Kỹ năng từ chối và tinh thần dám nói 'không' với thuốc lá điện tử của DONers
Các DONers tại một ngôi trường ở Hà Nội vừa có buổi trải nghiệm đầy bổ ích, ở đó, DONers được trao kiến thức để nhận diện, được trang bị kỹ năng để từ chối, và được thắp lên tinh thần dám nói 'không' với cám dỗ độc hại, trong đó có thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện.
Buổi đào tạo phòng chống thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện; trang bị kỹ năng tự vệ khi gặp đối tượng nguy hiểm dụ dỗ, lôi kéo - vừa được tổ chức ở Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, các học sinh (là các DONers) được trao kiến thức để nhận diện, được trang bị kỹ năng để từ chối, và hơn hết là được thắp lên tinh thần dám nói “không” để giữ mình an toàn – giữ bạn bè an toàn – giữ cộng đồng học đường lành mạnh.

Buổi đào tạo phòng chống thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện; trang bị kỹ năng tự vệ khi gặp đối tượng nguy hiểm dụ dỗ, lôi kéo tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hành trang cho DONers: Kỹ năng từ chối và thắp lên tinh thần dám nói "không" với thuốc lá điện tử
Buổi đào tạo có sự tham gia của khoảng 300 học sinh - các DONers của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là buổi trải nghiệm được tổ chức thường niên, luôn cập nhật những thông tin mới, bổ ích nhằm trang bị kỹ năng cần thiết giúp học sinh nhận diện và phòng chống các loại thuốc lá điện tử và chất gây nghiện, hiểu biết về các tác hại của chúng đối với cá nhân, gia đình và xã hội, từ đó tránh xa các tệ nạn xã hội nói chung và thuốc lá điện tử và chất gây nghiện nói riêng.
Tại buổi trải nghiệm, các học sinh được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giúp học sinh biết cách từ chối sử dụng thuốc lá điện tử và chất gây nghiện, nhận diện người sử dụng thuốc lá điện tử và chất gây nghiện, chống lại sự dụ dỗ và lừa đảo liên quan đến thuốc lá điện tử và chất gây nghiện.
Học sinh cũng được trang bị các kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi bị các đối tượng dụ dỗ, đe dọa - qua đó, giúp học sinh hiểu biết, khả năng ứng biến và hành động phù hợp trước sự việc, tình huống, đối tượng xung quanh mình.
Với 6 phần nội dung phong phú như: Hiểu biết về thuốc lá điện tử; Nhận biết các loại thuốc lá điện tử; Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử; Phòng chống thuốc lá điện tử; Tìm hiểu pháp luật về thuốc lá điện tử; Thực hành tự vệ khi bị các đối tượng dụ dỗ, đe dọa - 100% học sinh tham gia buổi học được trang bị kiến thức, được trải nghiệm thực tế qua các hoạt động thực hành với giáo viên.
Tại buổi trải nghiệm, nhiều học sinh không chỉ bày tỏ sự hứng thú mà còn ngạc nhiên khi biết về từng loại chất gây nghiện, có bạn học sinh rất bất ngờ vì nghĩ "nghiện chỉ cai là hết nhưng hóa ra không phải vậy, vì chất nghiện tấn công vào não bộ nên sẽ không dễ dàng trong cuộc chiến cai nghiện".

DONer Nguyễn Minh Ngọc - học sinh lớp 9H2, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Nguyễn Minh Ngọc - học sinh lớp 9H2 hào hứng chia sẻ: "Chúng em đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được các chuyên gia, các thầy giáo giới thiệu về các loại chất gây nghiện như: keo con chó mua rất dễ trong khi nhiều người lớn hay trẻ em cũng không biết; tem giấy, bùa lưỡi nhìn bề ngoài học sinh nhầm lẫn đây là hình xăm nên cũng rất dễ bị dụ dỗ; thuốc lá điện tử nếu là dạng tinh dầu thì các bạn vừa thấy thơm, lại có thể nhả khói nhiều kiểu nên cũng rất dễ bị lôi kéo sử dụng mà không biết được rằng các đối tượng xấu có thể tẩm ma túy gây nghiện, trong khi luật đã cấm không được mua bán và sử dụng thuốc lá điện tử…".
Lương Phước Nguyên, lớp 9C8 cũng "flex" lại kiến thức thu nạp được qua buổi trải nghiệm: "Còn em thì gặt hái được thêm nhiều kiến thức thực tế, như: shisha học sinh mua rất dễ ở các quán nước và rủ rê nhau hút vì nghĩ 'sẽ oai và hợp gu với các bạn cùng chơi' - tuy nhiên, đã có không ít các học sinh đi hút shisha bị tẩm ma túy đá dẫn đến nghiện; Hay, tác hại của chất gây nghiện dẫn đến ảo giác, gặp ai cũng tưởng 'ma', dẫn đến hành động nguy hiểm cho người thân; thậm chí, thật rùng mình khi thầy giáo thông tin về các hệ lụy khi hút thuốc lá điện tử có thể bị cháy nổ dụng cụ dẫn đến thương tật trên mặt, bị sốc thuốc, bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây ung thư… nói chung tưởng đơn giản mà vô cùng độc hại - cần tránh xa!".



