'Kỷ nguyên vàng' của tiền điện tử - Bài 1: Sự thay đổi huyền thoại
Ngành tiền điện tử đang kỳ vọng rằng dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, các quy định sẽ 'nhẹ nhàng' và được áp dụng rộng rãi hơn, tạo ra một 'kỷ nguyên vàng' của tiền điện tử.
Theo bài phân tích mới đây trên The Straits Times, con trai thứ hai của ông Trump, Eric Trump, là tâm điểm chú ý tại Hội nghị Bitcoin Mena 2024 ở Abu Dhabi hôm 10/12/2024. Trước đông đảo các tên tuổi trong ngành, ông Eric Trump đảm bảo rằng cha mình sẽ giữ lời hứa trở thành "Tổng thống ủng hộ tiền điện tử nhất" cho đến nay.
Sự khởi đầu của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump hứa hẹn sẽ đánh dấu một bước ngoặt cho tiền điện tử, đưa lĩnh vực này ra khỏi bóng tối và trở nên phổ biến - và không phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý như những năm gần đây. Ngành tiền điện tử tin rằng Tổng thống đắc cử - có gia đình đầu tư cá nhân vào tiền điện tử với nền tảng World Liberty Financial và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát - sẽ mở ra một “kỷ nguyên vàng” cho lĩnh vực này.
Tin tưởng vào ông Trump
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ tạo ra một kho dự trữ bitcoin chiến lược. Về cơ bản, điều này sẽ biến bitcoin thành một tài sản dự trữ. Ông cũng sẽ thành lập một hội đồng cố vấn tiền điện tử. Ông Trump đã đề cử ông Paul Atkins, một doanh nhân ủng hộ tiền điện tử, làm người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Những người sở hữu tiền điện tử đang rất phấn khích. Khi bitcoin vượt qua mức 100.000 USD (137.000 SGD) lần đầu tiên, một tháng sau cuộc bầu cử ở Mỹ, ông Eric Trump đã gọi điện cho cha mình lúc 6 giờ sáng để báo tin. Xu hướng hồi sinh của tiền điện tử đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với chỉ hai năm trước, khi sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried vào cuối năm 2022 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu và khiến giá bitcoin giảm mạnh xuống chỉ còn 16.000 USD. Nhiều người đã tránh xa ngành này vì sợ bị cháy túi. Giáo sư Yesha Yadav, Phó khoa tại Trường Luật, Đại học Vanderbilt cho biết: “Đây là sự thay đổi huyền thoại, kỳ diệu và thực sự không thể ngờ tới”.
Một chính quyền thân thiện hơn với tiền điện tử có thể khuyến khích dòng tiền kỷ lục chảy vào, với nhiều giao dịch và tiền của các tổ chức hơn. Tuy nhiên, ngành tiền điện tử có lịch sử lâu dài trong việc thu hút tội phạm và tạo điều kiện cho các vụ lừa đảo. Nhiều giám đốc điều hành trong lĩnh vực này đã bị buộc tội dân sự hoặc phải ngồi tù trong những năm gần đây. Việc Washington và Phố Wall chấp nhận tiền điện tử làm tăng rủi ro rằng các nhà đầu tư tổ chức và thông thường cuối cùng sẽ lại bị tổn hại một lần nữa.
Giáo sư Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận định: “Sự kết hợp giữa tính hợp pháp cao hơn và quy định nhẹ nhàng là điều tôi thực sự lo lắng. Việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi hơn ở cả cấp độ bán lẻ và tổ chức chắc chắn có thể gây ra một số rủi ro”.
Khi ngày càng nhiều nhà đầu tư bị lôi kéo trở lại thị trường đầy biến động, tác động của sự sụp đổ về giá có thể còn gây bất lợi hơn cả những đợt suy thoái tiền điện tử trước đây nếu tài sản này ngày càng gắn chặt với hệ thống tài chính truyền thống. Giáo sư Yadav cho biết: "Không chỉ (ngành tiền điện tử) trở lại, mà nó còn được thể chế hóa".
Kết thúc các chính sách thời Tổng thống Biden
Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, ngành tiền điện tử cảm thấy "không thoải mái". Dưới sự lãnh đạo của ông Gary Gensler, SEC duy trì quan điểm rằng các công ty nên tuân thủ quy tắc hiện hành về quản lý thị trường tài chính.
