Kỷ niệm 205 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2023): Nhà tư tưởng thiên tài với 'học thuyết vạn năng'
Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 5-5-1818 tại thành phố Trier, Vương quốc Phổ (nay là nước Đức). Ông là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trong 65 năm cuộc đời, Các Mác đã có những cống hiến vĩ đại cho tiến trình phát triển của nhân loại, một trong số đó là học thuyết mang tên ông được coi là 'học thuyết vạn năng'.
Cống hiến vĩ đại
Trong di sản đồ sộ mà Các Mác để lại cho hậu thế, trước tiên phải kể đến phép biện chứng duy vật. Mác chỉ rõ, thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng muôn hình muôn vẻ, vốn có một cách khách quan, không do một sức mạnh huyền bí nào sáng tạo ra, luôn luôn ở trong sự liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, ở trong sự vận động và biến đổi, theo những quy luật khách quan. Nguồn gốc của sự vận động và biến đổi là sự đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn nằm ngay trong bản thân sự vật. Đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn làm cho sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời.
Đồng thời, Mác khẳng định, nhờ phương pháp nhận thức khoa học và thông qua thực tiễn hoạt động mà nhận thức, con người có thể hiểu biết thế giới. Trên thế giới không có gì là con người không thể nhận thức được, chỉ có cái con người chưa nhận thức được nhưng rồi sẽ nhận thức được. Vì nhận thức được quy luật của thế giới, nên con người có thể cải tạo được thế giới.
Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Theo đó, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Mác đã đưa ra học thuyết kinh tế, chứng minh những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác ở đây chính là quy luật giá trị thặng dư.
Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa. Cùng với người bạn thân thiết P.Ăngghen, Mác đã định rõ sứ mệnh, con đường giải phóng của giai cấp vô sản.
V.I.Lênin, người kế thừa sự nghiệp của Mác và Ăngghen, đã khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản…”.
Thực tế, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản và do đó gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là những thành quả rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ánh sáng soi đường
Đối với cách mạng Việt Nam, công ơn của Các Mác là vô cùng to lớn. Trên hành trình cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hơn 93 năm qua, đường lối cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đề ra chính là sự vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa. Tiếp đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đứng trước những thử thách to lớn của thời đại, nhất là khi Liên Xô sụp đổ, Đảng ta đã kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. 37 năm qua, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện.
Đúc kết những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân làm nên những thắng lợi cách mạng, Đảng ta đã nhiều lần nêu rõ trong các văn kiện quan trọng về vai trò, vị trí không thể thay thế của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 205 năm Ngày sinh của Các Mác là dịp để chúng ta thêm trân trọng những cống hiến của Các Mác, đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn giá trị của Chủ nghĩa Mác - Lênin để không ngừng nuôi dưỡng niềm tin, lý tưởng và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.