'Kỷ lục đen tối' và nỗi lo nới lỏng giãn cách xã hội ở Mỹ Latinh
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại trước việc nhiều nước Mỹ Latinh bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, bất chấp việc khu vực này đang trở thành một tâm điểm mới của bệnh dịch trong thời gian gần đây.
“Kỷ lục đen tối”
Tính đến ngày 3-6, thế giới ghi nhận thêm 115.215 người mắc Covid-19, trong đó có 4.669 người tử vong. Trong đó, Brazil là nước ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao nhất thế giới với 27.263 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 558.237. Đây là lần thứ 3 Brazil ghi nhận số ca mắc mới trong ngày trên 25.000 người. Số người tử vong do Covid-19 ở Brazil hiện là 31.309 trường hợp, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Anh và Italia, tăng 1.232 ca trong 24 giờ qua, là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Brazil ghi nhận trường hợp thiệt mạng đầu tiên do dịch Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã coi Mỹ Latinh là “vùng đỏ” lây truyền viurs SARS-CoV-2 trên thế giới và kêu gọi sự đoàn kết và hỗ trợ để các quốc gia trong khu vực này vượt qua đại dịch. 4 trong số 10 quốc gia trên toàn cầu có số ca mắc Covid-19 cao nhất nằm ở Mỹ Latinh - Giám đốc Lĩnh vực Khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho hay. Không chỉ có Brazil, Peru và Chile đang phải chịu mức tăng các ca mắc Covid-19 cao nhất hàng ngày. Tương tự, Argentina, Bolivia, Colombia và Haiti cũng đang chứng kiến dữ liệu các ca bệnh mới tăng vọt, chưa có dấu hiệu ngừng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Mỹ Latinh là “vùng đỏ” lây truyền viurs SARS-CoV-2 trên thế giới”.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Mỹ: “Khu vực của chúng ta đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch Covid-19”.
Giám đốc WHO khu vực châu Mỹ và là người đứng đầu Tổ chức Y tế Bắc và Nam Mỹ (PAHO) Carissa Etienne khẳng định: “Khu vực của chúng ta đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch Covid-19”. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc trường Đại học Washington (Mỹ) dự báo số người tử vong do Covid-19 ở Brazil có thể tăng 5 lần, lên mức 125.000 người vào tháng 8. Số ca tử vong do Covid-19 được dự đoán tăng lên gần 12.000 ca ở Chile, 7.000 ca ở Mexico, 6.000 ca ở Ecuador, 5.500 ca ở Argentina và 4.500 ở Colombia, lên tới gần 20.000 người tại Peru có thể vào tháng 8…
Nới lỏng giãn cách xã hội nhằm cứu kinh tế
Đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là tác động tới các nền kinh tế trong khu vực, hậu quả thể hiện rõ với chỉ số môi trường kinh tế khu vực giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua.
Báo cáo của cơ quan nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Brazil, Quỹ Getulio Vargas (FGV), công bố rằng từ tháng 1 đến tháng 4-2020, chỉ số môi trường kinh tế của Mỹ Latinh giảm từ -14,1 điểm xuống -60,4 điểm, mức ghi nhận được tồi tệ nhất kể từ tháng 1-1989, khi lần đầu thực hiện việc đánh giá này . Báo cáo cho thấy, cả chỉ số về quan điểm tình hình kinh tế hiện tại và triển vọng trong tương lai của khu vực đều giảm, lần lượt giảm từ mức -53,8 xuống -89,9 điểm và sụt giảm xuống -23,1 điểm. Mỗi quốc gia trong số 11 quốc gia được phân tích ở Mỹ Latinh đều ghi nhận sự sụt giảm chỉ số môi trường kinh tế, với Brazil giảm từ -2 điểm xuống -60,9 điểm trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 và Paraguay, từ -28 điểm xuống -70,4 điểm trong cùng kỳ.
“Các kết quả của tháng 4 cho thấy đại dịch Covid-19 đã đẩy khu vực Mỹ Latinh trực tiếp đến suy thoái, với sự đảo ngược các dự báo triển vọng và các đánh giá tình hình hiện tại rất xấu”, báo cáo trên nhận định.
Trước tình trạng kinh tế tồi tệ trên, các biện pháp cách ly xã hội đang trở thành tâm điểm tranh cãi giữa chính quyền liên bang và các địa phương tại Brazil. Hiện nay một số bang của Brazil bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhằm đưa các hoạt động kinh tế xã hội quay trở lại bình thường.
Một số nước khác như Mexico, Peru hay Ecuador cũng bắt đầu thực hiện các bước đi hướng tới việc dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội bắt buộc. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador khẳng định nền kinh tế của đất nước này phải mở cửa trở lại “vì lợi ích của người dân”. Nicaragua thậm chí còn chưa từng chính thức áp dụng biện pháp giãn cách xã hội cho dù số các nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng trong những tuần qua. Hiện chỉ có Chile vẫn dè dặt trước dịch bệnh và áp dụng cách ly xã hội một cách chặt chẽ.
PAHO cho rằng việc nới lỏng giãn cách xã hội có thể khiến cho tình hình dịch bệnh và kinh tế ở các nước Mỹ Latinh trở nên thực sự tồi tệ nếu không được triển khai một cách hợp lý và có trình tự.