Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2022): Như ánh mặt trời rạng đông
Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu bước ngoặt căn bản trong lịch sử thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: 'Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người'.
1. Sau cách mạng dân chủ tư sản tháng 2/1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô viết các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô viết Petrograd. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik đã xác định cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tháng 4/1917, V.I.Lênin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm 24/10/1917 (theo lịch cũ nước Nga, tức đêm 6/11/1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở thủ đô Petrograd (nay là thành phố Saint Petersburg). Ngày 25/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7/11/1917), các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Petrograd, trừ Cung điện Mùa Ðông và một vài nơi khác. Tới rạng sáng 26/10/1917, Cung điện Mùa Ðông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Petrograd kết thúc thắng lợi. Ngày 25/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7/11/1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại.
105 năm qua, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX; đã dẫn tới sự ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới; đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới; cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Đối với Việt Nam, sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Người khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Ngay từ khi ra đời (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của nước ta trong hơn 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt. Chúng ta đã giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; chiến thắng các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
2. Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hơn 35 năm qua, đất nước ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Sự phát triển ổn định, vững chắc của Việt Nam đã trở thành minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga và nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Trên con đường phát triển đất nước, chúng ta phải không ngừng quan tâm, rút ra bài học từ việc không thể duy trì mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Đó là bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bài học về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Việc giành, giữ, bảo vệ chính quyền là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, một Nhà nước hết lòng phục vụ nhân dân. Đó còn là bài học về công tác tư tưởng, khi việc buông lỏng quản lý trận địa tư tưởng, văn hóa, thậm chí dung túng cho sự quá khích của các lực lượng cực đoan sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đó là bài học về sai lầm nghiêm trọng khi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang...
Do đó, điều quan trọng nhất để duy trì sự phát triển ổn định, không ngừng tiến lên của đất nước là phải đồng tâm, hiệp lực, kiên quyết, kiên trì đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn luôn là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Hà Nội mới