là các loại đá phiến dầu chứa kerogen. Khoảng hơn 100 triệu năm nữa, nếu như không chịu tác động nào, đá phiến này sẽ được chuyển đổi thành dầu tự nhiên.
Thảm họa tràn dầu kinh hoàng nhất
Giàn khoan Deepwater Horizon của Hãng dầu khí Anh BP trên vịnh Mexico trị giá 560 triệu USD bùng cháy dữ dội sau sự cố nổ giếng dầu ngày 20/4/2010. Sự cố này làm thiệt mạng 11 người và 2 ngày sau đó thì giàn khoan chìm xuống biển. Hơn 750.000 lít dầu thô rò rỉ mỗi ngày từ giàn khoan đã lan ra xa gần 200km tới vùng cửa sông Mississippi, đe dọa hệ sinh thái ngập mặn Louisiana, dọc vịnh Mexico.
Tổng ước tính một lượng dầu tương đương 5 triệu thùng đã tràn ra biển. Các ước tính mới nhất của Chính phủ Mỹ xác nhận đây là sự cố rò rỉ dầu ra biển lớn nhất từ trước tới nay. Những tổn thất và ảnh hưởng của vụ tràn dầu đến hệ sinh thái trong khu vực là không thể lường hết được trong một thời gian dài sắp tới.
Mũi khoan đầu tiên của Edwin L. Drake vào ngày 27/8/1859 ở Oil Creek, Pennsylvania, Mỹ.
Mũi khoan dầu đầu tiên
Do nhẹ hơn nước nên dầu xuất hiện lộ thiên ở nhiều nơi, vì thế loài người đã tìm thấy dầu hàng ngàn năm trước Công Nguyên. Thời đó dầu thường được sử dụng trong chiến tranh. Còn rất nhiều dấu tích của việc khai thác dầu mỏ được tìm thấy ở Trung Quốc khi dân cư bản địa khai thác dầu mỏ để sử dụng trong việc sản xuất muối ăn như các ống dẫn dầu bằng tre được tìm thấy có niên đại vào khoảng thế kỷ 4. Khi đó người ta sử dụng dầu mỏ để đốt làm bay hơi nước biển trong các ruộng muối.
Mãi đến thế kỷ XIX, người ta mới bắt đầu khai thác dầu theo mô hình công nghiệp, xuất phát từ việc tìm kiếm một chất đốt cho đèn vì dầu cá voi quá đắt tiền chỉ những người giàu mới có khả năng dùng trong khi nến làm bằng mỡ thì lại có mùi khó ngửi. Vì thế giữa thế kỷ thứ XIX, một số nhà khoa học đã phát triển nhiều phương pháp để khai thác dầu một cách thương mại.
Năm 1852, nhà địa chất người Canada, Abraham Gessner, đã đăng ký một bằng sáng chế sản xuất một chất đốt rẻ tiền và đốt tương đối sạch. Năm 1855, nhà hóa học người Mỹ Benjamin Silliman đề nghị dùng axit sunfuric làm sạch dầu mỏ dùng để làm chất đốt. Người ta cũng bắt đầu đi tìm những mỏ dầu lớn. Những cuộc khoan dầu đầu tiên được tiến hành trong thời gian từ năm 1857 đến 1859.
Lần khoan dầu đầu tiên có lẽ diễn ra ở Wietze, Đức, nhưng cuộc khoan dầu được toàn thế giới biết đến là của Edwin L. Drake vào ngày 27/8/1859 ở Oil Creek, Pennsylvania, Mỹ. Drake khoan dầu theo lời yêu cầu của nhà công nghiệp người Mỹ George H. Bissel và đã tìm thấy mỏ dầu lớn đầu tiên chỉ ở độ sâu 21,2m.
{lang: 'vi'}
Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ky-luc-dau-khi-the-gioi-44877.html