Kỷ nguyên cà phê giá rẻ sắp kết thúc?

Ước tính, vào năm 2050, thế giới có thể tiêu thụ tới 6 tỷ tách cà phê mỗi ngày, nhưng những thay đổi về khí hậu đang đưa lại những thách thức mang tính 'then chốt' cho ngành cà phê. Câu hỏi đặt ra là, liệu con người có phải từ bỏ loại thức uống yêu thích vào một ngày không xa?

Thức uống “không thể thiếu”

Tại quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu như Việt Nam, người dân từ lâu đã hình thành thói quen đi ăn sáng và uống cà phê tại các hàng, quán ven đường.

Tách cà phê trong văn hóa của người Việt không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát, đôi khi cũng không xuất phát từ nhu cầu cần tỉnh táo, mà còn là phương tiện để bắt đầu một câu chuyện, là cái cớ cho một cuộc gặp mặt. Còn tại châu Âu hay châu Mỹ, nơi bắt nguồn của những chuỗi cà phê lớn như Starbucks, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người lao động hối hả trên đường phố, tay cầm theo cốc cà phê.

Tại tầng 1 của một trung tâm mua sắm sầm uất giữa Bắc Kinh, Xi Xueyang, 26 tuổi, đứng đợi nhân viên Starbucks pha chế một cốc Iced Americano để mang đi. Là một người trẻ đang bận rộn khởi nghiệp, Xi thường xuyên uống cà phê, từ loại pha bằng máy của các chuỗi cửa hàng lớn, cho tới những tách cà phê phin từ những cửa hàng nhỏ, nếu có thời gian rảnh.

Trong khi đó, nhà sản xuất âm nhạc Ji Yuan, 43 tuổi, ưa chuộng cà phê của chuỗi cửa hàng Loose Goose, nơi cà phê phin sử dụng hạt có nguồn gốc duy nhất và có giá lên tới 72 NDT (9,9 USD)/cốc. “Cà phê đối với tôi là đồ uống không thể thiếu”, nhà soạn nhạc 43 tuổi cho biết.

Nhưng không chỉ Xi hay Yuan, hàng triệu người khác trên toàn cầu cũng cảm thấy tương tự. Mức tiêu thụ cà phê đã tăng gần gấp đôi trong 3 thập kỷ qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong tương lai.

Dữ liệu do tờ Financial Times tổng hợp cho thấy, tốc độ tiêu thụ cà phê trong dài hạn đang tăng rõ rệt tại châu Á và châu Phi, những nơi trước đây việc uống cà phê thường được coi là biểu tượng của việc gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Thị trường tiêu thụ cà phê tại đây, từ một xuất phát điểm thấp hơn, dần vượt qua các thị trường rộng lớn truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Những “con nghiện” cà phê tại Trung Quốc đang tăng lên, cùng với đội ngũ người tiêu dùng hùng hậu tại Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như những “tín đồ” cà phê ngày càng nhiều ở châu Phi, cận sa mạc Sahara.

Tất cả những điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ hạt cà phê đang mở rộng hơn bao giờ hết. Khoảng 3 tỷ tách cà phê đang được tiêu thụ mỗi ngày trên thế giới. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, mức tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 6 tỷ tách cà phê mỗi ngày vào năm 2050. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Đầu tư Bền vững Columbia, thế giới sẽ cần thêm 25% cà phê vào năm 2030.

Những “mối nguy” khiến cung không đủ cầu

Tiềm năng phát triển lớn, nhưng liệu ngành này có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với mô hình chuỗi cung ứng hiện tại hay không vẫn còn là điều đáng nghi ngại. Đặc biệt, khi thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ từ chính trị, địa lý tới khí hậu, cà phê cũng phải đối mặt với nguy cơ “cung không đủ cầu”.

Vốn dĩ, trong 2 năm qua, mức tiêu thụ đã vượt xa sản lượng và người trồng cây đã gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trực tiếp đẩy giá cà phê tăng đáng kể.

Năm nay, khi El Ninõ - một hiện tượng khí hậu gây ra những thay đổi toàn cầu về nhiệt độ và lượng mưa, quay trở lại, giá cà phê đang được đẩy cao hơn nữa. Giá cà phê Robusta đã đạt mức cao nhất trong 15 năm vào tháng 5 vừa qua, nguyên nhân chính do nguồn cung thắt chặt và lo ngại El Ninõ.

Tiến sĩ Aaron Davis, người đứng đầu nghiên cứu cà phê tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew, cảnh báo: “Trong thời đại biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chúng ta thực sự phải suy nghĩ khác biệt, sáng tạo, đồng thời phải tính tới việc chúng ta có thể không có được loại cà phê như ý muốn. Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cà phê”.

