Kỷ lục: Gần 47.000 người Việt được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong 1 ngày
Sáng 24/4, Bộ Y tế cho hay hôm qua có gần 47.000 người Việt được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là con số tiêm chủng kỷ lục trong 1 ngày tính đến thời điểm này. Tổng số người đã tiêm vắc xin ở nước ta hiện là 176.037.
Tính đến 16 giờ ngày 23/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 176.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an và quân đội.
Riêng trong ngày 23/4, có thêm 46.937 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 26 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng như sau:
- Đợt 1: Hà Nội: 24 người; Quảng Ninh: 195 người; Hưng Yên: 95 người; Bộ Quốc phòng: 1.246 người
- Đợt 2: Hà Nội: 21.467 người; Bắc Giang: 1.385 người; Bắc Ninh: 2.244 người; Phú Thọ: 2.081 người; Hải Dương: 3.960 người; Hưng Yên: 586 người; Thái Nguyên: 250 người; Bắc Cạn: 1.219 người; Quảng Ninh: 333 người; Hòa Bình: 156 người; Tuyên Quang: 287 người; Cao Bằng: 520 người; Yên Bái: 174 người; Thừa Thiên - Huế: 1.164 người; Quảng Nam: 133 người; Bình Định: 809 người; Phú Yên: 661 người; Khánh Hòa: 1.283 người; Kon Tum: 454 người; Gia Lai: 120 người; TP. Hồ Chí Minh: 2.972 người; Đồng Nai: 93 người; Lâm Đồng: 402 người; Cần Thơ: 1.439 người; Vĩnh Long: 877 người; Bạc Liêu: 308 người.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19. Bộ Y tế khẳng định, giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin là biến cố nặng hiếm xảy ra, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.
Theo Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin thường xuất hiện từ 4 – 28 ngày sau tiêm với các biểu hiện như: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khư trú; co giật (gợi ý đột quỵ); khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Đặc biệt, bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.
Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, doppler mạch, vị trí có biểu hiện lâm sàng như bụng, chi... có thể phát hiện xuất huyết khối. Chụp X-quang, cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ tại vị trí nghi ngờ hoặc có biểu hiện lâm sàng như não, phổi, vị trí đau, phù... phát hiện các vị trí huyết khối hoặc chảy máu.
Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, tại cơ sở y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện, cần theo dõi người tiêm vắc xin COVID-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên cần chuyển người sau tiêm vắc xin COVID-19 lên tuyến cao hơn và xử trí cấp cứu bệnh nhân nếu có.
Tại các bệnh viện tuyến huyện/quận, người tiêm vắc xin COVID-19 nếu xuất hiện một trong các triệu chứng: đau đầu dai dẳng, đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết da thì cần thực hiện các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm đông máu cơ bản, các thăm dò khác như siêu âm, Xquang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân. Nếu có biểu hiện bất thường thì chuyển người sau tiêm vắc xin lên tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.
Với người tiêm vắc xin có triệu chứng đau đầu dữ đội, các triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, khó thở đau ngực, chảy máu xuất huyết đe dọa tính mạng cần chuyển lên tuyến cao hơn.
Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố, cần làm các xét nghiệm theo yêu cầu, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có thể gặp theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Nếu vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến theo quy định.
Các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tương đương hạng I, hạng đặc biệt tiếp nhận những người tiêm vắc xin có biến chứng nặng, tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần thiết...