Kỹ năng sống - kiến thức cần 'bỏ túi' cho trẻ em

Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cả nước vào đầu năm 2023 với nạn nhân là trẻ em đều cho thấy các em đang quá thiếu về kỹ năng sống (KNS), kỹ năng mềm để xử lý, giải quyết, thích nghi với cuộc sống.

Mới đầu tháng 1/2023, mạng xã hội rúng động trước thông tin em H.N trượt chân lọt vào cọc bê tông khi đang cùng ba bạn khác vào dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi (Đồng Tháp), cách nhà gần một km, nhặt phế liệu. Sự việc trên vẫn chưa lắng xuống thì tiếp đó, một cậu bé 7 tuổi lại gặp nạn khi đưa tay vào máy trộn bê tông. Riêng tại Bình Thuận, hàng năm đều có hàng ngàn trẻ gặp các tai nạn, thương tích xảy ra chủ yếu là gãy tay, chân, bị động vật cắn, bỏng nước, đuối nước… Nguyên nhân được chỉ ra là do trẻ chưa hiểu được sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi trên giá cao, việc ngồi trên lan can không có tay vịn, nhảy từ trên cao xuống, chạy nhảy, đuổi nhau, leo cây, trèo cầu thang, chơi tại những chỗ không an toàn, ao hồ, xâm hại... Điều đáng nói là những tai nạn này có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ, nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Lớp học kỹ năng sống tại Nhà Thiếu nhi tỉnh

Ông Trần Anh Minh – Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Bình Thuận chia sẻ: “Hàng năm, Nhà Thiếu nhi tỉnh đều mở các lớp dạy kỹ năng cho trẻ, tuy nhiên số lượng theo học còn rất hạn chế. Dù đây là lớp học miễn phí nhưng hiện nay, chỉ có gần 40 em theo học vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Dạy trẻ kỹ năng tự vệ, phòng chống bạo lực học đường

Thầy Nguyễn Văn Hùng, người phụ trách Đội Tuyên truyền măng non và kỹ năng sống của Nhà Thiếu nhi tỉnh chia sẻ: Giáo dục KNS là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm giúp các em có những kiến thức về cuộc sống, có hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội, từ đó thích ứng và đáp ứng tốt nhất với môi trường sống. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều học sinh thành phố, đô thị hiện nay được ba mẹ chăm ăn, chăm mặc kỹ quá, chẳng thiếu thứ gì và được bao cấp đến “tận răng”. Có những em ba mẹ đón trễ, nhưng không nhớ số điện thoại để nhờ người khác hỗ trợ. Hay học sinh lớp 9, 10 mà không dám tự đi học. Còn ở nhà, nhiều trẻ được miễn việc giúp đỡ công việc nhà, dù là nhỏ nhất với lý do là để dành thêm thời gian cho con học, hay đã có “bác giúp việc”. Có rất nhiều lời giải thích, biện minh cho việc chăm sóc, nuông chiều con cái. Hệ lụy của việc nuông chiều ấy là làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại cho người khác những việc có thể thực hiện trong tầm tay.

Các em hào hứng khoe các tác phẩm được học

Ở một góc độ khác, do mãi làm kinh tế nên nhiều phụ huynh không có thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình. Ngay cả khi có mặt ở nhà, họ cũng không thể sắp xếp thời gian để tâm sự, trò chuyện cùng con. Bởi thế hình ảnh một gia đình với ba mẹ ôm máy tính, nghe điện thoại, con cái chúi đầu chơi game trên ipad không còn hiếm thấy và ngày càng phổ biến.

Kỹ năng làm việc nhóm được rèn luyện cho các em từ nhỏ

Ai cũng biết tuổi đến trường không chỉ học về kiến thức văn hóa để vượt qua các kỳ thi sát hạch, vượt cấp mà phải học cả các kỹ năng để ứng biến, thích nghi với môi trường xung quanh. Tại lớp KNS ở Nhà Thiếu nhi tỉnh, mỗi tuần sẽ có một chuyên đề, như tại sao không nên nói dối, kỹ năng truyền tin và phòng chống bạo lực học đường, học bài sao cho nhanh thuộc, tuyên truyền các ngày lễ lớn trong năm, giới thiệu về du lịch Bình Thuận… Trong đó từ 8 – 9 giờ sáng sẽ được học về kỹ năng và từ 9 – 10 giờ sáng là các hoạt động trải nghiệm xếp lego, nấu ăn, trò chơi dân gian, vẽ tranh về các chủ đề…

Cũng theo thầy Hùng: KNS có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi người, thậm chí quyết định sự thành công của con người. Vì vậy, phụ huynh nên quan tâm cân bằng việc học tập cho con em mình, để các em có thời gian hợp lý tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại, giúp giảm căng thẳng và tìm thấy niềm vui trong học tập, tự tin trong cuộc sống.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-nang-song-kien-thuc-can-bo-tui-cho-tre-em-106155.html