Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2024): Hành trình của trái tim yêu nước, thương dân

Cách đây 113 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), người thanh niên với tên gọi Văn Ba (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) đã rời Tổ quốc trên con tàu L'amiral Latouche Tréville để đi tìm đường cứu nước. Hành trình của người thanh niên ấy đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó cũng là hành trình của trái tim yêu nước, thương dân sâu sắc của Người.

1.“Đất nước đẹp vô cùng/ Nhưng Bác phải ra đi”…. Đọc những câu thơ chất chứa nhiều nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên, đã thôi thúc mỗi chúng ta tìm về với lịch sử, tìm về với hình ảnh cách đây 113 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên đường đi tìm “hình” của nước.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, khi còn nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc. Câu hỏi: “Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”? luôn day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.

Và độ tuổi 20, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã có suy nghĩ đi ngược với làn sóng Đông du lúc bấy giờ. Người đã lựa chọn một mình sang phương Tây để đi tìm câu trả lời cho chính mình. “Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào” – khát vọng đó lớn dần lên theo năm tháng.

Để rồi, ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã theo chuyến tàu lịch sử ra đi tìm đường cứu nước. Trong vòng 10 năm, từ 1911 - 1920, Người đã đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Và cũng trong thời điểm này, người đã làm rất nhiều công việc để sinh sống và hoạt động, như: phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…Người sống hòa mình cùng nhân dân lao động và các phong trào đấu tranh của công nhân. Qua những chuyến đi, gặp những người dân ở các giai cấp, Người thực sự hiểu rằng, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

2. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Người tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, với lập trường yêu nước đúng đắn, và đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.

Sau hơn 30 năm bôn ba hành trình cứu nước, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước. Người trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Đây cũng chính là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó cũng chính là hành trình của lòng yêu nước, thương dân. Kỷ niệm 113 năm (5/6/1911-5/6/2024), ngày ra đi tìm đường cứu nước của Người là dịp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định một lần nữa quyết tâm đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra, lựa chọn. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Tự hào là một trong những tỉnh, thành được Bác “dừng chân” trước khi lên tàu tìm đường cứu nước, Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng, phát triển. Bình Thuận đang tiếp tục tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng của Người, chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-113-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-05-6-1911-05-6-2024-hanh-trinh-cua-trai-tim-yeu-nuoc-thuong-dan-119394.html