Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên BS Phạm Ngọc Thạch: Người có công lớn đối với ngành y tế

Sáng 7/5, BV Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (07/05/1909 – 07/05/2025), cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương – tiền thân của BV Phổi Trung ương ngày nay.

Cố Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam – người sáng lập và phát triển ngành lao và bệnh phổi

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết: "Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không chỉ là người có công lớn đối với ngành Y tế mà còn là một người chiến sỹ cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh hạnh phúc riêng, tận hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, là người lãnh đạo tài năng về khoa học quản lí ngành y tế, quản lí sức khỏe cộng đồng, quản lí chuyên ngành lao và bệnh phổi.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Ngày 24/06/1957, Chính phủ ký Quyết định thành lập Viện Chống lao Trung ương, ngay từ ngày đó, BS Phạm Ngọc Thạch đã nêu quan điểm của tư duy lồng ghép có tính xuyên suốt của chuyên ngành, đó là: "Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm". Ông cũng khẳng định rằng việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi. Tinh thần BS Phạm Ngọc Thạch "Khó mấy cũng làm" đã trở thành "kim chỉ nam" trong sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc, nâng cao sức khỏe phổi cho nhân dân Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương.

"Tinh thần Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là sợi chỉ đỏ với tư duy "khó mấy cũng làm" xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay, với tinh thần ấy BV Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ người bệnh, đã đạt được rất nhiều thành công trong thực hiện các kỹ thuật cao về bệnh phổi và kiểm soát lao, đặc biệt là lĩnh vực ghép phổi, một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng", Giám đốc BV Phổi Trung ương nói.

Phấn đấu xây dựng bệnh viện thành trung tâm ghép phổi vùng phục vụ người bệnh

Sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép tạng nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi. TS.BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ thêm: "Thời khắc này cũng đánh dấu chặng đường 5 năm thành lập Trung tâm Ghép phổi – Bệnh viện Phổi Trung ương, đơn vị tiên phong, nòng cốt cho ghép phổi đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự thành công của 6 ca ghép".

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, GS. TS. TTND Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam nhận tình cảm từ người nhà và bệnh nhân ghép phổi.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, GS. TS. TTND Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam nhận tình cảm từ người nhà và bệnh nhân ghép phổi.

Trung tâm Ghép phổi là đơn vị dẫn dắt cho lĩnh vực ghép phổi thuộc Bệnh viện. Sau 5 năm thành lập, đơn vị đã thực hiện thành công 6 ca ghép phổi. Trong năm 2024, BV Phổi Trung ương thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước. Đặc biệt chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4/2025, BV Phổi Trung ương đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị, các bệnh viện trong nước và quốc tế (Bệnh viện E, Trung tâm Điều phối ghép tạng và cơ thể người, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Bạch Mai, BV Nhân dân 115…) thực hiện thành công liên tiếp thêm 2 ca ghép phổi cho 2 người bệnh, nâng tổng số ca ghép phổi là 6 ca, đóng góp vào thành tựu chung gần 50% (6/14 ca) ghép phổi tại Việt Nam. Đến nay, ghép phổi tại BV Phổi Trung ương - một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng - đang trở thành thường quy.

Hiện nay, nhu cầu ghép phổi tại Việt Nam là khoảng 900 ca. Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, mục tiêu là sẽ xây dựng Bệnh viện thành Trung tâm Ghép phổi vùng phục vụ cho người bệnh trong nước và người bệnh quốc tế.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị, bệnh viện còn hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ ghép tạng, tiên phong trong kỹ thuật ghép phổi; Tập trung đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; Tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm cho cán bộ ngành Y theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch…

Giám đốc BV Phổi Trung ương cũng bày tỏ những khó khăn để thực hiện một ca ghép phổi như chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam dù ở mức thấp so với thế giới, nhưng vẫn là gánh nặng tài chính lớn vượt quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình. Vì vậy để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế chi trả từ nguồn BHYT và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác. Hiện nay, hầu hết các ca ghép phổi đều được bệnh viện hỗ trợ kinh phí.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-niem-116-nam-ngay-sinh-co-bo-truong-bo-y-te-dau-tien-bs-pham-ngoc-thach-nguoi-co-cong-lon-doi-voi-nganh-y-te-169250507134042662.htm