Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024): Tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu, kiên trung với con đường cách mạng
Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng - người con ưu tú của vùng đất núi Hồng - sông La đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng; người đoàn viên, thanh niên cộng sản đầu tiên đã nêu tấm gương sáng ngời về khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, với lời tuyên bố đanh thép 'Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác'. Lời tuyên bố đấy là kim chỉ nam cho hành động, là tuyên ngôn về lý tưởng sống của thanh niên Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi về sau.
Bản tuyên ngôn về lý tưởng sống của thanh niên Việt Nam
Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914, tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan). Cha của Lý Tự Trọng là cụ Lê Hữu Đạt, quê xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; mẹ là cụ Nguyễn Thị Sờm quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thời kỳ này do phải tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước từng nổi dậy theo cụ Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo cụ Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang phục Hội để mưu việc “phục quốc” buộc phải tìm đường vượt núi cao Trường Sơn và băng qua Sông Mê Kông vừa để cuốc cày kiếm sống, vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân nước bạn.
Ngay từ thuở nhỏ, Lê Hữu Trọng là người chăm chỉ, ham học hỏi và sớm giác ngộ cách mạng. Anh là một trong tám thiếu nhi được nhà yêu nước Hồ Tùng Mậu lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và hoạt động trong hội thanh niên yêu nước. Tại đây, Lê Hữu Trọng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng.
Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại Quảng Trường Lareni. Anh bị địch bắt sau đó và bị kết án tử hình khi mới 17 tuổi.
Đứng trước cái chết, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sỹ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói:“Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Tinh thần bất khuất của anh đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Dù ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng sự hy sinh của anh là tấm gương chói lọi, trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên Việt Nam. Câu nói bất hủ của anh trước tòa án của kẻ thù “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đã trở thành kim chỉ nam cho thanh niên rèn luyện, học tập; là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thanh niên Việt Nam học tập và noi theo.
Tiếp tục thắp sáng ngọn lửa chân lý “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng...”
Noi gương và tiếp bước anh Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, dành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước...
Sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, lớp lớp thanh niên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn. Con đường cách mạng của các thế hệ tiền bối và đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ hôm nay xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực.
Trong những năm qua, các các cấp bộ Đoàn, Hội đã nhiều sáng kiến, phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực. Mỗi cuộc vận động, mỗi phong trào đều tạo môi trường lành mạnh, tác động tích cực tới nhận thức và hành động của tuổi trẻ. Đặc biệt, dù trong môi trường, lĩnh vực nào, các thế hệ tương lai của đất nước cũng xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, quyết chí vươn lên; phát huy tinh thần, ý chí tự lực tự cường trong học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tiếp tục có nhiều đổi mới về cả nội dung và phương thức, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động giáo dục; tăng cường lấy thông tin tích cực đẩy lùi tiêu cực; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp với nhiều nội dung ý nghĩa, cách làm mới hiệu quả.
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, điều này đòi hỏi tuổi trẻ Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tuổi trẻ thấm nhuần tư tưởng của anh Lý Tự Trọng cùng khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn và khát vọng xây dựng đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nêu cao tinh thần, khát vọng dựng xây đất nước của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đảng ta cũng đã xác định cần phải thống nhất nhận thức về một khởi điểm mới của đất nước, đó là "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu đối với thanh niên ngày nay cần phải phát huy khát vọng cống hiến của mình, tham gia góp sức vào công cuộc dựng xây quê hương đất nước. Với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, tổ chức Đoàn luôn xác định tâm thế, phải tạo được môi trường, điều kiện để thanh niên có thể phát triển, cống hiến.
Trước những yêu cầu đó, anh Bùi Quang Huy cho biết, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã xác định cho mình 3 nhiệm vụ quan trọng. Đầu tiên, cần phải đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ trên tinh thần kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng cần đổi mới về phương thức, cách thức tiếp cận để phù hợp với thị hiếu, xu thế của thanh niên hiện nay.
Đồng thời, cần tiếp tục triển khai, tổ chức các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động thực tiễn để thanh niên tham gia. Qua đó, giúp thanh niên tự bồi dưỡng, tự giáo dục, tự trưởng thành thông qua các hoạt động thực tiễn, nhất là thông qua 3 phong trào hành động cách mạng lớn của Đoàn, gồm: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc".
Đặc biệt, tổ chức Đoàn phải đồng hành, tạo môi trường để thế hệ trẻ phát triển một cách toàn diện, lành mạnh thông qua 3 chương trình đồng hành với thanh niên: "Đồng hành với thanh niên trong học tập", "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần" để phù hợp với nhu cầu thiết thân của thanh niên hiện nay.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.
Hơn bao giờ hết, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” càng thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam noi gương anh Lý Tự Trọng, nguyện viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới./.