Kỷ niệm 159 năm Ngày mất của sĩ phu yêu nước Phan Văn Đạt
Trường THPT Phan Văn Đạt, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tổ chức dâng hương kỷ niệm 159 năm ngày mất của cử nhân, sĩ phu yêu nước Phan Văn Đạt.
Cử nhân Phan Văn Đạt có tên hiệu là Minh Trai, sinh năm 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người học giỏi. Năm 1848, ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định nhưng không ra làm quan. Với tính cương trực, thẳng thắn, ông được nhân dân yêu mến.
Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định và lục tỉnh Nam kỳ. Đầu năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa, kéo quân đánh chiếm Gò Công, Tân An. Trước tình hình đó, cử nhân Phan Văn Đạt cùng cậu là tú tài Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía Nam cầu Biện Trẹt (nay là ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành).
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của cử nhân Phan Văn Đạt có hương thân Lê Cao Dõng và tú tài Trà Quý Bình. Khí thế nghĩa quân của cử nhân Phan Văn Đạt, tú tài Trịnh Quang Nghị và tú tài Trà Quý Bình ngày một cao. Ngày 21/6/1861, tú tài Trà Quý Bình chỉ huy nghĩa quân tập kích đồn giặc ở vàm rạch Châu Phê (nay là xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) tiêu diệt tên Tri phủ Việt gian Trần Quang Tâm, đốt cháy đồn giặc và thu nhiều vũ khí.
Ngày 16/7/1861, tướng Pháp là Ba-Khu đem quân đánh úp căn cứ nghĩa quân và bắt được cử nhân Phan Văn Đạt. Sau đó, bị giặc Pháp hành hạ tàn độc nhưng ông vẫn không khuất phục. Một thời gian sau, giặc Pháp biết ông là người đứng đầu cuộc khởi nghĩa nên dùng móc sắt móc vào cổ họng cho đến lúc qua đời. Gương hy sinh của cử nhân Phan Văn Đạt làm dấy lên lòng yêu nước của dân tộc. Noi gương ông, các nghĩa quân ở tỉnh Gia Định đồng loạt nổi dậy tấn công giặc Pháp làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề.
Kỷ niệm 159 năm ngày mất của sĩ phu yêu nước Phan Văn Đạt, thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Phan Văn Đạt thắp hương tưởng nhớ người anh hùng bị giặc Pháp sát hại vào thế kỷ XIX, thể hiện niềm tự hào về tinh thần bất khuất, yêu nước, chống ngoại xâm của cử nhân Phan Văn Đạt. Đây là dịp để thầy, trò cùng ôn lại và tự hào với những giá trị tinh thần vô giá mà cử nhân Phan Văn Đạt để lại cho con cháu đời sau./.