Kỷ nguyên Roman Abramovich ở Chelsea: Bài học đặc biệt cho làng bóng đá
Giới truyền thông Anh đã ví 19 năm Roman Abramovich làm Chủ tịch Chelsea là bài học đặc biệt, mang đến nhiều kinh nghiệm và khó lòng xuất hiện một lần nữa trong thế giới bóng đá.
Chelsea và Roman Abramovich đã tìm thấy nhau như thế nào?
Năm 2019, YouTuber Miniminter đã thu hút hơn 7,5 triệu lượt xem khi thực hiện thử thách đi thăm tất cả các sân vận động ở Ngoại hạng Anh trong vòng 24 giờ. Hành trình siêu tốc này không chỉ giúp người xem trên khắp thế giới được ngó nghiêng 20 sân bóng, mà còn có thêm cái nhìn về văn hóa của 20 đội bóng hàng đầu nước Anh thông qua phản ứng của người gác cửa sân với anh chàng Miniminter.
MU trở thành đội “mất điểm” nhất trong mắt khán giả khi có một nhân viên nóng tính ở Old Trafford. Chelsea là đội “ăn điểm” nhất với một nhân viên lịch thiệp, nhã nhặn tại Stamford Bridge và rất hợp với khu vực sang trọng phía Tây London.
Đội bóng Chelsea và sân Stamford Bridge không có khí chất như vậy khi giải Ngoại hạng Anh mới ra đời năm 1992. Trong giai đoạn đầu thập niên 1990, The Blues thuộc nhóm các đội bóng yếu với lối đá nhạt nhẽo, các cổ động viên thích gây rối và tình trạng tài chính bi đát sau khi được Chủ tịch Ken Bates mua lại với giá tượng trưng 1 Bảng vào năm 1982.
Chelsea dưới thời Ken Bates đã cố gắng bắt kịp đà thăng tiến của kỷ nguyên Ngoại hạng Anh bằng các thương vụ chuyển nhượng tự do. Họ trả lương hậu hĩnh để nhập khẩu những ngôi sao đã qua thời đỉnh cao từ khắp châu Âu. Đồng thời, họ tiết kiệm tối đa mọi chi phí vận hành đội bóng, ví dụ như tập nhờ ở sân bóng của một trường đại học thay vì xây trung tâm huấn luyện.
Đường lối này đã đưa Chelsea đi vào lịch sử của bóng đá Anh vào năm 1999. Họ trở thành CLB chuyên nghiệp đầu tiên ở xứ sở sương mù ra sân thi đấu với đội hình gồm 11 cầu thủ nước ngoài mà không có bất kỳ cầu thủ Anh nào.
Đường lối này cũng giúp Chelsea vươn lên nửa trên bảng xếp hạng và cạnh tranh top 4 Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, nó không thể giúp đội chủ sân Stamford Bridge tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Giám đốc điều hành Trevor Birch đã phải nói thẳng với toàn đội rằng Chelsea bắt buộc phải thắng Liverpool ở vòng hạ màn mùa giải 2003/2004 để có suất dự Champions League và chống phá sản. Chelsea đã gặp may khi lội ngược dòng thắng Liverpool 2-1 và kịp thời thoát hiểm trước khi bước vào kỷ nguyên Roman Abramovich.
Năm 2003, Roman Abramovich bắt đầu quan tâm tới bóng đá Anh và quyết định sẽ mua một đội bóng, sau khi tới sân Old Trafford theo dõi MU thắng Real Madrid 4-3 tại Champions League. Đó cũng là thời điểm, giải Ngoại hạng Anh đang phát triển mạnh mẽ sau hơn 1 thập kỷ ra đời, còn Chelsea đang lâm vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính và mong chờ một ông chủ mới.
Sau khi bỏ qua MU, Tottenham, Arsenal vì những lý do khác nhau, cuối cùng Roman Abramovich đã quyết định mua lại Chelsea với giá 140 triệu Bảng sau cuộc thương thảo kéo dài vỏn vẹn 30 phút với Trevor Birch vào tháng 7/2003.
Biến cú sốc thành tiêu chuẩn
Năm 1966, Roman Abramovich ra đời trong một gia đình không mấy khá giả tại miền Nam nước Nga và sớm mồ côi cha mẹ. Vị tỷ phú này đã tích lũy một khối tài sản khổng lồ trên con đường kinh doanh, đặc biệt là từ dầu mỏ, trước khi nổi tiếng trên khắp thế giới bằng việc mua lại Chelsea vào năm 2003.
Ở thời điểm tiếp quản Chelsea, Roman Abramovich giàu có hơn tất cả các ông chủ khác tại Ngoại hạng Anh cộng lại. Và sức mạnh tài chính của tỷ phú người Nga đã giúp Chelsea nhanh chóng trở thành quyền lực thực thụ trong làng bóng đá xứ sở sương mù.
Roman Abramovich cũng là người tiên phong trong làn sóng mới, khi các đội bóng Ngoại hạng Anh chuyển đổi từ các ông chủ địa phương giàu có sang những ông chủ siêu giàu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nối gót Roman Abramovich xuất hiện tại Ngoại hạng Anh là nhà Glazer (MU), tỷ phú Stan Kroenke (Arsenal), Hoàng thân Sheikh Mansour (Man City), bộ đôi tài phiệt John W. Henry và Tom Werner (Liverpool) hay mới nhất là Thái tử của Mohammed bin Salman (Newcastle).
