Kỷ niệm 130 năm ngày bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt
Vào buổi chiều muộn ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) đặt chân lên cao nguyên Langbiang. Không lâu sau đó, một đồ án kiến thiết xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị nghỉ dưỡng được trình lên toàn quyền Đông Dương.
Tối 30/12, tại quảng trường Lâm Viên, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đồng thời đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO.
Tới dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ và đông đảo khách mời, người dân, du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, trước khi vùng đất Đà Lạt được bác sĩ Alexandre Yersin tìm thấy, những năm 80 của thế kỷ 19, đã có một số đoàn thám hiểm đầu tiên khám phá vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và đi tới cao nguyên Langbiang. Họ cũng đã có một số ghi chép đầu tiên, phác họa được bản đồ của khu vực này. Tuy nhiên, phải đến chiều ngày 21/6/1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbiang vùng đất này mới thực sự được “khai sinh” và đặt nền móng cho sự hình thành của TP Đà Lạt tới ngày nay.
Vào những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã tới vùng đất này, nỗ lực xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với các đồ án quy hoạch đô thị được thiết kế bài bản. Cũng từ đó, người Việt khắp nơi đã di cư tới Đà Lạt, song hành với quá trình kiến thiết một đô thị ở độ cao 1.500m so với nước biển và quanh năm se lạnh.
Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của Đà Lạt ngày nay vẫn đang được chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy. Ngày nay, diện mạo thành phố đang từng bước đổi thay, kinh tế, xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm, quốc phòng - an ninh được giữ vững…
Dù “Sinh sau đẻ muộn” nhưng với thế mạnh riêng biệt, Đà Lạt sớm trở thành vùng đất nổi tiếng trong nước và quốc tế. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm thành phố đón trên 6 triệu lượt khách. Đà Lạt còn nức tiếng với các thương hiệu về nông sản ứng dụng công nghệ cao như sản xuất rau, hoa, chè, cà phê… Đà Lạt cũng vinh dự trở thành thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, thành phố thông minh, thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO... Trên cơ sở đó, chính quyền và nhân dân địa phương đang tiếp tục phấn đấu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản thế giới gắn liền với việc phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
Phát biểu chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Lạt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt chung sức đồng lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt ngày càng phát triển bền vững, giàu đẹp; phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên để Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ mãi là điểm đến lý tưởng của du khách.