Kỷ nguyên mới và thể thao - quyền lực mềm

'Từ mùa xuân này, đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật. Trong kỷ nguyên mới ấy, thể thao Việt Nam (TTVN) đứng ở đâu, có vai trò, nhiệm vụ gì?

Các vận động viên mang về 5 huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam (từ trái qua) trong suốt 44 năm qua: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trần Hiếu Ngân (taekwondo) và Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ).

Các vận động viên mang về 5 huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam (từ trái qua) trong suốt 44 năm qua: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trần Hiếu Ngân (taekwondo) và Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ).

Chưa tương xứng với vị thế đất nước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh thời nhiều lần tự hào nhấn mạnh: Chưa có bao giờ đất nước ta có vị thế, cơ đồ như hôm nay! Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong 4 thập niên, từ 4 tỷ USD năm 2023 đã tăng lên 430 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nước trung bình cao. Còn kết thúc năm 2024, theo dự báo của IMF, GDP (PPP) Việt Nam xếp thứ 25/192 thế giới và GDP bình quân (PPP) đầu người xếp thứ 107/192. Đến năm 2029, Việt Nam sẽ bước vào tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, có mạng lưới liên kết kinh tế với 230 nước và vùng lãnh thổ. 30 năm đổi mới, hội nhập đã tạo ra con người Việt Nam mới, từ những người lâu nay chỉ quanh quẩn trong “ao nhà”, dần mạnh dạn bước sang “hàng xóm” ASEAN và nay đã tự tin đi ra khắp thế giới, trở thành công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực thể thao, thành tích của vận động viên (VĐV) Việt Nam tại đấu trường châu lục và thế giới hoàn toàn chưa tương xứng, thậm chí trái ngược. Tại 2 kỳ Olympic gần nhất, Tokyo 2020 và Paris 2024, TTVN trắng tay, không có tên trên bảng xếp hạng. Dẫn đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp 2021, 2023 nhưng ở Asiad 2022 với chỉ 3 HCV, chúng ta còn đứng sau cả 5 bạn bè Đông Nam Á: Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Thể thao là biểu tượng năng lực cạnh tranh quốc gia

Khái niệm “quyền lực mềm” (soft power) được giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở Đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990. Theo đó, quyền lực mềm là đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn. Quyền lực mềm được thực hiện thông qua sự hấp dẫn, nêu gương để thuyết phục, tạo ảnh hưởng. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia, trong đó thể thao là lĩnh vực quan trọng.

Bởi, những cuộc so tài thể thao không chỉ đơn thuần là sự cạnh tranh giữa các VĐV, mà còn là nơi các quốc gia thể hiện vị thế của mình. Do đó, những kỳ Olympic, Asiad được sử dụng như một thứ quyền lực mềm của các quốc gia, làm cho hình ảnh của mình trở nên hấp dẫn, mạnh hơn so với đối thủ, để những nước khác phải coi mình là người dẫn đầu và nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Vì thế, giá trị của Olympic, Asiad trong đời sống không chỉ là thể thao, mà còn cả chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Điều này được thể hiện rõ trong cuộc chạy đua xem ai là “cường quốc thể thao số 1 thế giới” giữa Mỹ và Liên Xô trong suốt 44 năm của thời kỳ “Chiến tranh lạnh” và từ Olympic Sydney 2000 là sự xuất hiện của thế lực mới Trung Quốc. Có thể nói, người Trung Quốc rất biết cách tận dụng những kỳ Thế vận hội, Á vận hội làm nơi thể hiện quyền lực mềm. Họ luôn coi đây là dịp để thể hiện cho thế giới thấy được sự tiến bộ của mình không chỉ về thành tích thể thao. Nếu ở Atlanta 1996, Trung Quốc còn đứng thứ 4, sau Mỹ, Nga, Đức và kém Mỹ đến 24 huy chương vàng (HCV) thì chỉ 4 năm sau, họ đã vượt Đức và rút ngắn khoảng cách với Mỹ chỉ còn 8 HCV. Đến Athens 2004, Trung Quốc qua mặt luôn Nga để trở thành cường quốc số 2 và chỉ thua Mỹ 4 HCV. Lần đầu tiên đăng cai Olympic, tại Bắc Kinh 2008, đất nước tỷ dân đã truất phế ngôi vương, bỏ lại Mỹ 8 HCV. Ở 2 kỳ Olympic gần đây, tại Tokyo 2020, Mỹ chỉ hơn Trung Quốc 1 HCV trong ngày thi đấu cuối cùng; còn ở Paris 2024, đôi bên bằng nhau 40 HCV, Mỹ chỉ đứng đầu nhờ nhiều hơn về tổng số huy chương.

Cùng với thành tích, việc giành quyền đăng cai các sự kiện thể thao lớn cũng là cách thể hiện sức mạnh quyền lực mềm. Nhật Bản là quốc gia châu Á tiên phong tổ chức Olympic 1964 và đây là giai đoạn phát triển nhất của các sản phẩm “made in Japan”. Qatar với kỳ World Cup 2022 đầu tiên ở vùng Vịnh đã bỏ ra số tiền khổng lồ gần 200 tỷ USD để đầu tư cho cái gọi là “quyền lực mềm”, điều mà trước đây vẫn là “đặc quyền” của các nước lớn. Thông qua thể thao, thông qua bóng đá, đã làm thay đổi nhận thức của nhiều quốc gia có vị thế trung bình trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước.

Tại Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024, qua kinh nghiệm tổ chức Olympic 1988 và World Cup 2002, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa và thể thao Hàn Quốc Oh Yeong-woo nêu rõ: “Ngoài hiệu quả kinh tế, các sự kiện thể thao còn đóng vai trò hữu hình và vô hình rất quan trọng để quốc gia phát triển, giúp nâng cao làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia. Đặc biệt hơn, các sự kiện thể thao này rất hiệu quả trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy hội nhập và nâng cao niềm tự hào dân tộc”.

Trước làn sóng K-pop, điện ảnh, người Hàn đã sớm nhận ra vai trò quyền lực mềm quốc gia trong lĩnh vực thể thao. Sau thành công vang dội của Olympic 1988, World Cup 2002 đã mang về cho Hàn Quốc 6,6 tỷ USD (tính thời điểm hiện tại có giá trị xấp xỉ 35 tỷ USD), trong đó 1,5 tỷ USD tới từ giá trị thương hiệu và cải thiện hình ảnh quốc gia.

Nguồn lợi về mặt kinh tế, nâng tầm hình ảnh đất nước, vị thế chính trị, thu hút dòng đầu tư khi tổ chức các giải thể thao lớn đã thôi thúc các quốc gia cạnh tranh đăng cai ngày càng gay gắt.

“Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ TTVN phải đạt 5-7 HCV, trong tốp 20 tại các kỳ Asiad; có huy chương tại các kỳ Olympic; bóng đá nam vào tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Cùng với cải thiện, nâng cao thành tích, để thể hiện quyền lực mềm, quảng bá hình ảnh, vị thế đất nước, chiến lược cũng nêu rõ, Việt Nam phải phấn đấu đăng cai tổ chức Asiad, cụ thể là Asiad 2038 hoặc 2042.

Thể thao Việt Nam làm gì?

Trong 4 thập kỷ, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 100 lần, nhưng cùng thời gian ấy, từ Moscow 1980, sau 11 kỳ Olympic (vắng mặt duy nhất ở Los Angeles 1984), với 152 VĐV tham gia tranh tài, TTVN chỉ giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm: 1 HCV, 3 huy chương bạc (HCB) và 1 huy chương đồng. Nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân là VĐV đầu tiên đoạt huy chương Olympic với tấm HCB tại Sydney 2000, giúp TTVN lần đầu tiên được xếp hạng 64/80 đoàn có huy chương. Phải 8 năm sau, ở Bắc Kinh 2008 mới có tấm HCB thứ 2 của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Đến London 2012, cử tạ mang về thêm 1 huy chương đồng của Trần Lê Quốc Toàn, TTVN xếp thứ 86/86. Thành công nhất là Rio de Janeiro 2016 với tấm HCV lịch sử cùng HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Kỳ tích xuất thần này giúp TTVN lần đầu tiên vươn lên giữa bảng xếp hạng Olympic (hạng 48/86). Nhưng rồi sau đó là 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay.

44 năm cho 5 tấm huy chương

Ở đấu trường châu lục, bắt đầu góp mặt từ New Delhi 1982, qua 11 kỳ Asiad, TTVN chỉ mang về 16 HCV. Dẫn đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây với tổng cộng 341 HCV nhưng ra Asiad 2022 tại Hàng Châu thì chúng ta chỉ có… 3 HCV, xếp thứ 6 của khu vực.

Olympic Bắc Kinh 2008 hoành tráng là cách Trung Quốc thể hiện “quyền lực mềm” trong thể thao.

Olympic Bắc Kinh 2008 hoành tráng là cách Trung Quốc thể hiện “quyền lực mềm” trong thể thao.

Tại nhiều cuộc hội thảo, nguyên nhân, bài học đã được chỉ ra nhưng xem ra câu hỏi làm thế nào để rút ngắn trình độ của VĐV Việt Nam với châu lục và thế giới vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo khi nguồn lực đầu tư cho thể thao hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, lại dàn trải. Để thực hiện “Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, TTVN phải có các giải pháp trọng điểm, đột phá; ngành thể thao phải hành động quyết liệt, nhưng chỉ một mình là không đủ.

Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; đặc biệt trong kỷ nguyên phát triển mới vươn mình của dân tộc phải khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Ở đây vai trò “quyền lực mềm” của thể thao là rất quan trọng.

Mùa xuân, hy vọng!

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/ky-nguyen-moi-va-the-thao-quyen-luc-mem-f484195/