Chuyên gia trao đổi thông tin, trang bị kĩ năng cần thiết giúp học sinh nhận diện và phòng chống các loại thuốc lá điện tử và chất gây nghiện, hiểu biết về các tác hại của chúng đối với cá nhân, gia đình và xã hội, từ đó tránh xa các tệ nạn xã hội nói chung và thuốc lá điện tử và chất gây nghiện nói riêng.
Không chỉ Minh Ngọc, Phước Nguyên, mà nhiều bạn học sinh cũng yêu thích buổi "học như chơi", khi kiến thức cuộc sống được truyền đạt dễ hiểu, trực quan sinh động, các bạn mặc sức hỏi han, phản biện, cười nói không cần trật tự, nghiêm ngắn như các buổi học khác trên lớp.
Chuyên gia đào tạo Đinh Văn Hưng chia sẻ, với lý thuyết đan xen thực hành ở tất cả các nội dung, phương pháp giảng dạy và thiết kế trải nghiệm phù hợp với độ tuổi và kiến thức và kĩ năng thực tế cụ thể của từng chủ đề đã mang đến những kiến thức giúp học sinh nhận biết các loại thuốc lá điện tử và chất gây nghiện và ảnh hưởng tiêu cực của từng loại tới sức khỏe, cơ thể người.
Cùng với đó, buổi trải nghiệm cũng trang bị cho học sinh các kỹ năng phòng, chống dụ dỗ, lừa đảo sử dụng thuốc lá điện tử và chất gây nghiện. Đặc biệt là trang bị cho học sinh các kỹ năng tự vệ khi gặp đối tượng nguy hiểm dụ dỗ, lôi kéo, giúp các học sinh thực hiện thuần thục các động tác thoát khi bị khống chế bởi các đối tượng dễ manh động như "con nghiện".
Theo đánh giá của chuyên gia đào tạo Đinh Văn Hưng, nếu như ở phần trang bị kiến thức về phòng chống thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện các học sinh thiên về lắng nghe và hỏi han thì ở phần 2 của buổi trải nghiệm - trang bị kỹ năng tự vệ khi gặp đối tượng nguy hiểm dụ dỗ, lôi kéo - các học sinh thích thú và hào hứng tham gia thực hành hơn.
Với các động tác giả định khi học sinh bị đe dọa, bắt nạt như túm tóc, khống chế từ đằng sau… sẽ có những kỹ thuật đối kháng lại để học sinh được an toàn cho bản thân - khiến nhiều học sinh rất hào hứng thực hành. Điều này đáp ứng tiêu chí của nhà trường: Hành trình trưởng thành không chỉ cần tri thức, mà cần cả bản lĩnh.



Các DONers hào hứng tham gia học tập, trải nghiệm các kỹ năng phòng chống thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện.
Cô giáo Đỗ Thu Hoài – giáo viên chủ nhiệm lớp 9H2 nhận định, tuổi vị thành niên là độ tuổi của tò mò, khám phá, khẳng định bản thân, nhưng cũng chính là độ tuổi mà học sinh dễ bị cuốn vào những lời mời gọi tưởng chừng vô hại: một viên kẹo "lạ", một hơi vape "thử cho biết", một lon nước "vui là chính"... mà ẩn sau đó là cả một thế giới ngụy trang của các chất gây nghiện hiện đại, từ ma túy thế hệ mới, thuốc lá điện tử, đến các dạng chất kích thích nguy hiểm... Do đó, những buổi trải nghiệm với các nội dung rất hữu ích như thế này, vừa dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu chắc chắn sẽ giúp các học sinh tự tin, mạnh mẽ hơn, "khả năng tự vệ cao hơn". Đây là những kỹ năng mềm rất cần thiết mà nhà trường luôn đan xen giảng dạy nhằm giúp các học sinh phòng bị tốt nhất cho bản thân mình.
Trước đó, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cũng đã tổ chức buổi học trải nghiệm về Giáo dục kỹ năng Phòng cháy chữa cháy và Thoát hiểm cho học sinh khối 6, 7, 8. Qua buổi học, các học sinh được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.
Tại buổi trải nghiệm này, các học sinh đã được tìm hiểu về nguyên tắc "4 tại chỗ" và trực tiếp; Phân biệt và sử dụng các loại bình chữa cháy đúng cách; Thực hành dập lửa với các tình huống mô phỏng cháy thực tế; Học kỹ năng thoát hiểm bằng dây từ nơi cao một cách an toàn. Từ đó, các DONers hiểu rằng: "An toàn không may mắn mà đến từ kỹ năng".




Thông qua các buổi học trải nghiệm, các DONers hiểu rằng: "An toàn không may mắn mà đến từ kỹ năng".
Những buổi học trải nghiệm như vậy không chỉ mang đến kiến thức bổ ích mà còn giúp các học sinh bình tĩnh – chủ động – bản lĩnh khi đối mặt với nguy hiểm, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn và hành trang vững chắc cho cuộc sống.
Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn chia sẻ: "Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, học sinh của chúng ta không chỉ cần giỏi kiến thức mà còn cần bản lĩnh, tỉnh táo và có khả năng đưa ra lựa chọn đúng đắn trong những tình huống nhạy cảm. Nếu không được trang bị kỹ năng, sự tò mò có thể trở thành mối hiểm họa khôn lường".

Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Hình ảnh các DONers lăn xả thực hành – mồ hôi lấm tấm nhưng ánh mắt thì tràn đầy tự tin – chính là minh chứng cho hiệu quả thiết thực của hoạt động này. Nhà trường luôn chú trọng Giáo dục kỹ năng sống – Trao an toàn, gửi tương lai!
Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn