Kỹ năng làm bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT theo từng phần thi
Cô Nguyễn Thùy Dung, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên, chia sẻ một số kỹ năng làm bài thi môn Ngữ văn theo từng phần.
Cấu trúc đề thi Ngữ văn gồm 2 phần là Đọc – hiểu và Làm văn. Phần Làm văn gồm Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Học sinh (HS) cần ôn tập các phần kiến thức và rèn luyện những kỹ năng khác nhau để đảm bảo giành điểm cao nhất trong từng phần.
Định hướng nội dung Đọc - hiểu
Ở phần Đọc – hiểu, cô Thùy Dung lưu ý đọc câu hỏi trước để định hướng nội dung cần tìm trong bài đọc hiểu là một kỹ năng rất quan trọng. Câu hỏi thường được sắp xếp từ dễ đến khó, nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.
Với dạng câu hỏi nhận biết, HS cần tập trung vào một số kiến thức cơ bản như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; thể thơ; thao tác lập luận, biện pháp tu từ… Ở dạng này, HS cần trả lời ngắn gọn, nhanh chóng nhưng cũng rất cần độ chính xác cao.
Với dạng câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, đề thường yêu cầu dưới dạng như “căn cứ vào văn bản”, “theo tác giả”, “theo đoạn trích”… Vì vậy, HS cần đọc kĩ đoạn văn bản có chứa từ khóa, ý chính của văn bản để tìm ra vấn đề được hỏi. Cách trả lời phổ biến là theo tác giả hoặc theo đoạn trích,....
Với dạng câu hỏi thông hiểu và vận dụng, HS cần đọc kĩ văn bản và ứng dụng vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn để lí giải. HS có thể mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình song quan điểm đó phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chọn dẫn chứng cho Nghị luận xã hội
Đến phần Làm văn, ở bài Nghị luận xã hội, HS cũng cần lưu tâm một số gợi ý sau. Đề bài văn nghị luận xã hội thường yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ bàn về một tư tưởng đạo lý, một hiện tượng đời sống hay một ý kiến, quan điểm... Với dạng đề này, HS cần trình bày dưới hình thức một đoạn văn.
Đặc biệt, các em cần lưu ý không được xuống dòng tùy tiện, lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên.... Dung lượng bài làm là khoảng 2/3 tờ giấy thi, tương đương khoảng 20-25 dòng, tối đa một tờ giấy thi.
Bên cạnh đó, HS cần chọn dẫn chứng hợp lý. Các em nên lấy 1-2 dẫn chứng tiêu biểu là đủ nhưng đưa dẫn chứng phải cô đúc, ngắn gọn, không kể hay phân tích dẫn chứng. Đồng thời, HS cần rút ra bài học sâu sắc.
Đầu tư thời gian cho Nghị luận văn học
Về Nghị luận văn học, là phần chiếm 50% dung lượng bài thi, cô Dung lưu ý HS cần đầu tư thời gian, tâm sức nhiều nhất cho phần này.
Những yêu cầu chính đối với bài văn Nghị luận Văn học gồm: đọc đọc kĩ văn bản, nhất là những văn bản truyện để nắm vững nội dung kiến thức tác phẩm. Đọc kỹ đề, gạch chân dưới những từ khóa trong đề. Phải hiểu rõ yêu cầu của đề thi.
Xác định đề thi thuộc dạng nào trong số những dạng bài sau đây: Chứng minh một nhận định hay phân tích một hình tượng, một đoạn thơ, một bài thơ hay nghị luận về một đoạn trích trong tác phẩm văn xuôi…
Các bước làm bài giống như dàn ý đã lập trước đó nhưng cần chú ý.
Thứ nhất, mở bài bắt buộc nêu được yêu cầu của đề bài là vấn đề cần nghị luận.
Thứ hai, thân bài cần:
- Khái quát về tác giả (phong cách sáng tác), tác phẩm, xuất xứ: (Phần này rất quan trọng vì trong đáp án của Bộ, HS làm tốt những yêu cầu này sẽ đạt 0,5 điểm; nếu các em đã đưa phần tác giả lên mở bài thì phần khái quát có thể không cần nữa; hoặc phần khái quát sẽ dùng để nói hoàn cảnh sáng tác, khái quát nội dung và dẫn dắt đến vấn đề cần phân tích)
- Nội dung phân tích, cảm nhận:
Trong phần nội dung của bài làm, HS phải xác lập được các luận điểm chính. Vận dụng các thao tác lập luận: chứng minh, bình luận, phân tích, cảm nhận… để làm rõ luận điểm.
HS nên viết đoạn văn theo lối diễn dịch để ý được rõ ràng, giám khảo chấm cũng dễ cho điểm. Đầu mỗi luận điểm, lùi đầu dòng để giám khảo dễ nhìn bố cục của bài viết. Đối với thơ hay truyện thì phải lấy nghệ thuật để phân tích phần nội dung, đặc biệt là phân tích thơ.
Khi hành văn, cần tránh lỗi chính tả, diễn đạt, sử dụng những từ, câu sáo rỗng. Cần viết thật cô đọng, “giọng văn phải kết hợp được chất lý luận và suy tư cảm xúc”. Tránh gạch bỏ quá nhiều trong bài làm, làm bẩn bài làm sẽ gây phản cảm cho người chấm.
Riêng với HS khá giỏi, để tăng chiều sâu cho bài viết, cần có sự so sánh, đối chiếu giữa nhân vật này, nhân vật kia, tác phẩm này, tác phẩm khác; cần đưa một số lời phê bình, nhận định văn học vào trong bài làm. HS cần có dẫn chứng thêm ngoài tác phẩm vì những yếu tố đó sẽ làm cho bài văn thêm phong phú và có chiều sâu.
- Phần tổng kết nghệ thuật: theo đáp án, trước khi kết bài sẽ có phần tổng kết nghệ thuật. HS cần đánh giá, nhận xét chung về nghệ thuật của tác phẩm. Thường chiếm từ 0,5 – 1,0 điểm, đây là bước đệm cuối cùng cho đủ bố cục bài văn.
Thứ ba, ở kết bài, HS đánh giá chung về vấn đề.
Theo cô Nguyễn Thùy Dung, để viết tốt đoạn văn 200 chữ, HS cần nắm vững một số lưu ý như: Bố cục một đoạn văn NLXH đủ ba phần : Mở đoạn– Thân đoạn– Kết đoạn. Giải thích ngắn gọn, rõ ràng, khoa học, hợp lý. Bàn luận sâu sắc, lập luận chặt chẽ, bày tỏ quan điểm, ý kiến rõ ràng, thấu tình đạt lý.