Kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ của người Hà Nội trong đại dịch
Người nghỉ việc bất đắc dĩ, người trông con cho vợ đi làm... cuộc sống tại Hà Nội đảo lộn, éo le trong những ngày dịch Covid-19 tái bùng phát.
9h30, nắng rọi qua cửa sổ vào đến sát giường ngủ. Lê Minh Sơn nheo mắt, với tay tìm chiếc điện thoại để xem giờ. Cậu chợt nghĩ: “Chà, hôm nay mình dậy sớm quá”.
Hai chú mèo nằm cạnh cũng bắt đầu cựa mình, dụi chiếc đầu nhỏ về phía tay cậu chủ đòi vuốt ve trong những tiếng kêu ''meo, meo'' khe khẽ. Cả căn phòng của Sơn lúc này mới thức giấc.
Anh chàng DJ thêm lần nữa nghỉ việc bất đắc dĩ
Lê Minh Sơn (24 tuổi) là một DJ làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Đặc thù công việc làm đêm, ngày nào cậu cũng trở về phòng lúc 2-3h sáng. Công việc đó cũng khiến cho giờ giấc sinh hoạt của Sơn nghe chừng “chẳng giống ai” vì thường xuyên thức dậy vào lúc đã quá trưa hoặc sang giờ chiều. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thời gian biểu của cậu phải thay đổi.
Sơn cũng ít quan tâm đến thứ, ngày, tháng. Nhưng cậu nhớ rõ mồn một thông báo “Tạm dừng hoạt động quán bar bắt đầu từ 0h ngày 30/4”. Bởi đây là lần thứ hai công việc của chàng trai 24 tuổi bị dừng hẳn lại do dịch Covid-19. “Dịch mà bùng phát thì nơi tạm đóng cửa nghỉ đầu tiên tất nhiên là quán bar, mở lại cũng muộn nhất. Dù sao nó cũng là nơi tụ họp đông người”, Sơn nói.
Dù không trực tiếp tới bar nhưng Sơn sáng tác nhạc ở nhà mỗi ngày. Âm nhạc khiến cậu cảm thấy thư giãn. "Ngày nào mà bỏ bê, chắc tôi sẽ cạn kiệt năng lượng mất”, chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, Sơn chia sẻ.
Tạm dừng công việc, Sơn quay lại với cuộc sống ngày thường trong căn phòng nhỏ với hai chú mèo: Pancake và Xì-ke. Những người bạn của Sơn có người vẫn đi làm, một số cũng bất đắc dĩ ở nhà giống cậu nhưng do dịch bệnh căng thẳng, mọi người cũng hạn chế gặp mặt thời điểm này. Sơn dành phần lớn thời gian của mình ở nhà để làm nhạc, xem phim hoạt hình, đọc sách…
Thỉnh thoảng Sơn cũng ra ngoài để mua một số đồ dùng cần thiết trong nhà: kem đánh răng, đồ ăn vặt… hoặc về thăm bà nội.
- Sơn về đó hả? Hôm nay không đi làm đấy à. - Bà nội ngoái ra phía cửa, không kịp đợi cậu cháu trai tháo đôi giày đã cười vui vẻ rồi hỏi chuyện.
- Đợt này dịch mà bà, con tạm nghỉ làm rồi nên lại về thăm bà đây.
Bà nội sống với bác, cách nhà Sơn chừng 3 km. Năm nay bà 94 tuổi, mỗi tuần dù công việc có bận rộn đến mấy, Sơn đều dành ra hai ngày để về thăm. Đan lấy đôi bàn tay gầy gò, một tay vòng qua phía sau, ôm lấy bờ vai nhỏ, Sơn ân cần hỏi:
- Sáng hôm nay bà đã uống sữa chưa thế? Bà nhớ ăn hết cháo không được bỏ bữa đâu nhé.
Hôm nay Sơn dành thời gian bên bà lâu hơn mọi lần, nghe bà dặn dò về công việc, về cách tự chăm sóc bản thân khi ở một mình. Nhịp sống của cậu không còn tất bật như trước kia mà có phần chậm lại nhiều hơn trong đợt dịch bùng phát.
Mẹ đi làm, ba bố con ở nhà mùa dịch
Hôm nay không phải chủ nhật nhưng anh Trần Quốc Dân và hai cậu con trai vẫn có mặt đầy đủ ở nhà. Anh Dân là giáo viên dạy Toán tại Trường phổ thông liên cấp Olympia (Thanh Xuân, Hà Nội). Chiều 3/5, Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo về việc cho học sinh trên địa bàn tạm dừng đến trường từ ngày 4/5. Vậy là anh Dân cùng hai con trai là An (lớp 3) và Khang (lớp 6) bắt đầu kỳ nghỉ Covid ở nhà.
Đã hơn 10 ngày nay, lịch sinh hoạt của ba bố con vẫn đều đặn như vậy. Sau khi ăn sáng rồi tiễn vợ đi làm, 8h, anh Dân cùng các con lại ngồi vào bàn học, bàn làm việc. An và Khang chuyển sang học online từ ngày nghỉ dịch.
