Hai phi hành đoàn trên chiếc Tu-160 đã lập kỷ lục thế giới về thời gian và tầm bay. Theo Trung tướng Kobylash, không ai từng bay trên oanh tạc cơ tên lửa chiến lược loại này lâu hơn họ.
Chiếc Tu-160 cất và hạ cánh tại sân bay Engels, nó đã bay qua các vùng nước trung lập ở trung tâm Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, biển Kara, biển Laptev, cũng như biển Đông Siberi, Chukchi và Barents. Trên không, các máy bay được tiếp nhiên liệu ba lần.
Phi hành đoàn của Tu-160 do Thiếu tướng Oleg Pchela và Trung tá Sergei Volkovitsky chỉ huy. Trong đó Thiếu tướng Oleg Pchela - 49 tuổi, đã chỉ huy Sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng Donbass của Lực lượng Phòng vệ số 22 kể từ năm 2017.
Điều thú vị là kỷ lục trước đó về phạm vi và thời gian bay cũng thuộc về máy bay Tu-160. Mười năm trước, vào năm 2010, họ đã trải qua 23 giờ trên không với quãng đường dài 18.000 km và hai lần tiếp dầu trên không.
Trước đó năm 2008, kỷ lục cũng được thiết lập bởi Tu-160 khi bay tới Venezuela với 15 giờ trên không. Tổng cộng "Thiên nga trắng" đã lập hơn 40 kỷ lục thế giới, khiến nó trở thành huyền thoại thực sự trong lịch sử hàng không tầm xa.
Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mang tên lửa được phát triển tại Phòng thiết kế Tupolev vào những năm 1970, ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô nhận thấy sự cần thiết của phương tiện tác chiến loại này.
Điểm độc đáo của Tu-160 là sự hiện diện của đôi cánh thay đổi hình dạng. Thiết kế này mang lại độ linh hoạt cao hơn khi cho khả năng cất cánh từ đường băng rất ngắn với khối lượng lớn, cũng như đạt tốc độ siêu thanh bằng cách ép cánh vào thân trong khi bay.
Tu-160 có trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn, tải trọng chiến đấu 45 tấn, tốc độ lớn nhất 2.230 km/h, tầm bay 13.950 km. So sánh Tu-160 với B-1B, B-2 và B-52 của Mỹ, người ta thấy rõ lợi thế của oanh tạc cơ tên lửa chiến lược Nga.
"Thiên nga trắng" ban đầu được trang bị tên lửa hành trình tầm xa với đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Kh-55SM được thiết kế để tấn công mục tiêu tĩnh. Tổng cộng 6 quả lắp trên bệ phóng dạng trống quay MKU-6-5-U.
Để tấn côngmục tiêu ở cự ly ngắn hơn, bộ vũ khí tích hợp có thể bao gồm tên lửa Kh-15S với 24 quả. Ngoài ra tùy thuộc vào trang bị, máy bay có thể mang bom hàng không với nhiều kích cỡ khác nhau.
Với phạm vi hoạt động dài và thời gian bay cực lớn, Tu-160 thực sự có thể ở bất kỳ đâu trên thế giới để hoàn thành các nhiệm vụ do chỉ huy đặt ra.
Giới phân tích quân sự tại Nga bình luận: "Đây là một bất ngờ rất khó chịu cho các đối thủ tiềm năng của chúng ta. Những gì mà Tu-160 đã thể hiện khiến nó được gọi là 'cánh tay dài' của bộ ba hạt nhân Nga".
"Mỗi kỷ lục mới do Tu-160 thiết lập là một lời nhắc nhở khác đối với kẻ thù về khả năng ấn tượng của hàng không tầm xa Nga, rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, 'những cánh tay dài' của bộ ba hạt nhân sẽ giáng những đòn cực kỳ tàn khốc".
"Chúng ta cũng nên nhắc lại rằng có một số dự án sửa đổi máy bay Tu-160, việc thực hiện sẽ làm tăng thêm khả năng của oanh tạc cơ tên lửa chiến lược, khi chúng có khả năng sử dụng tên lửa hành trình, bom hàng không và thiết bị điện tử mới nhất".
Theo thông tin bên lề và chưa được khẳng định, chiếc Tu-160 đã thực hiện chuyến bay lịch sử trên là phiên bản nâng cấp Tu-160M2 vừa được sản xuất mới.
Nhờ tích hợp động cơ NK-32-02 hiện đại hóa, vẫn giữ được độ nhỏ gọn và trọng lượng như cũ nhưng lại tiết kiệm hơn 10% nhiên liệu, giúp tăng tầm bay của oanh tạc cơ chiến lược mang tên lửa lên gần 1.000 km.
Bạch Dương