Kỷ lục tốc độ Internet mới, nhanh hơn NASA 2600 lần, tải phim 8K chỉ trong chớp mắt
Kỷ lục này được thiết lập ở Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản.
Nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (NICT) ở Nhật Bản thiết lập kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu với 1,02 petabit/giây (Pb/s) bằng cách sử dụng cáp quang tương thích với cơ sở hạ tầng hiện nay.
Kỷ lục mới nhanh gấp khoảng 100.000 lần tốc độ Internet nhanh nhất trong hộ gia đình hiện nay (1 Pb = 1.000.000 Gb). Ngay cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phải đến năm 2023 khi mạng máy tính ESnet6 đi vào hoạt động cũng mới đạt tốc độ 400 Gb/s. Về lý thuyết, tốc độ 1 Pb/s có thể phát 10 triệu kênh video mỗi giây với độ phân giải 8K.
Để đạt được tốc độ kỷ lục 1,02 Pb/s, truyền dữ liệu qua 51,7 km cáp quang, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số công nghệ mới nổi như ghép kênh quang theo bước sóng (WDM) giúp băng tần truyền tín hiệu được mở rộng tới 20 THz, cáp quang chứa 4 lõi thay vì một lõi như thông thường. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của công nghệ khuếch đại quang học và điều chế tín hiệu.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tổng cộng 801 kênh bước sóng ở 3 băng tần, gồm băng tần C, băng tần L và băng tần S thử nghiệm để tạo ra băng tần 20THz.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học ở NICT đạt được tốc độ kỷ lục khi truyền dữ liệu. Vào tháng 12/2020, họ đã sử dụng một sợi cáp quang một lõi và dữ liệu mã hóa thành 15 chế độ để đạt kỷ lục 1,01 Pb/s.
Kỷ lục mới mà họ vừa đạt được không chỉ nhanh hơn mà còn truyền mỗi lõi một chế độ, giúp có thể đọc dữ liệu bằng công nghệ hiện nay. Ngoài ra, cáp quang 4 lõi mà nhóm nghiên cứu sử dụng có cùng đường kính 0,125 mm như cáp tiêu chuẩn ngày nay nên tương thích với cơ sở hạ tầng và quá trình sản xuất.
Kỷ lục này được nhóm nghiên cứu công bố tại Hội nghị quốc tế về laser và điện quang 2022 diễn ra vào cuối tháng 5.
(Tham khảo QTM)