Mỗi ngày, từ 8h-11h30 là thời gian học của hai cậu bé. Trong khi Khang làm bài tập với các bạn qua máy tính thì An vừa cặm cụi hoàn thành bài kiểm tra học kỳ môn Mỹ thuật vừa liên lạc với cô giáo qua ứng dụng trên điện thoại. Thỉnh thoảng vào tiết học mới, cậu bé An lại hô to: “Chúng con chào cô ạ!” hệt như đi học trên lớp.
- Bố ơi trưa nay ăn gì thế ạ, con đói rồi? An phụng phịu sau khi kết thúc giờ học online của mình, lúc này cũng đã hơn 11h.
- Con có muốn ăn mì như hôm qua không? Bố nghĩ là mình sẽ không nấu cơm. Có rau ngót và thịt băm con thích.
- Tuyệt vời đó ạ. Còn bát của anh Khang sẽ có hai quả trứng giống như hôm qua.
Vậy là bữa trưa của ba bố con đã được lên thực đơn cụ thể. Trong lúc chờ anh trai học xong, An nhanh nhẹn lấy mì, xếp bát… để phụ bố. Còn anh Dân thì trở thành đầu bếp chính cho hai cậu con trai trong những ngày này. Ba bát mì được đặt ngay ngắn trên chiếc bàn ăn giữa nhà. Bữa trưa đơn giản nhưng được tất cả các thành viên hưởng ứng nhiệt tình.
Chiều chiều, kết thúc giờ học của mình, An và Khang lại mang bóng ra đá. Hạn chế ra ngoài trong những ngày dịch bệnh phức tạp, anh Dân cùng vợ kê gọn bàn ghế trong phòng khách, lấy không gian cho các con nô nghịch. Căn nhà nhỏ, mỗi góc lại trở thành một chỗ chơi cho hai cậu bé. Góc thì tập đàn, giữa nhà để chơi bóng hoặc chiếc giường ngủ cũng sẵn sàng trở thành trận địa của hai anh em.
“Ngày trước nghỉ ở nhà, không quen, bọn con chán lắm. Giờ đỡ hơn rồi, hai anh em lúc nào cũng tự nghĩ ra trò để chơi”, cậu bé Khang kể lại.
Còn anh Dân cũng đã quen với ở nhà trông hai cậu con trai trong mùa dịch. Anh cảm thấy may mắn phần nào vì An và Khang đều đã lớn, có thể tự học và chơi cùng nhau. “Khó nhất là bố mẹ nào bận đi làm, không tìm được người để trông nom các con. Dịch bệnh nên muôn kiểu éo le. Chỉ mong mọi thứ sớm qua đi để mọi người được yên bình, mạnh khỏe”, anh Dân nói.
Kể từ ngày 29/4, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 tại huyện Đông Anh sau hơn 2 tháng không có ca bệnh nào.
Từ 0h ngày 30/4, Hà Nội tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game.
Chiều 3/5, Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo về việc cho học sinh trên địa bàn tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 đến khi có thông báo mới.
Ngày 11/5, UBND TP Hà Nội yêu cầu đóng cửa nhà hàng bia, quán bia hơi vỉa hè đồng thời giao các quận, huyện giải tỏa ngay chợ cóc, chợ tạm có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Hiện tại có 26 tỉnh, thành phố ghi nhận người nhiễm nCoV, đánh dấu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nước ta.
Đường phố những ngày gần đây có phần vắng vẻ. Giờ cao điểm cũng ít khi tắc đường như trước kia bởi hàng loạt yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, cho học sinh nghỉ học, tránh tụ tập đông người… Thậm chí có những người đã rời thủ đô, trở về quê để lánh dịch.
Ra đường, ai nấy đều đeo khẩu trang kín mít. Có những người cẩn thận mang theo đồ bảo hộ mỗi khi di chuyển đường dài. Một số hàng quán cho khách lưu lại sử dụng dịch vụ đều có khuyến cáo thực hiện 5K hoặc trang bị nước rửa tay sát khuẩn, kính chắn ngăn cách…
Hàng nghìn xét nghiệm Covid-19 được tiến hành cho người trở về từ vùng dịch, toàn thủ đô sẵn sàng trong tâm thế trực chiến.
Chiều 14/5, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa quán triệt tinh thần chống dịch nhưng không được ngăn sông, cấm chợ, gây ách tắc. “Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh, khống chế các ổ dịch, không để đến mức phải cách ly xã hội, không để người tử vong nhiều như các nước”, ông Đam nói.
Tính đến ngày 14/5, Hà Nội ghi nhận 197 ca dương tính, là địa phương có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước với nhiều ổ dịch lớn, đa nguồn lây. Cuộc sống sinh hoạt, công việc của nhiều người tại thủ đô cũng vì vậy mà bị đảo lộn.