Về căn bản, việc giá cà phê tăng sẽ không quá nghiêm trọng nếu như cà phê không phải là một loại cây trồng dễ bị tổn thương. Chưa kể tới, mặc dù 130 loài cà phê đã được phát hiện trong tự nhiên, nhưng hầu hết lượng tiêu thụ cà phê chỉ dựa vào 2 loại arabica và canephora, hay còn được gọi là arabica và robusta. Theo ICO, hạt cà phê từ những giống cây này lần lượt chiếm 56% và 43% sản lượng toàn cầu.

Arabica, được hầu hết người uống cà phê ưa chuộng, là một loại cây nhạy cảm, đặc biệt dễ bị tổn thương trước thời tiết ấm lên và bệnh gỉ sắt lá, một loại nấm có thể phá hỏng mùa màng.

Dòng hạt Arabica nguyên thủy của loại cây này đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa vào “danh sách đỏ” vì có nguy cơ tuyệt chủng. Những cây nguyên thủy này rất quan trọng đối với ngành công nghiệp, vì chúng giống như một nguồn tài nguyên di truyền, cho phép các nhà khoa học lai tạo chúng với các cây thương mại để tạo ra các loại cây trồng có khả năng kháng bệnh cao hơn.

Trong khi đó, hạt robusta khỏe hơn arabica một chút. Robusta có thể phát triển ở nhiệt độ cao hơn và có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, nó có hương vị kém tinh tế hơn và chủ yếu được sử dụng cho cà phê hòa tan. Dòng hạt này cũng vẫn dễ bị tổn thương trước những thay đổi đáng kể của thời tiết.

Jennifer “Vern” Long, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Cà phê Thế giới (WCR), một tổ chức được ngành cà phê toàn cầu tài trợ và có nhiệm vụ đảm bảo tương lai của ngành, cho biết: “Cà phê là loại cây ưa thời tiết hoàn hảo. Đó là một loại cây yêu thích lượng mưa tối ưu nhưng không quá nhiều, nhiệt độ không quá mát nhưng cũng không quá nóng. Nhưng một vùng đất với các điều kiện lý tưởng này ngày càng khó kiếm”.

Một số ước tính cho thấy đến năm 2050, có tới một nửa diện tích đất trồng cà phê có thể không sử dụng được. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zürich cho thấy 4/5 nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia, sẽ bị giảm diện tích trồng cà phê do tính chất đất đai không còn đáp ứng được điều kiện lý tưởng.

Các quốc gia khác ngoài vùng nhiệt đới như Mỹ, Argentina, Uruguay và Trung Quốc có thể có những cơ hội mới để trồng loại cây này.

Một giải pháp rõ ràng là chỉ cần chuyển sản xuất sang địa điểm mới. Nhưng để thực hiện được điều này rõ ràng sẽ cần một quá trình dài, chưa kể tới những tổn thất tới từ việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và mối nguy về kinh tế cho những vùng trồng, người trồng cà phê.

Những người trồng cà phê, với kiến thức và kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ, có vai trò rất quan trọng đối với tương lai của cà phê. Nếu không đảm bảo những người nông dân này có cuộc sống khá giả và tiếp tục sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung và giá cà phê sẽ còn rõ rệt hơn.

Nhưng tình trạng nghèo đói ở những người trồng trọt vẫn khá phổ biến. Trong số ước tính khoảng 25 triệu nông dân trên 50 quốc gia thuộc “vành đai cà phê”, khoảng 80% là các hộ sản xuất nhỏ làm việc trên những mảnh đất có diện tích dưới 5ha. Phần lớn lao động sản xuất đều do phụ nữ đảm nhiệm.

Những người nông dân này, vốn đã quay quắt vì thu nhập thấp, giờ đây còn phải đau đầu ứng phó với khủng hoảng khí hậu, lo lắng thêm vì mùa màng thất bát do hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh. Thậm chí, nhiều người đã nghĩ tới việc bỏ nghề.

Trong khi đó, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, một cơ quan của Liên hợp quốc, các nước sản xuất chỉ kiếm được dưới 10% giá trị bán lẻ của ngành cà phê ước tính trị giá 200 tỷ USD hàng năm, còn các công ty lớn có trụ sở tại các nước nhập khẩu có thu nhập cao hơn vì giữ phần lớn giá trị bán lẻ.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, phần lớn giá trị cà phê được tăng thêm sau khi xuất khẩu. Một quy trình tăng giá trị của hạt cà phê bao gồm vài giai đoạn.

