KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1.7.1915-1.7.2025): Dấu ấn tư duy đổi mớI

Muốn duy trì và phát triển sản xuất, trước tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân

Tư tưởng, phong cách và dấu ấn lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ sống động trong dòng chảy lịch sử, mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, bản lĩnh, kiên cường, có tư duy thực tiễn sắc bén và sáng tạo. Từ khi tham gia phong trào công nhân (CN) Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1930 cho đến khi đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí đều cống hiến hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết cho Đảng, cho giai cấp CN và nhân dân lao động.

Cán bộ Công đoàn phải dám hy sinh

Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (giai đoạn 1978 - 1980), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì định hướng đổi mới tư duy hoạt động Công đoàn từ hành chính hóa sang hoạt động thực chất chăm lo, bảo vệ, phát huy vai trò người lao động (NLĐ) trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Đồng chí xác định rất rõ phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để Công đoàn phát huy vai trò to lớn đối với giai cấp CN và toàn xã hội, thu hút ngày càng đông đảo CN, viên chức tham gia, để Công đoàn thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy mọi tiềm năng, trí tuệ của CN, viên chức trong lao động, sản xuất; trong việc tham gia quản lý đơn vị của mình và toàn xã hội.

Đồng chí chỉ rõ: "Muốn duy trì và phát triển sản xuất, trước tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CN. Người lãnh đạo cơ sở phải luôn sâu sát với CN, nắm bắt tình hình và kịp thời biểu dương, phát huy những tài năng mới".

Từ đó, đồng chí đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tập hợp, vận động CN, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch; tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của CN, viên chức; vận động cán bộ, viên chức tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; cải tiến phương pháp công tác, xây dựng Công đoàn vững mạnh.

Trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội VI của Đảng (1986) - Dấu mốc khởi đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí tiếp tục quan tâm chỉ đạo đổi mới Công đoàn.

Để đổi mới hoạt động Công đoàn, đồng chí lưu ý trước hết người cán bộ Công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn. Đồng chí cho rằng: "Làm cán bộ Công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì quyền lợi CN, lao động; không được thỏa hiệp, cũng không quá cứng nhắc; phải mềm dẻo nhưng không trái pháp luật; kiên quyết nhưng không quá khích".

Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sáng 1-7. Ảnh: LÊ VĨNH

Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sáng 1-7. Ảnh: LÊ VĨNH

Chủ động thích ứng

Trong bối cảnh đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ đối tượng vận động của Công đoàn phải mở rộng, hoạt động Công đoàn không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ, CN, viên chức nhà nước mà phải bao quát cả khu vực xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải.

Vì vậy, theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh và Trung ương Đảng, tháng 10-1988, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam đã quyết định đổi tên "Tổng Công đoàn Việt Nam" thành "Tổng LĐLĐ Việt Nam". Đó không chỉ là điều chỉnh danh xưng, mà là bước khẳng định về tầm vóc và phạm vi đại diện mở rộng của Công đoàn trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Đồng chí chỉ đạo hoạt động Công đoàn phải tùy theo đặc điểm của từng loại hình kinh tế để có hình thức thích hợp, phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và điều kiện cụ thể của CN, lao động.

Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức công hội theo "sản nghiệp" và "nghề nghiệp", theo hệ thống "ngang" và "dọc", quan điểm này của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo nền móng cho sự ra đời của các mô hình tổ chức của Công đoàn trong thời kỳ đổi mới như: Công đoàn ngành nghề, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn tổng công ty, nghiệp đoàn…

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng nỗ lực tự đổi mới, từng bước thích ứng với những chuyển động lớn của nền kinh tế - xã hội, chủ động chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó được thể hiện rõ nét qua việc đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đại diện, nhất là mở rộng phạm vi tập hợp NLĐ.

Các nhiệm kỳ đại hội Công đoàn Việt Nam gần đây, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", Công đoàn đã chuyển mạnh trọng tâm hoạt động, mở rộng tập hợp đoàn viên khu vực ngoài nhà nước và khu vực phi chính thức.

Ngày 27-8-2024, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-BCH về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033.

Thực hiện chủ đề công tác năm 2025 "Tập trung phát triển đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2025. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2025, các cấp Công đoàn đã kết nạp mới 507.022 đoàn viên, trong đó khu vực phi chính thức đạt 14.460 đoàn viên.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang tích cực chỉ đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công đoàn các cấp. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục hướng trọng tâm, tập trung toàn lực cho khu vực ngoài nhà nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, để tiếp tục mở rộng, phát triển tổ chức, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 1-7, tại Nghĩa trang TP HCM (Nghĩa trang Lạc Cảnh), đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM đã đến dâng hương, dâng hoa cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Đoàn đại biểu do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Thanh Nghị làm trưởng đoàn. Hoạt động diễn ra nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 - 1.7.2025).

Tại đây, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; cùng các anh hùng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 1981 - 1986, với vai trò là Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Văn Linh tiếp tục dẫn dắt thành phố tháo gỡ khó khăn. Ông đã "bật đèn xanh" cho TP HCM "xé rào" đổi mới với quyết định được xem là táo bạo lúc bấy giờ khi xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước.

Ý tưởng và cách làm của ông Nguyễn Văn Linh cùng Đảng bộ TP HCM được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị lắng nghe, ủng hộ, gắn với nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chung của Đảng.

Năm 1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới: Tập trung đổi mới kinh tế với chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ; xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, chú trọng hạch toán kinh tế, kết hợp đúng đắn kế hoạch hóa với cơ chế thị trường. Cũng tại Đại hội VI, ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.

L.Vĩnh

Mỗi đổi mới về tổ chức và hoạt động Công đoàn, mỗi bước tiến về chất lượng đội ngũ cán bộ, mỗi nỗ lực đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ đều ít nhiều mang dấu ấn tư duy cải cách, đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh từ gần 4 thập kỷ trước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa tại Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn LinhẢnh: TTXVN

Khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh

Sáng 1-7, tại tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước; đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.

Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính 2 cấp với không gian phát triển mới, Tổng Bí thư đề nghị phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh - tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn: tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. "Phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu" - Tổng Bí thư quả quyết.

Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở tỉnh Hưng Yên.

B.T.K

Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-co-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-171915-172025-dau-an-tu-duy-doi-moi-19625070121391946.htm