Cơ quan quản lý đã khởi kiện một loạt công ty tiền điện tử lớn, bao gồm các sàn giao dịch Coinbase và Kraken, công ty phần mềm Consensys và công ty thanh toán Ripple, chủ yếu cáo buộc họ bán chứng khoán chưa đăng ký. Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan khác cũng đã khởi kiện một số công ty. Ông Coy Garrison, đối tác tại Steptoe và cựu cố vấn của SEC, nhận định: "Những việc như vậy sẽ không còn diễn ra dưới thời ông Trump". Ông Gensler đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày ông Trump nhậm chức, sau khi Tổng thống đắc cử tuyên bố sa thải ông sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Ông Atkins, từng là Ủy viên SEC từ năm 2002 đến năm 2008, đang tham gia Ban cố vấn của công ty blockchain Securitize và nhóm giao dịch tiền điện tử The Digital Chamber. Là lựa chọn của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, ông Howard Lutnick, đứng đầu công ty Cantor Fitzgerald, có mối quan hệ sâu sắc với “gã khổng lồ” tiền điện tử Tether. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent được ông Trump lựa chọn đã lên tiếng ủng hộ ngành tài sản kỹ thuật số, nói rằng "tiền điện tử là điển hình của tự do".
Quyền lực mềm mới
Sự ủng hộ đối với tiền điện tử ở Washington không phải là ngẫu nhiên. Cuộc bầu cử của ông Trump đánh dấu đỉnh cao của nhiều tháng vận động hành lang có mục tiêu và hàng trăm triệu USD mà các nhà đầu tư chi ra để đảm bảo chiến thắng của các chính trị gia "dễ tính" ở Washington và trên khắp nước Mỹ.
Các "ông lớn" công nghệ, từ các công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz và Sequoia Capital, đã quyên góp cho chiến dịch của ông Trump, cùng với ông Jesse Powell, đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền điện tử Kraken, và ông Tyler Winklevoss cùng anh trai sinh đôi của ông, Cameron, cũng của Gemini. Coinbase, Ripple và Andreessen Horowitz đã dẫn đầu việc tài trợ cho nhóm ủng hộ tiền điện tử Fairshake, nơi đã phát triển thành một trong những ủy ban hành động chính trị lớn nhất trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua, chi khoảng 135 triệu USD trong số 170 triệu USD mà họ huy động được.
Các khoản quyên góp đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm Paradigm và Multicoin Capital, nhà điều hành stablecoin Circle, Ark của nhà đầu tư lẫy lừng Cathie Wood và các nhà tạo lập thị trường Cumberland và Jump Crypto. Nhóm vận động hành lang do Coinbase hậu thuẫn Stand With Crypto đã ăn mừng chiến thắng của 294 chính trị gia ủng hộ tiền điện tử tại Quốc hội, so với 134 thành viên phản đối tiền điện tử. Ông Josh Vlasto, phát ngôn viên của Fairshake, cho biết hoạt động của nhóm sẽ có "tác động rõ ràng và ngay lập tức" đến khả năng phê duyệt quy định có lợi cho tiền điện tử của Quốc hội.
Nhóm Stand With Crypto này nhắm mục tiêu vào các chính trị gia phản đối tiền điện tử. Bà Hilary Allen, Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Washington của Mỹ, cho biết: "Ngành này đã trả rất nhiều tiền cho rất nhiều người và sẽ mong đợi được nhìn thấy biên lai". Ông Carlos Domingo, Giám đốc điều hành của Securitize cho biết cũng đã có sự thay đổi tâm trạng trong SEC.
Các nhà đầu tư cho biết họ muốn các quy tắc nêu rõ loại tiền điện tử nào được coi là chứng khoán và do đó được quản lý theo luật pháp Mỹ. Tất nhiên, phần lớn muốn tất cả các loại tiền điện tử không được coi là chứng khoán.
Trong khi đó, các giám đốc điều hành muốn "có các quy tắc rõ ràng để tuân theo, để đảm bảo rằng họ sẽ không phải đối mặt với các hành động pháp lý". Ông Garrison nhấn mạnh: "Và lợi ích của việc nắm giữ tiền điện tử là bạn có một bộ biện pháp bảo vệ cơ bản nhất định mà bạn biết những công ty này đang tuân thủ".
Trong nỗ lực khiến tiền điện tử trở nên phổ biến hơn, những người đam mê cũng muốn bãi bỏ SAB 121, quy tắc kế toán quy định rằng các tổ chức nắm giữ tiền điện tử kỹ thuật số của khách hàng phải coi chúng là các khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán của riêng họ. Tài sản được lưu ký thường được hạch toán là các mục ngoài bảng cân đối kế toán, nên quy tắc này đã khiến các ngân hàng lớn trên Phố Wall và các nhà quản lý quỹ cảnh giác với việc nắm giữ tiền điện tử.
Những người ủng hộ hy vọng rằng việc bãi bỏ quy tắc này sẽ khiến họ cởi mở hơn trong việc nắm giữ tiền điện tử và mở ra làn sóng chấp nhận mới của Phố Wall. Quốc hội Mỹ đã thông qua việc bãi bỏ quy định này vào mùa Hè năm ngoái nhưng sau đó đã bị ông Biden phủ quyết.