Kỷ lục gia Ronaldo và sự nghiệt ngã của bóng đá hiện đại
Ghi 3 bàn trong 2 trận đầu vòng bảng EURO, Ronaldo tiếp tục sải bước chạy trên hành trình thiết lập những cột mốc mới của bản thân. Nhưng không phải mọi thành viên của ĐT Bồ Đào Nha đều có thể theo kịp anh. Họ bị CR7 bỏ lại phía sau một khoảng cách quá xa, tới mức không ai có thể san lấp.
Tầm thường hay phi thường?
Ronaldo khởi đầu chiến dịch EURO bằng một hành động gây tranh cãi trên toàn thế giới. "Nước lọc", anh hét lớn trong phòng họp báo, tay cầm chai nước không nhãn mác, đồng thời gạt bỏ sản phẩm của nhà tài trợ Coca Cola trước mặt mình. Một cái gạt tay khiến nhà sản xuất đồ uống có ga số một thế giới bốc hơi vài tỷ USD và giá cổ phiếu Coca Cola vẫn chưa thể bật tăng trở lại từ đó đến nay.
"Ai rồi cũng thay đổi. Để tiếp tục ngự trị trên đỉnh cao, tôi phải liên tục thay đổi. Ronaldo ở tuổi 36 không thể sinh hoạt và chơi bóng như Ronaldo tuổi 18", CR7 giải thích cho cái gạt tay loại bỏ nước ngọt trước mặt anh. Mọi thứ đúng như những gì Ronaldo nói. Từ một cậu bé rời Madeira đến Lisbon rồi Manchester lập nghiệp, Ronaldo đã thay đổi rất nhiều để thành công.
Không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn nhớ như in những ký ức đầu tiên về Ronaldo gần 2 thập niên trước. Một cầu thủ trẻ thi đấu rườm rà, gầy khẳng khiu, hàm răng lô xô, mái tóc nhuộm vài đường trên đỉnh đầu khiến người ta liên tưởng ngay đến sợi mì ăn liền. "Cậu ấy rụt rè, chẳng biết nói tiếng Anh, lại chỉ thích nốc đồ ăn nhanh", Sir Alex hồi tưởng trong cuốn tự truyện.
Thứ duy nhất khiến Ronaldo lọt vào mắt xanh của Sir Alex và các cầu thủ M.U chỉ là tài năng thuần túy. Trong trận giao hữu giữa đội bóng Anh và Sporting mừng khánh thành sân Jose Alvalade, Ronaldo đã quần cho hai bên cánh M.U tơi tả. O'Shea thậm chí phải tìm cách chơi xấu để ngăn Ronaldo lại. "Mua nó ngay đi sếp ơi", tất cả các thành viên M.U đồng lòng khuyên Sir Alex chiêu mộ Ronaldo.
Từ một cầu thủ chạy cánh thi đấu vẽ vời, ham mê rê dắt và có lối ăn uống tùy tiện, Ronaldo dần thay đổi mình thành một cỗ máy. Anh loại bỏ dần những động tác thừa, biến bản thân thành một chân sút hàng đầu qua hàng loạt bài tập khắc nghiệt. Động lực của sự thay đổi ấy đến từ EURO 2004. Trên sân nhà, Bồ Đào Nha cay đắng nhìn Hy Lạp đánh bại họ để lên ngôi vô địch. Tội đồ ngày đó chính là Ronaldo với hàng loạt cơ hội bị bỏ lỡ.
Số bàn thắng, số đường kiến tạo của Ronaldo từ đó tăng dần theo từng năm. Anh hoàn thiện bộ kỹ năng cá nhân để trở thành một cầu thủ tấn công toàn diện nhất. Từ chân trái, chân phải, đánh đầu, sút xa, sút gần, đá phạt, đánh gót... mọi thứ đều được CR7 rèn luyện đến mức nhuần nhuyễn. Anh tập luyện chăm chỉ đến mức được HLV Carlo Ancelotti lấy ví dụ như tấm gương của một VĐV chuyên nghiệp.
