Kỷ nguyên chính trị mới ở Argentina
Chính trị gia theo đường lối cánh hữu Javier Milei giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Argentina, diễn biến được đánh giá là có thể mở ra một kỷ nguyên chính trị mới tại quốc gia Nam Mỹ vốn đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế, đồng thời tác động đáng kể đến bối cảnh chính trị ở khu vực.
Reuters ngày 20/11 dẫn kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai tại Argentina đưa tin, ứng viên theo đường lối cánh hữu Javier Milei, 53 tuổi, đã giành chiến thắng với gần 56% phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông, đương kim Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa nhận được 44% số phiếu. Ông Massa cùng ngày thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Milei. “Rõ ràng kết quả không như chúng tôi mong đợi nhưng tôi đã nói chuyện với Milei để chúc mừng ông ấy. Ông ấy chính là Tổng thống mà đa số người Argentina bầu ra cho 4 năm tới”, ông Massa nói.
Tổng thống đắc cử của Argentina dự kiến nhậm chức sau 3 tuần nữa. Phát biểu trước đám đông ủng hộ ở thủ đô Buenos Aires, ông Milei mô tả kết quả bầu cử là “phép mầu” khi ông vượt qua những chính trị gia kì cựu đến từ các đảng phái đã thống trị chính trường Argentina hàng chục năm qua.
“Từ hôm nay, công cuộc tái thiết đất nước Argentina đã bắt đầu. Đêm nay là một đêm lịch sử đối với Argentina”, ông Milei phát biểu. Ông Milei cũng tái khẳng định cam kết xử lý các vấn đề kinh tế của quốc gia Nam Mỹ, tập trung vào vấn đề lạm phát, thất nghiệp và nghèo đói. “Tình hình rất nguy kịch và không có chỗ cho những biện pháp nửa vời”, ông Milei quả quyết.
Argentina, nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai ở Nam Mỹ, đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập niên. Lạm phát, giá hàng hóa tăng phi mã đã khiến hàng triệu người lao động phải chật vật xoay sở mỗi ngày để nuôi sống bản thân và gia đình. Khi nhậm chức, vị chính trị gia 53 tuổi sẽ tiếp nhận một kho bạc được mô tả là “trống rỗng”, cùng khoản vay khổng lồ 44 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Quốc gia Nam Mỹ này còn đang đương đầu nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Ông Milei là một nhà kinh tế từng thường xuyên xuất hiện với những tuyên bố gây tranh cãi trên truyền hình. Vị Tổng thống Argentina đắc cử mới tham gia chính trường khoảng 5 năm, thuộc đảng Libertad Avanza (Tiến bộ Tự do), được bầu vào Quốc hội Argentina năm 2021 và được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ khi tranh cử, ông Milei đã gây rúng động khi khẳng định sẽ dùng “các liệu pháp gây sốc” để vực dậy kinh tế, bao gồm đóng cửa ngân hàng trung ương, loại bỏ đồng nội tệ peso, cắt giảm quy mô chính phủ và cắt giảm chi tiêu công.
Theo Guardian, chiến thắng của ông Milei có thể dẫn đến những thay đổi về chính trị và thương mại khi chính trị gia này từng tuyên bố muốn hạn chế quan hệ với hai đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Argentina là Trung Quốc và Brazil. Trong khi chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Alberto Fernández thúc đẩy Argentina gia nhập khối BRICS (gồm Ấn Độ, Brazil, Nga, Nam Phi và Trung Quốc), ông Milei phản đối động thái đó.
Theo Reuters, ông Milei rất ủng hộ quan hệ tốt đẹp giữa Argentina với Mỹ và không coi nặng các vấn đề khí hậu. Nhiều quốc gia và chính trị gia trên thế giới đã chúc mừng chiến thắng của ông Milei. Trong bài đăng trên mạng xã hội, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2024, thậm chí tin tưởng ông Milei sẽ “giúp Argentina vĩ đại trở lại”.
Việc ông Milei nắm quyền ở Argentina cũng được dự báo sẽ tác động đến dòng chảy thương mại lương thực và lithium (nguyên liệu sản xuất pin hàng đầu) trên thế giới. Số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy, Argentina cung cấp 6% lithium cho thị trường thế giới và chiếm 21% tổng trữ lượng lithium toàn cầu. Argentina còn giữ vai trò một trong những nước xuất khẩu đậu nành, ngô, lúa mì và thịt bò lớn nhất Nam Mỹ.
Giới quan sát đánh giá, ông Milei có thể sẽ đương đầu không ít khó khăn trong việc ban hành các chính sách đầy tham vọng do đảng của ông không giành đa số tại Quốc hội Argentina (38/257 ghế tại Hạ viện và 8/72 ghế tại Thượng viện), nghĩa là ông sẽ cần nhận được ủng hộ của cả các đảng phái khác khi đệ trình các dự luật.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ky-nguyen-chinh-tri-moi-o-argentina-i714446/