Kỷ lục nhiệt độ lại bị phá

Nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từng được Copernicus - Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu ghi nhận: Cao hơn 1 độ C so với mức được ghi nhận kể từ năm 1979. Riêng ngày 9/6, cao hơn 1,69 độ C so với trung bình 44 năm.

Bảng điện tử hiển thị nhiệt độ ngoài trời 48 độ C dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha. Ảnh: Getty.

Bảng điện tử hiển thị nhiệt độ ngoài trời 48 độ C dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha. Ảnh: Getty.

Giám đốc của Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus - TS Carlo Buontempo cho biết, nắng nóng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tử vong liên quan hiện tượng tự nhiên.

Mùa hè năm 2022, Tây Ban Nha được cho là nóng nhất trong vòng 500 năm. Tuy nhiên, mùa hè năm nay người dân ở các thành phố lớn của quốc gia này lại tiếp tục gồng mình trong nắng nóng. Seville - một thành phố miền nam Tây Ban Nha một ngày giữa trưa bảng điện thị hiển thị con số 48 độ C. Người dân khiếp sợ. Đường phố vắng ngơ vắng ngắt chỉ có nắng chang chang. Sabrina, nữ công dân Sevill nói, nhìn bảng nhiệt độ nhiều người cho rằng nó bị hỏng, vì không thể tin nổi lại nắng nóng đến thế. “Chúng tôi phải nhốt kĩ trẻ con trong nhà, mặc cho chúng đòi ra đường để xem nắng nóng thế nào” - chị Sabrina nói.

Người Tây Ban Nha luôn tự hào về dòng sông Rio Tinto, bởi màu nước mang màu hồng lung linh. Nhưng kể từ đầu tháng năm tới nay, đã gần 2 tháng nước dòng sông cạn hẳn. “Nó gần như là con sông chết. Nắng nóng dữ dội khiến nước dòng sông bốc hơi rất nhanh” - Amanda, một người dân Madrid đi du lịch tránh nóng đã thốt lên một cách tiếc nuối.

Tuy nhiên, không chỉ châu Âu nóng hơn, mà châu Á, châu Mỹ cũng “chung số phận” khi El Nino chính thức quay trở lại, nước biến nóng lên khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), El Nino đang dần dần mạnh lên khi mà thế giới đã trải qua tháng 6 nóng thứ 3 trong vòng 174 năm, kỉ lục nhiệt độ lại bị phá. Riêng châu Mỹ đã ghi nhận tháng 5 nóng nhất chưa từng thấy.

Bà Ellen Bartow Gillies - nhà khoa học khí hậu tại NOAA nói rằng, bất kể năm 2023 có trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận hay không thì các nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng, tác động leo thang của khủng hoảng khí hậu đang rõ ràng và sẽ không thể giảm bớt trừ khi khí thải nhà kính được cắt giảm triệt để. Trong khi đó, bà Natalie Mahowald (nhà khoa học khí quyển Đại học Cornell, Mỹ) cảnh báo: "Nếu không cắt giảm phát thải mạnh hơn, những thay đổi mà chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu của những tác động bất lợi mà chúng ta không thể hình dung được".

Thời gian này, các khu vực từ Arizona đến Louisiana (Mỹ) đã ghi nhận mức nhiệt gần 37 độ C. Tờ Wall Street Journal dẫn lời Thống đốc bang Connecticut Ned Lamon cho biết đã phải ra cảnh báo với người dân. Ông Andrew Orrison, người dân Connecticut cho biết, nông dân trong vùng không dám thả bò ra cánh đồng để chúng gặm cỏ mà phải nhốt trong chuồng tránh nắng.

“Mỗi ngày qua đi, khi thấy nắng cứ trắng xóa bầu trời, ai cũng lo lắng. Đã lâu không thấy mưa, cây cỏ khô héo, mùa hè năm nay sẽ đi vào lịch sử” - ông Andrew nói.

Trong khi đó, tại Mexico vẫn đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 45 độ C tại một số bang. Bộ Y tế Mexico thông báo, đã có 7 nạn nhân thiệt mạng vì sốc nhiệt và mất nước. Theo các chuyên gia khí tượng tại Đại học quốc gia Mexico (UNAM), một đợt nắng nóng mới có thể tiếp tục xuất hiện tại quốc gia Trung Mỹ 130 triệu dân này vào đầu tháng 7 tới, với nhiệt độ thậm chí cao hơn 3 đợt nắng nóng vừa qua.

Còn tại Ấn Độ, giới chức nước này thông tin, nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp khiến ít nhất 96 người tử vong tại 2 bang đông dân nhất nước là Uttar Pradesh (54 người) và Bihar (42 người). Phần lớn những người tử vong là người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.

Do tình hình nghiêm trọng, cơ quan chức năng các địa phương đã yêu cầu nhân viên y tế không nghỉ phép và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng lượng bệnh nhân gia tăng.

Tại huyện Ballia (Uttar Pradesh) nắng nắng được coi là dữ dội nhất khi nhiều ngày lên tới 43 độ C, cao hơn 5 độ C so với bình thường. Độ ẩm chỉ còn 25% càng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt.

Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất tại Ấn Độ ghi nhận trong đợt nắng nóng này là tại Bihar khi lên tới 44,7 độ C. Cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết, tháng 6 là tháng nóng đỉnh điểm, nền nhiệt có thể sẽ dịu xuống kể từ đầu tháng 7 tới.

Ngày 25/6, thông tin từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, thế giới đang trải qua tháng 6 nóng thứ ba trong lịch sử 174 năm. Mặc dù NOAA đưa ra dự báo thận trọng hơn về kỷ lục nhiệt năm 2023, nhưng gần như chắc chắn năm nay sẽ nằm trong tốp 5 hoặc 10 năm nóng nhất, trong vòng 400 năm. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao trong vòng 5 năm tới, do hiện tượng El Nino cũng như khí thải nhà kính gây ra.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-luc-nhiet-do-lai-bi-pha-5721485.html