Kỷ nguyên mới của thịt nhân tạo

Một tháng sau khi Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, thì Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản và Công ty Aleph Farms của Israel cũng vừa đạt được thỏa thuận hợp tác chuẩn bị cung cấp thịt bò nhân tạo cho thị trường Nhật Bản.

Theo đó, công ty liên doanh giữa Mitsubishi và Aleph Farms sẽ thương mại hóa phát minh nuôi cấy thịt từ tế bào cơ của bò, để phát triển thành sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và quy chuẩn chất lượng của Nhật Bản.

Gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm thế giới đang xuất hiện xu hướng “thực phẩm nuôi cấy”, phát triển thịt thực phẩm không qua các phương thức chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ truyền thống.

Động lực chủ yếu thúc đẩy xu hướng này đến từ các nhóm ủng hộ quyền động vật và bảo vệ môi trường. Xu hướng này được đón nhận rõ nét hơn khi dịch Covid-19 xuất hiện, làm dấy lên những nghi ngờ động vật có thể là nguồn phát sinh dịch bệnh.

Với doanh thu khoảng 15,6 tỷ USD/năm, Tập đoàn Thực phẩm Mitsubishi của Nhật Bản cũng không muốn đứng ngoài xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp thịt nhân tạo.

Amir Ilan, Bếp trưởng tại Công ty Aleph Farms, đang chế biến món ăn từ thịt nuôi cấy

Amir Ilan, Bếp trưởng tại Công ty Aleph Farms, đang chế biến món ăn từ thịt nuôi cấy

Theo dự báo của Blue Horizon, một trong những hãng tiên phong đầu tư vào các loại thực phẩm protein thay thế, thị trường thịt nuôi cấy từ tế bào thế giới có thể đạt đến 140 tỷ USD trong thập niên tới.

Theo Global Data, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với quy mô của ngành công nghiệp giết mổ, trị giá tới 1.300 tỷ USD trong năm 2020.

Với Israel, thịt nhân tạo được đánh giá là một trong những lĩnh vực khởi nghiệp quốc gia được chính phủ khuyến khích. Công ty Aleph Farms thành lập năm 2017 đang phát triển các sản phẩm thịt nuôi từ tế bào ở mức tiến xa hơn. Thay vì phát triển các sản phẩm thịt “phi cấu trúc” như thịt băm hay dạng cốm, Aleph Farms đang nghiên cứu tạo ra những miếng thịt bò, thịt heo và thịt gà được nuôi bằng công nghệ 3D độc quyền để tạo ra miếng thịt có cơ bắp, chất béo và mô liên kết, cùng với hệ thống mạch máu hoàn chỉnh. Aleph là một trong 60 công ty khởi nghiệp đang tham gia cuộc đua sản xuất thịt nhân tạo ở Israel.

Công nghệ sản xuất thịt nhân tạo mở ra một lĩnh vực mới cho nhiều công ty khởi nghiệp. Nổi bật trong lĩnh vực thịt sinh học là Công ty Beyond Meat, đã cung cấp “gà viên” làm từ thực vật cho các cửa hàng thức ăn nhanh KFC, hợp tác với Neat Burger thực hiện kế hoạch mở chuỗi nhà hàng ăn sử dụng thịt làm từ thực vật ở Mỹ, Anh và châu Âu; là đối tác của nhiều chuỗi như Dunkin’ Donuts, Carl’s Junior, Bareburger, A&W.

Công ty Impossible Foods ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2016 có tên Impossible Burger (tương tự thịt bò xay), được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm bán ở nhiều thị trường như Mỹ, Hongkong, Singapore và Ma Cao…

Thị phần của các sản phẩm thịt nhân tạo đã tăng 13% trong hơn 3 năm qua. Hơn một nửa doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thịt nhân tạo hơn 3 năm qua đều đồng loạt tung sản phẩm mới vào năm 2020. Tuy nhiên, sản xuất thịt nhân tạo dựa trên công nghệ nuôi cấy tế bào khá tốn kém. Rào cản lớn nhất đối với thị trường thịt nhân tạo hiện nay là chi phí sản xuất lớn và thái độ hoài nghi của khách hàng đối với mùi vị và tính an toàn của sản phẩm.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-nguyen-moi-cua-thit-nhan-tao-707579.html