Kỳ nghỉ trong mơ thành ác mộng do Covid-19
Sau khi trở về từ chuyến du lịch châu Âu, 3 người trong gia đình Celine Ng-Chan (Singapore) mắc Covid-19.
Một kỳ nghỉ mơ ước đến châu Âu mà gia đình Celine Ng-Chan, giáo viên 31 tuổi, lên kế hoạch trong 6 tháng sau đó lại trở thành cơn ác mộng vì đại dịch Covid-19.
Biến cố xảy ra với gia đình Celine sau khi họ trở về từ kỳ nghỉ tới London (Anh) và Paris (Pháp). Họ còn có kế hoạch tới Rome (Italy) và Barcelona (Tây Ban Nha) nhưng đã hoãn vì lo ngại dịch bệnh.
Cô chia sẻ gia đình từng cân nhắc việc hủy chuyến du lịch. Nhưng họ vẫn quyết định đi vì nghĩ rằng thời điểm đó, căn bệnh Covid-19 chỉ xảy ra ở Trung Quốc, không phải châu Âu. Đặc biệt, lúc này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố đây là đại dịch.
Ngày 21/3, gia đình Celine trở về Singapore. Ngày 24/3, 3 thành viên trong gia đình cô phát hiện mắc Covid-19.
Celine Ng-Chan được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đi khám vì đau họng. Lúc này, cô đang mang thai 10 tuần tuổi. Đêm cùng ngày, con gái 2 tuổi của Celine, Aldrina, cũng bị sốt.
Người thứ 3 trong gia đình dương tính với nCoV là mẹ của Celine, bà Choy Wai Chee, 58 tuổi. Rất may là chồng và cha của Celine, những người cùng đi du lịch, có kết quả âm tính.
Celine và con gái (bệnh nhân số 739, 759) được xếp cùng phòng. "Ít nhất thì tôi có thể chăm sóc cho con gái", Celine chia sẻ. Cả 2 mẹ con đều không có triệu chứng nặng và được xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Mặc dù mắc Covid-19 trong giai đoạn đầu thai kỳ, Celine lo lắng cho tình trạng của mẹ cô hơn. "Tôi suy sụp khi nghe tin mẹ có 30% nguy cơ tử vong. Tôi rất sợ mất mẹ", Celine nói.
Bà Choy là người mắc Covid-19 nặng nhất trong gia đình. Người phụ nữ này điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) trong 4 tháng. Bà phải sử dụng máy hỗ trợ để đảm bảo chức năng tim và thận suốt 29 ngày.
Đó là thời gian dài nhất mà bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) ở Singapore. Người phát ngôn của NUH thông tin bà Choy cũng là bệnh nhân Covid-19 điều trị lâu nhất tại bệnh viện này.
Bác sĩ See Kay Choong, Trưởng bộ phận Hô hấp và Chăm sóc sức khỏe của NUH, cho biết bà Choy bị gù do cong cột sống. Điều đó khiến phổi của bệnh nhân không nở ra như bình thường và ít có khả năng chống chọi bệnh tật. Có thời điểm, gan, tim, thận của bà Choy bị trục trặc và chảy máu liên tục.
Vài ngày sau khi Celine xuất viện vào tháng 4, bà ngoại cô qua đời do bệnh nặng ở tuổi 83. Cô không thể dự đám tang vì giới hạn số người trong thời gian giãn cách xã hội. Khi đó, bà Choy đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bà chỉ được biết tin mẹ qua đời một tháng sau đó.
"Tôi rất sốc. Tôi không tin cho đến khi nhìn thấy những hình ảnh trong đám tang. Mẹ đã không đợi tôi trở về", bà Choy buồn bã nói.
Cuối tháng 7, bà Choy khỏi bệnh và được xuất viện, nhưng virus để lại hậu quả nghiêm trọng. Người phụ nữ này bị giảm 9 kg, chỉ nặng 43 kg. Trong suốt phần đời còn lại, bà phải sử dụng máy thở không xâm nhập trong khi ngủ. Bà cũng phải tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường.
"Tôi cảm thấy rất may mắn khi vẫn còn sống và có cơ hội thứ hai trong cuộc đời. Tôi thực sự trân trọng cuộc sống mới của mình", người phụ nữ 58 tuổi cho biết.
Sau khi khỏi bệnh, Celine đã đăng bài trên trang cá nhân của mình. Cô chia sẻ luôn cảm thấy tội lỗi vì đã đi du lịch, đặc biệt kỳ nghỉ này khiến mẹ mắc bệnh nặng. Celine rất biết ơn các bác sĩ tại NUH đã điều trị và giúp gia đình cô sống sót.
Nhưng lý do chủ yếu cô đăng bài là để chia sẻ cảm nhận, nỗi đau của người mẹ khi con gái nhiễm virus. Celine khuyến khích các bậc cha mẹ nên giữ con ở nhà và không phàn nàn vì trường học đóng cửa trong thời gian cách ly.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-nghi-trong-mo-thanh-ac-mong-do-covid-19-post1135960.html