Kỷ niệm 10 năm đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt, Chùa Tây Phương gióng trống khai hội

Sáng nay – 13/4, tại di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) đã diễn ra Lễ khai hội truyền thống và kỷ niệm 10 năm đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương (2014 -2024).

Trung tâm văn hóa tâm linh của Thành phố, di tích quốc gia đặc biệt

Tới dự buổi lễ có, ông Phạm Quý Tiên – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Đỗ Đình Hồng -Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP Hà Nội; các lãnh đạo sở ngành UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở TT&TT, Sở Tài chính, Sở kế hoạch và đầu tư...; các lãnh đạo quận, huyện Thạch Thất cùng đông đảo người dân, du khách thập phương.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Mạnh Hồng – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ khai hội cho biết: "Thạch Thất là vùng đất cổ, là vùng quê truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những bản sắc văn hóa xứ Đoài hòa chung với nền văn hóa Thăng Long Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với bề dày lịch sử hơn trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất có 209 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ khai hội phát biểu khai mạc Lễ hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ khai hội phát biểu khai mạc Lễ hội.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là một ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ của Việt Nam. Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, chùa Tây Phương có giá trị vô cùng to lớn, lan tỏa tới đông đảo phật tử nhân dân trong huyện cũng như du khách thập phương".

Mùa lễ hội hàng năm tại di tích đặc biệt chùa Tây Phương diễn ra từ đầu xuân mới. Ngày chính hội là ngày 6/3 âm lịch và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, lễ hội chùa Tây Phương là nét đẹp văn hóa truyền thống, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất cũng như du khách phật tử thập phương. Việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

"Với những giá trị, kiến trúc lịch sử và tôn giáo, năm 1962 chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, tới năm 2014 được xét xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2025, bộ tượng phật chùa Tây Phương thời Tây Sơn niên đại cuối thế kỷ 18 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Năm 2022, di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của Thành phố. Đây là niềm tự hào, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất." - ông Nguyễn Mạnh Hồng nhấn mạnh.

 Ông Lê Minh Đức – Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy đánh trống khai hội lễ hội chùa Tây Phương.

Ông Lê Minh Đức – Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy đánh trống khai hội lễ hội chùa Tây Phương.

Cũng theo ông Hồng, để di tích đặc biệt Quốc gia chùa Tây Phương đạt được vị thế xứng tầm là một trung tâm văn hóa tâm linh, Lễ hội truyền thống tiêu biểu của Thành phố, là điểm đến tâm linh của du khách khi đến với Hà Nội, Việt Nam, huyện Thạch Thất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội; sự hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL của các sở ngành Thành phố... nhằm đưa lễ hội chùa Tây Phương vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và huyện Thạch Thất.

Cùng với đó, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của lễ hội chùa Tây Phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng cũng đề nghị các cơ quan đơn vị của huyện theo chức năng nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của chùa Tây Phương. Tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch với nhiều giải pháp cụ thể; Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo quy hoạch vùng phụ cận của di tích nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu, phục vụ nhân dân.

 Đông đảo người dân tới tham quan lại Lễ khai Hội.

Đông đảo người dân tới tham quan lại Lễ khai Hội.

"Đặc biệt trong những ngày diễn ra Lễ hội, Ban Tổ chức Lễ hội, các đơn vị thị trấn cần làm tốt công tác bảo vệ di tích, di vật, cấm xâm hại cảnh quan di tích, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường an toàn cho du khách. Thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của nhân dân địa phương, để chùa Tây Phương thực sự là điểm đến "trong lòng" của người dân và du khách" - ông Hồng nói.

Trong không khí tưng bừng của lễ hội chùa Tây Phương nơi lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp nơi hội tụ tinh hoa, sinh khí đất trời, ông Nguyễn Mạnh Hồng đã tuyên bố khai mạc lễ hội chùa Tây Phương.

 Chùa Tây Phương tọa lạc ở độ cao khoảng 100m trên đỉnh núi Câu Lậu, xã Thạch Xá (Ảnh: Ban Tuyên giáo Thạch Thất).

Chùa Tây Phương tọa lạc ở độ cao khoảng 100m trên đỉnh núi Câu Lậu, xã Thạch Xá (Ảnh: Ban Tuyên giáo Thạch Thất).

Chùa Tây Phương hay còn gọi "Tây Phương cổ tự" có tên chữ "Sùng Phúc tự" tọa lạc tại núi Câu Lậu trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.

Đi từ dưới chân núi Câu Lậu du khách lần lượt chiêm ngưỡng quần thể chùa Tây Phương như Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.

Từ Tam quan hạ, du khách phải đi lên 237 bậc đá ong mới đến Tam quan thượng, bên trái chùa là Miếu Sơn Thần. Chùa chính nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, có kết cấu hình chữ Công, bên trong trưng bày nhiều pho tượng quý.

Các kiến trúc bên trong các tòa nhà đều là kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm với hai tầng tám mái, ở giữa là cổ diêm được bưng kín bởi những tấm ván đố. Tiền đường và Thượng điện gồm 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì nóc.

Riêng Trung đường được thu ngắn lại chỉ còn 3 gian 2 chái, 4 bộ vì kèo, nhưng lại có mái thượng điện cao vượt lên. Phần tường được xây bằng gạch đỏ, các tàu mái, bộ mái, kiến trúc gỗ trong chùa được chạm khắc công phu, đẹp mắt, còn tồn tại đến tận ngày nay.

Đặc biệt, ở giữa hai tòa chùa chính tách nhau bởi một Thiên Đỉnh - phần không gian mở thông với bên ngoài. Giữa mỗi Thiên Đỉnh đặt một bể nước. Bởi nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, bể nước này nhằm tạo độ ẩm thích hợp, giúp làm các kết cấu kiến trúc bằng gỗ cũng như nhiều pho tượng trong chùa không bị nứt nẻ.

Chùa Tây Phương là nơi lưu giữ 64 pho tượng Phật có niên đại hàng trăm năm. Trong đó, có 34 pho tượng được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2014. Với nhiều pho tượng trân quý, chùa Tây Phương có thể coi là một trong những nơi sở hữu Phật điện đồ sộ nhất Việt Nam.

Chính hội chùa Tây Phương bắt đầu từ hôm nay (6/3 Âm lịch), nhưng được diễn ra nhiều ngày trước đó với nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài, đó là kéo co, đánh vật, đánh cờ, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài…cùng với nghi thức cúng Phật trang nghiêm như lễ mộc dục, chạy đàn, tụng kinh, kế hạnh…đã tạo nên một không khí, không chỉ quy mô hội làng mà còn mở rộng ra vùng và liên vùng, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ky-niem-10-nam-don-bang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-tay-phuong-giong-trong-khai-hoi-post509616.html