Tập đoàn Boeing thông báo rằng dây chuyền sản xuất tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2025, sau khi hoạt động liên tục từ năm 1974.
Nếu Boeing thắng gói thầu sản xuất máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của Ấn Độ, có thể mất hai năm nữa để đóng dây chuyền sản xuất. Việc hiện đại hóa những chiếc Super Hornet đã được giao và trang bị vũ khí sẽ tiếp tục ngay cả sau khi ngừng chế tạo mới.
Đây là lần đầu tiên Boeing đưa ra mốc thời gian dứt khoát cho việc kết thúc sản xuất máy bay chiến đấu. Giới phân tích cho rằng điều này có nghĩa là quan điểm của công ty đã thay đổi và các nguồn lực sẽ được chuyển hướng sang những sản phẩm mới.
Những hệ thống tác chiến được phát triển chủ yếu trong các chương trình quân sự lớn tiếp tục được sản xuất và sử dụng càng lâu càng tốt.
Nhưng thay vì giữ cho Super Hornet tồn tại lâu hơn nữa, Boeing sẽ dồn nguồn lực tài chính và nhân sự của mình vào các dự án chiến đấu cơ mới đầy hứa hẹn như F-15EX, T-7A và MQ-25.
Để thực hiện kế hoạch của mình, Tập đoàn Boeing có kế hoạch điều động khoảng 1.500 nhân viên trực thuộc chương trình Super Hornet sang phục vụ các dự án mới nêu trên.
Đại diện Boeing cho biết thêm, dây chuyền sản xuất ở St. Louis sẽ tiếp tục được sử dụng để lắp ráp các loại máy bay mới. Trong tương lai, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 cũng có thể được ra đời tại cơ sở này.
Tiêm kích hạm nổi tiếng F-18 Hornet (F/A-18) ban đầu được phát triển bởi McDonnell Douglas. Sau đó, với việc Boeing mua lại công ty này, việc sản xuất được chuyển giao hoàn toàn sang cho Boeing.
Tổng cộng có hơn 2.000 máy bay chiến đấu loại này đã được sản xuất, bao gồm các biến thể F/A-18 Hornet cơ bản, F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G Growler.
Tập đoàn Boeing sẽ không nhận bất kỳ đơn đặt hàng nào khác trong năm nay, ngoại trừ hợp đồng bổ sung 8 chiếc Super Hornet đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Quốc hội Mỹ đã đặt hàng tổng cộng 20 chiếc F/A-18E/F Super Hornet mới, 12 chiếc vào năm 2022 và 8 chiếc nữa vào năm 2023. Sau khi hoàn thành việc giao 8 chiếc bổ sung vào năm 2025, dây chuyền sẽ ngừng hoạt động.
Như vậy, tổng cộng 698 chiếc Super Hornet sẽ được bổ sung vào thành phần tác chiến của Hải quân Mỹ trong vòng 30 năm, đưa nó vào danh sách tiêm kích hạm phổ biến nhất trên trái đất.
F-18 được sản xuất lần đầu bởi McDonnell Douglas vào năm 1974, quá trình chế tạo sẽ kéo dài đúng 51 năm nếu không có gì thay đổi lớn trong kế hoạch. Phiên bản Super Hornet được giới thiệu vào năm 1995, nó sẽ trải qua 30 năm chế tạo liên tục.
Chương trình nâng cấp máy bay Super Hornet trong kho lưu trữ của Hải quân Mỹ lên cấp độ Block III cũng đang được tiếp tục. Theo hướng này, một số công việc hiện đại hóa trong chương trình nâng cấp sẽ tiếp tục.
Đáng chú ý là trước đó Boeing đã giới thiệu gói nâng cấp F/A-18 Advanced Super Hornet bằng việc áp dụng một số công nghệ tiêm kích thế hệ năm, tương tự như chương trình F-15SE Silent Eagle, nhưng đáng tiếc là không có khách hàng nào quan tâm.