Kỷ lục: Lỗ đen 13,2 tỉ tuổi 'xuyên không' đến Trái Đất, đang lớn lên
Một lỗ đen quái vật khối lượng gấp 10 triệu lần Mặt Trời đã phô bày hình ảnh vượt thời gian từ thế giới hơn 13,2 tỉ năm trước, cho thấy nó đang ngấu nghiến 'buổi bình minh' vũ trụ.
Theo Science Alert, kết quả phân tích các quan sát của siêu kính viễn vọng không gian James Webb tiếp tục hé lộ thêm một thành viên của "thế giới quái vật" trong buổi bình minh vũ trụ. Đó là lỗ đen cổ đại nhất mà nhân loại từng biết, ra đời sau vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ chỉ 570 triệu năm.
James Webb, được phát triển và điều hành chính bởi NASA, với sự hỗ trợ của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada) là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới với tầm mắt đủ xa để thu những hình ảnh "xuyên không" từ vũ trụ sơ khai.
Vật thể vừa phát hiện lộ diện bên trong một trong những thiên hà sớm nhất từng được xác định, là CEER_1019 (tên cũ EGSY8p7).
Lỗ đen quái vật này và thiên hà chứa nó nằm cách xa chúng ta hơn 13,2 tỉ năm ánh sáng, cũng có nghĩa là ánh sáng từ nó đã mất chừng ấy thời gian để đi đến được ống kính của James Webb đang bay quanh Trái Đất.
Như vậy, hình ảnh các nhà khoa học thấy về quái vật này là hình ảnh của quá khứ 13,2 tỉ năm trước, điều sẽ giúp họ mở cánh cửa thời gian về vũ trụ buổi bình minh và hiểu được cách làm thế nào các lỗ đen sớm có thể phát triển lớn và nhanh như vậy.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên arXiV và đang chờ bình duyệt để xuất bản chính thức trên The Astrophysical Journal, nhà vật lý thiên văn Rebecca Larson từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) khẳng định lỗ đen này đang lớn lên.