Kỷ lục, sự nhàm chán và mục đích thương mại
Theo thống kê của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, sau 18 năm thành lập, đã có gần 3.000 kỷ lục Việt Nam tại 63 tỉnh, thành được xác lập. Trong đó, trên 900 kỷ lục cá nhân, hơn 1.800 đơn vị sở hữu kỷ lục trong tất cả các lĩnh vực.
Kỷ lục nở rộ
Từ trước đến nay, kỷ lục được hiểu là những thành tựu đỉnh cao, sự xuất sắc vượt trội của cá nhân, đơn vị được ghi nhận bởi cộng đồng, xã hội. Kỷ lục là mức thành tích cao nhất từ trước đến nay chưa ai làm được. Như vậy, kỷ lục vốn dĩ không đơn thuần thể hiện ở kích thước, số lượng mà nằm ở giá trị vượt bậc. Việc tôn vinh kỷ lục góp phần khẳng định và nâng cao giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, với việc “nở rộ” kỷ lục như hiện nay đã khiến cho ý nghĩa của nó bị mờ nhạt. Nhìn vào những kỷ lục gần đây, nhiều người cho rằng đó là hệ quả của việc chạy đua theo thành tích mà quên đi giá trị và ý nghĩa sản phẩm làm ra trong đời sống thường ngày.
Có thể kể đến một kỷ lục mới được xác lập gần đây, đó là chiếc áo dài "Dấu ấn thời gian" có chiều dài 189m, nặng 200kg, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ của một nhà thiết kế nữ. Được biết, chiếc áo được hoàn thành với công sức của 15 nhà thiết kế và nghệ nhân của làng nghề thêu đính huyện Thường Tín (Hà Nội) trong thời gian 5 tháng. Sau khi thiết kế, tạo hình áo, họa sĩ đã vẽ hoa văn họa tiết cổ để in nổi trên áo. Tác phẩm khi thực hiện xong có trọng lượng lên đến 200kg.
Hay như trước đó, vào tháng 4 vừa qua, chiếc áo dài "Non sông gấm vóc" dài 220,6m nặng gần 250kg đã xác lập kỷ lục chiếc áo dài đính kết thủ công, giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam có kích thước dài nhất.
Những năm về trước, rất nhiều lần những lễ vật “khủng” đã được làm ra nhận dịp ngày lễ. Trong đó có thể kể đến như dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016, một chiếc bánh chưng khổng lồ với trọng lượng lên đến 2,5 tấn diện tích 2,6m2.
Năm 2014, chiếc bánh chưng nặng khoảng 4,3 tấn đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam. Chiếc bánh này cùng với chiếc bánh dày nặng 5 tạ được dâng cúng các vua Hùng ở đền Mẫu Tổ Âu Cơ tại Hưng Yên vào ngày 4/4/2014…
Trước những kỷ lục “nở rộ”, trái với thực tế đời sống, nhiều người đã phản đối và cho rằng đó là cách làm phô trương, gây lãng phí. Có thể coi đây là một hình thức phô trương, lấy tiếng nhưng không thể hiện được thuần phong mỹ tục, bản chất của văn hóa dân tộc, lại rất lãng phí...
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, khi chúng ta hội nhập thì văn hóa kỷ lục đã hội nhập vào nước ta, nhưng nhiều khi không tương hợp với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Nếu những sự thiết lập các kỷ lục thành trào lưu thì chính nhân dân sẽ có sự phản ứng.
Theo TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cách đây hơn chục năm, khi mới có việc xét kỷ lục đã hút được sự quan tâm của nhiều người, sự kiện nào cũng muốn tìm đến. Tuy nhiên gần đây, nhiều kỷ lục quá, trở thành lạm phát kỷ lục, dẫn tới nhàm chán và chất lượng của kỷ lục bị kém đi. Kỷ lục cũng là dịch vụ. Rất nhiều sự kiện cần kỷ lục mà kỷ lục cần bán được dịch vụ (bán được kỷ lục) hai cái gặp gỡ nhau, vì đích thương mại. Để làm dược như thế thì càng nhiều kỷ lục, người ta càng nhiều thu nhập.
Kỷ lục phải thực sự xứng đáng khi công nhận
Việc công nhận kỷ lục là động lực để thúc đẩy cá nhân, tổ chức đạt được những kết quả cao hơn nữa. Đây còn là đòn bẩy cho sự khuyến khích sáng tạo. Tuy nhiên, việc cố gắng đạt được kỷ lục một cách không xứng đáng đã tạo ra sự phản ứng trong dư luận. Nếu chúng ta không tuân thủ quy trình đánh giá chặt chẽ hoặc chịu ảnh hưởng của nhóm lợi ích nào đó thì sự công nhận của họ có thể không được coi là đáng tin cậy.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để kỷ lục ở Việt Nam thực sự có ý nghĩa thì cần tăng cường công khai thông tin và nâng cao nhận thức của công chúng về tiêu chuẩn của các kỷ lục để giúp mọi người hiểu rõ hơn về các yêu cầu và tiêu chí để đạt được một kỷ lục, từ đó đảm bảo tính chính xác và độ chuẩn mực của các kỷ lục.
Cùng với đó, thiết lập quy trình đánh giá chặt chẽ với quy định rõ ràng và công bằng để xác định liệu một thành tích nào đó có đủ điều kiện để trở thành một kỷ lục hay không. Và cần có sự giám sát độc lập từ các tổ chức hoặc chuyên gia có uy tín để đảm bảo quy trình đánh giá được tiến hành một cách công bằng và đúng quy định để giúp đảm bảo tính khách quan và chuẩn xác của quy trình xác định kỷ lục.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần có văn bản quản lý nhà nước, quy định cụ thể về kỷ lục cũng như quy định về chất lượng. Các phương pháp quản lý thế nào phải được thể hiện. Ban hành quy định pháp luật về vấn đề này để quản lý. Cùng với đó là xây dựng tiêu chí những gì đáng để xét kỷ lục và công khai minh bạch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-luc-su-nham-chan-va-muc-dich-thuong-mai-5726661.html