Bàn mở tỷ số ở trận gặp Đức là minh chứng rõ ràng nhất cho hình ảnh về một Ronaldo hoàn hảo. Anh nhảy lên đánh đầu phá bóng trong vòng cấm đội nhà, rồi chạy một mạch đến cầu môn đối phương và ghi bàn. Một cú nước rút với tốc độ cao nhất lên đến 32km/h, và CR7 chỉ mất vỏn vẹn 14 giây để đưa bóng vào lưới Neuer. Hình ảnh đó hoàn toàn đối lập với một Ronaldo kiệt sức đến mức đi bóng, chân va vào nhau ở những phút cuối. Ronaldo bẩm sinh chỉ là người bình thường, nhưng anh luôn nỗ lực để làm những điều phi thường.
Bi kịch của bóng đá hiện đại
Đáng tiếc thay, 1 bàn thắng và 1 đường kiến tạo của Ronaldo không thể cứu lấy trận đấu thảm họa của Bồ Đào Nha. Nếu như CR7 chắt chiu cơ hội bao nhiêu thì những đồng đội của anh thi đấu tệ hại bấy nhiêu. Bruno Fernandes, William Carvalho, Danilo Pereira khiến Bồ Đào Nha mất hoàn toàn tuyến giữa. Pepe quá chậm trong những tình huống truy cản. Ruben Dias và Raphael Guerrero mỗi người đóng góp một pha phản lưới nhà.
Cánh én Ronaldo không thể làm nên mùa xuân. Không phải vì anh kém tài, mà bởi bóng đá hiện đại không còn chỗ cho một ngôi sao gồng gánh cả đội đi lên nữa. Những cầu thủ mang tầm ảnh hưởng đến toàn đội luôn bị đối phương bắt chặt, khiến họ chỉ có thể tận dụng sức mạnh của toàn đội để vượt qua cửa ải khó khăn. Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia của những năm gần đây đã vươn đến đỉnh cao bóng đá thế giới theo cách đó.
Ở vị trí của một tiền đạo, Ronaldo chỉ có thể vụt sáng trong một vài khoảnh khắc chứ không thể thi đấu rực lửa suốt cả một giải đấu. Bởi nếu không thể theo kèm và khóa chặt Ronaldo, đối phương sẵn sàng chơi xấu để loại bỏ anh. CR7 từng chơi như lên đồng ở bán kết EURO 2016 rồi bị Payet triệt hạ ngay trong trận chung kết, khiến chức vô địch anh nhận được không trọn vẹn. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Messi còn thê thảm hơn khi chưa có một danh hiệu tập thể nào cùng Argentina.
Với những gì đã làm được, Ronaldo xứng đáng có một vị trí trong danh sách những cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá thế giới từng sản sinh. Anh có thể sánh ngang với những Pele, Maradona, nhưng không thể làm được những gì như họ từng làm. Thời thế thay đổi khiến tất cả chúng ta thật khó nhìn nhận, đánh giá một cá nhân dựa vào những danh hiệu tập thể họ giành được. Suy cho cùng, ngay cả Pele lẫn Maradona cũng chưa bao giờ phải đối mặt với một trận đấu có 2 đồng đội đá phản lưới nhà.
Ronaldo có thể trở thành cầu thủ nhiều tuổi nhất tham dự EURO?
Lịch sử các vòng chung kết EURO ghi nhận cầu thủ lớn tuổi nhất từng ra sân là thủ môn Gabor Kiraly của ĐT Hungary. Tại EURO 2016, anh thi đấu khi đã 40 tuổi 86 ngày. Dù ĐT Hungary phơi áo với tỷ số 0-4 trước Bỉ hôm đó, Kiraly vẫn được tung hô hết lời vì đã bay người cản phá cú đá phạt của Kevin de Bruyne. Sau đó, anh còn chơi bóng ở cấp CLB thêm 3 năm và giải nghệ ở tuổi 43. Để phá kỷ lục của Kiraly, Ronaldo cần xuất hiện cùng ĐT Bồ Đào Nha ở... EURO 2028, khi anh đã 43 tuổi.
Viễn cảnh đó gần như không thể xảy ra trong bối cảnh bóng đá hiện đại. Nhưng trong trường hợp tiếp tục thi đấu ở EURO 2024, Ronaldo có thể phá kỷ lục cầu thủ nhiều tuổi nhất ghi bàn tại các kỳ EURO. Người đang nắm giữ thành tích đó là Ivica Vastic của ĐT Áo (38 tuổi 257 ngày). Một kỷ lục khác "dễ" phá hơn là thành tích cầu thủ nhiều tuổi nhất ghi bàn tại một trận chung kết EURO của Bernd Hoelzenbein (30 tuổi 103 ngày).