Roman Abramovich không chỉ biến Chelsea thành một thế lực trong thế giới bóng đá, mà còn đứng trên đỉnh cao suốt 19 năm và liên tục mở rộng bộ sưu tập danh hiệu, bất chấp sự cạnh tranh từ những thế lực giàu mạnh khác.
Dưới thời Chủ tịch Roman Abramovich, Chelsea đã giành 21 danh hiệu trong 19 năm gồm: 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 2 cúp bạc Champions League, 2 lần đăng quang Europa League, 5 League Cup, 3 FA Cup, 2 Community Shield, 1 UEFA Super Cup và 1 FIFA Club World Cup. Trước đó, The Blues đã mất tới 98 năm để có được 15 danh hiệu.
Chelsea từng gây sốc với việc bỏ ra 153 triệu Bảng ở mùa giải 2003/2004 và 149,9 triệu Bảng ở mùa giải 2004/2005 trước khi có được danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên dưới thời Roman Abramovich. Nhưng hóa ra, cú sốc này lại trở thành một dạng “tiêu chuẩn mới” trên bước đường lột xác của những thế lực xuất hiện sau như Man City (năm 2008), PSG (năm 2011) hay Newcastle (năm 2021).
Bắt đầu bằng việc gây sốc và tiếp nối bằng việc đầu tư bền bỉ gần 2 thập niên, Chelsea của Roman Abramovic đã bỏ ra 2,1 tỷ Bảng để mua sắm cầu thủ. Ở nước Anh, chỉ có Man City là đối thủ xứng tầm với Chelsea về mức độ “bạo chi” và sự thành công nếu so sánh trong cùng khoảng thời gian.
Không chỉ mua sắm mạnh tay, Chelsea còn “vô địch” về khoản bán cầu thủ khi đã thu 1,16 tỷ Bảng từ thị trường chuyển nhượng dưới thời Roman Abramovich. Điều này cho thấy bí quyết thành công của The Blues không đơn thuần là “bạo chi” mà còn là việc “thay máu” đội hình một cách quyết đoán.
Đi kèm với đó là thói quen liên tục thay đổi HLV. So với các đối thủ, Chelsea không gắn liền thành công dài hạn với thương hiệu của một HLV như MU – Sir Alex Ferguson, Arsene Wenger – Arsenal, Jurgen Klopp – Liverpool hay Pep Guardiola – Man City, mà liên tục nâng cúp với 17 lần thay thuyền trưởng trong vòng 19 năm qua.
Tương lai nào cho Chelsea?
Năm 2022, kỷ nguyên Roman Abramovich tại Chelsea đang chuẩn bị khép lại. Tỷ phú này đã rao bán Chelsea trước áp lực dư luận từ căng thẳng Nga – Ukraine. Thu nhập ròng từ thương vụ này sẽ được ông chuyển cho quỹ từ thiện để chăm lo cho các nạn nhận của cuộc xung đột.
Roman Abramovich chia sẻ rằng đây là quyết định khó khăn và rất đau lòng khi phải chia tay Chelsea theo cách này. Ông cũng tuyên bố xóa 1,5 tỷ Bảng mà đội bóng đang nợ ông. Đây là số tiền mà vị tỷ phú này đã bơm vào CLB thông qua Fordstam Limited và Chelsea FC Plc.
Cách thức ông chủ người Nga cung cấp nguồn sức mạnh tài chính cho Chelsea được giới truyền thông Anh mô tả như sau: Roman Abramovich là cổ đông duy nhất của Fordstam Limited là công ty mẹ của Chelsea FC Plc, đơn vị sở hữu CLB Chelsea. Roman Abramovic đã bơm 1,5 tỷ Bảng vào CLB Chelsea thông qua các khoản vay cá nhân giữa mình và Fordstam Limited.
Giới truyền thông Anh cũng cho biết, Roman Abramovich muốn thu lại 3 tỷ Bảng từ việc bán Chelsea. Thương vụ có thể sẽ hoàn tất ngay trong tuần này, với tỷ phú người Thụy Sĩ, Hansjoerg Wyss và 3 nhân vật khác được cho là khách hàng tiềm năng.
Sau khi Roman Abramovich thông báo quyết định rao bán đội bóng, người hâm mộ và các huyền thoại Chelsea đã liên tiếp lên tiếng tri ân vị Chủ tịch hào phóng. John Terry viết trên trang cá nhân: "Cảm ơn Roman. Ông chủ tốt nhất thế giới."
Trong khi đó, tờ The Guardian đã bình luận rằng tương lai bất định đang chờ Chelsea, vì ông chủ mới có giàu có tới cỡ nào thì cũng chưa chắc đã hào phóng như Roman Abramovich. Kế hoạch chuyển nhượng, nâng cấp sân vận động và quỹ lương lên tới 187 triệu Bảng của Chelsea giờ đều bị đặt dấu hỏi.
Giống như khi Roman Abramovich đến với Chelsea, thế giới bóng đá có thể sẽ chứng kiến một làn sóng mới về cách làm ăn sau khi tỷ phú người Nga rời khỏi sân Stamford Bridge. Những đòi hỏi về một cách vận hành mới trong ngành công nghiệp bóng đá đã xuất hiện cách đây 1 năm, với cuộc nổi loạn mang tên Super League, mà Chelsea là 1 trong số 12 thành viên sáng lập. Và bây giờ, thông tin Super League tái khởi động lại đang xuất hiện trên các mặt báo./.