Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội: Bài 3 - Đưa nông thôn Hà Nội trở thành nơi đáng sống
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã giúp Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", Hà Nội luôn đi đầu cả nước bởi cách làm bài bản, khoa học, đi bước trước nhưng đã tính được những bước sau...
Nông thôn Hà Nội là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo…; thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; đặc biệt, đối với người nông dân "tấc đất, tấc vàng" nhưng họ sẵn sàng đồng lòng cùng chính quyền hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp và trở thành nơi đáng sống.
*Hình thành những cánh đồng mẫu lớn
Là địa phương đến phút cuối mới có một xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay đã có 6 huyện của Hà Nội được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm; có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước, với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp. Thành công đáng chú ý đó là hoàn thành cơ bản việc dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp - một vấn đề rất khó và phức tạp; trong đó có đóng góp của cả tập thể và cả những cá nhân điển hình.
Hiểu rõ dồn điền đổi thửa những diện tích đất nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán sẽ là khâu đột phá, có tác động trực tiếp và tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội - người đã dồn tâm huyết soạn Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 về "Quy trình thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Nhờ vậy mà hơn 1.800 ha đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa của thành phố đã giúp các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, là nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nông thôn mới. Cũng bởi hiểu rõ "ngọn ngành" công việc hệ trọng này, ông được lãnh đạo thành phố tin cậy giao nhiệm vụ tìm nút thắt, tháo gỡ nhiều "điểm nóng" trong thực hiện dồn điền đổi thửa giai đoạn đầu tại một số địa phương như xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) hay Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)...
Dồn điền, đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh, như: Vùng trồng cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao, theo hướng an toàn, hữu cơ với diện tích khoảng 4.300ha; hơn 200 vùng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 40.000ha; có 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ;…
Nhiều loại nông sản của Hà Nội đã chinh phục được các thị trường “khó tính” như nhãn chín muộn xuất sang châu Âu, hoa cúc xuất sang Nhật Bản...
*Những con đường bích họa
Một điểm nhấn khác trong triển khai Chương trình 02-CTr/TU đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa, nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương".
Đến thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn hỏi thăm ông Phùng Văn Hải thì ai cũng biết ông là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Không chỉ tự nguyện đóng góp đất đai, công sức, tiền của, ông Phùng Văn Hải còn kiên trì vận động người dân góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhiều công trình bị phá dỡ trong quá trình mở đường. Việc làm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, biến những điều tưởng chừng khó trở thành hiện thực, để quê hương Vân Côn có diện mạo mới...
Hy sinh lợi ích cá nhân để cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới, đó là ngôi nhà cổ của ông Khuất Duy Nguyên (75 tuổi) ở xóm Dế thuộc thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Nhà được làm bằng gỗ, có từ 5 đời, tính đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Nguyên là cháu trưởng của dòng họ Khuất trong làng, nên mọi việc ông làm đều có ảnh hưởng đến những người trong họ.
Ông Nguyên chia sẻ, "Khi tôi đồng ý dỡ bỏ một phần mái nhà, phạt đi một đoạn tường để hiến đất, người trong dòng họ phản đối lắm. Trong các cuộc họp gia đình, tôi vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình vì tôi nghĩ mỗi nhà lùi vào vài chục centimet thì đường thôn sẽ thoáng rộng hơn. Đó là cái lợi lâu dài mà ai cũng được hưởng. Thấy tôi cương quyết vậy, con cháu cũng nghe theo".
Quyền Chủ tịch UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, ông Hoàng Văn Tuấn nhận xét, ai cũng hiểu rõ giá trị của "tấc đất - tấc vàng" và những người nông dân đã hy sinh nguồn lợi cá nhân để hiến đất mở đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Huyện Sóc Sơn còn làm những "tuyến đường hoa" đủ màu sắc kéo dài tại các trục giao thông chính, những con đường nhỏ liên thôn, xóm, cổng nhà được trồng hoa và cây xanh, tạo không gian tươi mát. Đó là kết quả từ việc triển khai đề án xây dựng “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn.
Trên đoạn đường kéo dài hơn 2km, dưới bàn tay tài hoa của các họa sỹ, những bức tường cũ kĩ đã biến thành những bức bích họa đẹp mắt. Với mong muốn mọi người cùng chung tay góp sức làm đẹp cho quê hương, huyện Phúc Thọ đã cho triển khai “con đường bích họa”, tạo nên điểm nhấn mới cho cảnh quan khu vực.
Mỗi bức tranh có nội dung khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa tuyên truyền về lịch sử quê hương Phúc Thọ và hành trình nhân dân đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới…
*Người nông dân trong thời đại 4.0
Chiếm 50,8% dân số thành phố, do vậy, nông dân cũng cần có tầm thức mới, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, hiện đại.
Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ trang trại bồ câu Hồng Phúc, ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ, thời gian đầu tập nuôi chim bồ câu, chưa có đầu ra, anh phải mang bồ câu đến từng quán ăn để chào hàng.
Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh là một lập trình viên, anh tự lập trang web, fanpage, tự quảng cáo sản phẩm của mình. Dần dần, khách hàng tìm đến anh ngày một đông. Đến nay, bồ câu giống và bồ câu thương phẩm do anh Phúc cung cấp luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu".
Mười năm gây dựng cơ nghiệp, đến nay anh Phúc đã trở thành ông chủ của một trang trại lớn với 5 cơ sở nuôi khoảng 9.000 đôi chim bồ câu, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập ổn định. Mỗi tháng, anh Phúc thu lãi 250-300 triệu đồng, một con số quá ấn tượng với "ông chủ" vừa qua tuổi 30.
Không chỉ sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nuôi trồng trong nông nghiệp, mà người nông dân trong thời đại 4.0 còn rất rành về công nghệ thông tin đưa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu.
Anh Nguyễn Văn Kết, chủ trang trại nuôi ếch ở xã Bắc Phú cho biết, ếch là loài ít dịch bệnh, bệnh thường gặp nhất là đầy hơi nếu môi trường nước không đảm bảo.
Bởi vậy, anh rất hạn chế dùng thuốc kháng sinh mà tập trung nuôi ếch bằng tỏi và các cây lá thảo dược. Anh mong muốn nuôi được con ếch sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ đó, ếch thương phẩm của gia đình anh được ưa chuộng, nhiều người tự tìm đến.
Kết quả đạt được nêu trên, cùng với những giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, Hà Nội còn tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố;... qua đó tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bước sang giai đoạn mới, Hà Nội đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trang bị cho người nông dân Hà Nội kiến thức để họ chủ động nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, nắm bắt xu hướng, biến động thị trường để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh;...
Xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, góp phần để nông thôn Thủ đô thật sự trở thành những nơi đáng sống.
Để có được những kết quả như vậy, Hà Nội đã ưu tiên cho đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao với mong muốn Thủ đô, xứng tầm một trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước./.