Sau khi thu hoạch, quả cà phê sẽ được chế biến và xuất khẩu. Khi tới quốc gia đích, hạt cà phê được phân phối, rang, đóng gói và gửi đến các quán cà phê hoặc siêu thị. Các nhân viên pha cà phê xay và phục vụ cà phê tại các quán cà phê, trong khi những người tiêu dùng khác tự pha cà phê tại nhà.

Các chuyên gia cho rằng cần phải suy nghĩ lại về cách định giá cà phê để đảm bảo tương lai của ngành. Nếu không, nông dân sẽ không có đủ nguồn tài chính để tiếp tục trồng trọt trong bối cảnh thay đổi khí hậu, mà người tiêu dùng cũng không hiểu rằng họ đang mua một sản phẩm có tính bền vững và xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Tương lai nào cho cà phê?

Các tổ chức kết nối với ngành cà phê hiện đang hết sức tập trung để tìm ra giải pháp lâu dài cho sự phát triển của ngành. Viện Nghiên cứu Cà phê Thế giới (WCR) lập luận rằng việc bơm tiền vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nông nghiệp có thể giải quyết tác động của biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo các nhà sản xuất cà phê có được cuộc sống tươm tất.

Tổ chức phi lợi nhuận kết luận trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 rằng cần thêm 452 triệu USD mỗi năm trong thập kỷ tới để đảm bảo nông dân có được các giống cây trồng và cải tiến cần thiết. Việc tăng cường đầu tư R&D có thể giúp con người tìm ra các loại cây có khả năng phục hồi tốt hơn, kiểm soát dịch bệnh và sâu bệnh tốt hơn, các cách mới để bảo vệ nước và tài nguyên thiên nhiên, cũng như các biện pháp thực hành tốt nhất trong quản lý nông trại.

Bên cạnh R&D nông nghiệp, việc cải thiện khả năng tiếp cận chuyên môn tiếp thị và sử dụng công nghệ, cũng có thể giúp tăng năng suất và giá cả. Hầu hết sự gia tăng sản lượng trong thập kỷ qua chỉ đến từ 3 quốc gia – Brazil, Việt Nam và Colombia – tất cả đều đầu tư vào công nghệ trang trại và cây chống chọi tốt hơn với khí hậu.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng đã thành lập một tổ hợp đặc biệt, bao gồm khoảng 40 bên liên quan từ các thương hiệu lớn và đại diện các chính phủ, với nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cà phê bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường vào năm 2030.

Michelle Burns, người đứng đầu bộ phận cà phê toàn cầu, tác động xã hội và tính bền vững tại Starbucks, cho biết công ty “cam kết tìm nguồn cung ứng cà phê một cách có trách nhiệm, vì sự tốt đẹp hơn của con người và hành tinh” và đang “tích cực làm việc để đảm bảo” tương lai của cà phê tại trang trại nghiên cứu cà phê ở Costa Rica của công ty.

Bà Michelle cho biết, công ty đã đầu tư hơn 150 triệu USD vào cộng đồng để khuyến khích đổi mới, sẽ tặng 100 triệu cây cà phê chịu được khí hậu cho Trung Mỹ vào năm 2025 và đồng sáng lập Thử thách Cà phê Bền vững với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế để tìm ra các giải pháp khác. Bà cho biết thêm, công ty cũng trả tiền cho nông dân cao hơn giá thị trường.

Một giải pháp triệt để, lâu dài hơn được các nhà khoa học tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew đưa ra là tìm kiếm một loại hạt cà phê khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, một biến thể của cà phê liberica - phổ biến vào thế kỷ XIX nhưng dần bị loại bỏ vì hương vị khó chịu - đang cho thấy tương lai khá hứa hẹn.

Bên cạnh sự quan tâm đến giống liberica, ngày càng nhiều nông dân ở Uganda và Nam Sudan đã bắt đầu chuyển sang gieo trồng giống hạt excelsa - một biến thể hạt nhỏ hơn của liberica. Hạt excelsa có thể phát triển mạnh trong điều kiện ấm hơn ở độ cao thấp hơn giống như hạt robusta, đồng thời lại có hương vị gần giống với cà phê arabica, được coi là một biến thể hoàn hảo nếu tương lai arabica hay robusta bị nguy hại.

Ông Nogueira của ICO, người lớn lên tại một trang trại cà phê nhỏ ở Brazil, bày tỏ sự đồng tình với ý tưởng này: “Trong những năm tới, có thể chúng ta sẽ nói về arabica, robusta, liberica và các loại hạt khác tương tự”.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là tất cả những thay đổi, nếu có, cần được thực hiện một cách nhanh chóng nếu muốn đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Quỳnh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ky-nguyen-ca-phe-gia-re-sap-ket-thuc-20180504224289537.htm