Kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Văn Lâm (1/9/1999-1/9/2024) Tiếp nối truyền thống – Chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn hiện thực hóa khát vọng phát triển

Huyện Văn Lâm là vùng đất có lịch sử lâu đời, luôn mang trong mình sức mạnh nội sinh to lớn và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử và thời kỳ phát triển, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Văn Lâm luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đô thị, phấn đấu đưa huyện Văn Lâm trở thành đô thị loại IV vào năm 2025, trở thành thành phố trước năm 2030.

Diện mạo đô thị Văn Lâm

Diện mạo đô thị Văn Lâm

Phát huy lợi thế, khơi dậy tiềm năng

Thực hiện Nghị định số 60/1999/NĐ-CP ngày 24/7/1999 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Mỹ Văn và Châu Giang, tỉnh Hưng Yên để tái lập các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngày 1/9/1999, huyện Văn Lâm được tái lập trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi mới tái lập, huyện phải đối mặt với nhiều thiếu thốn và thách thức. Nền kinh tế cơ bản thuần nông, công nghiệp mới khởi sắc. Hạ tầng cơ sở thiếu, xuống cấp. Đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan nông thôn, cảnh quan đô thị của các xã, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu…

Việc tái lập huyện năm 1999 cùng với công cuộc đổi mới đã tạo ra những cơ hội, vận hội mới để huyện Văn Lâm vượt qua những khó khăn ban đầu, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển đi lên. Từ những định hướng cơ bản được nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, tiếp tục triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy lợi thế về vị trí địa lý để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Huyện ủy thường xuyên quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy các cấp tiến hành tổng kết, sơ kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó đánh giá thành công, hạn chế để đưa ra những giải pháp và định hướng lớn cho việc thực hiện ở giai đoạn tiếp theo… Cùng với đó, với quyết tâm cao, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các kỳ đại hội, Đảng bộ, Nhân dân huyện Văn Lâm đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xác định công tác quy hoạch có vai trò quan trọng để hoạch định lộ trình phát triển, bứt phá vươn lên, huyện đã xây dựng Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu chức năng, Quy hoạch chi tiết, Chương trình phát triển đô thị Văn Lâm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030... Trên cơ sở đó, huyện tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Vươn tầm phát triển

Trong 25 năm qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 26,17%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, giảm tỉ trọng về nông nghiệp. Đến hết năm 2023, công nghiệp chiếm tỉ trọng 81,14%; thương mại, dịch vụ chiếm tỉ trọng 15,50%; nông nghiệp chiếm tỉ trọng 3,36%. Khi mới tái lập, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện còn nhỏ, lẻ, đến nay, trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp tập trung, 10 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và một số khu sản xuất tập trung... với tổng diện tích đất sử dụng 1.214 ha, tăng 50 lần so với năm 1999. Trên địa bàn có 1.832 doanh nghiệp đăng ký, trong đó, 1.728 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 60.700 lao động trong và ngoài huyện. Giá trị sản xuất đến nay ước đạt 133.412 tỷ đồng, tăng hơn 945 lần so với năm 2000. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 25 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) ở thị trấn Như Quỳnh

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) ở thị trấn Như Quỳnh

Thương mại, dịch vụ có sự phát triển tốt, ngày càng đa dạng, phong phú. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2023 đạt 5.540 tỷ đồng, tăng hơn 46 lần so với năm 1999.

Ngành nông nghiệp có những thay đổi vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu, từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Huyện đã chỉ đạo các địa phương cơ bản hoàn thành công tác dồn thửa đổi ruộng, tạo thuận lợi trong canh tác, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu theo đúng hướng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Năm 2023, giá trị sản xuất đạt 210 triệu đồng/ha, gấp 7 lần so với năm 2000.

Điểm sáng của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội trong 25 năm qua còn được thể hiện ở sự đồng thuận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, huy động trên 12.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, chất lượng môi trường, văn hóa - giáo dục, y tế... Năm 2018, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn huyện có 3/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 8/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 19/79 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 25/79 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước thực hiện được trên 5.335 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 lần so với năm 1999. Thu nhập bình quân đầu người đạt 80,24 triệu đồng, tính theo GRDP là 131 triệu đồng, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 0,8%; 80/80 khu dân cư đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa". Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên. 32/32 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Công tác giải quyết chế độ, chính sách và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công ngày càng được chú trọng. Lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có bước tiến vượt bậc, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỉ trọng lao động trong ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong ngành công nghiệp - dịch vụ... Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Hệ thống chính trị của huyện được xây dựng, củng cố vững mạnh; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; triển khai có trọng tâm, trọng điểm việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các thời kỳ... Toàn Đảng bộ huyện tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), kết luận hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ nội dung chuyên đề toàn khóa và từng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo Bác được gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến có sức lan tỏa lớn trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và đời sống xã hội, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, phát triển; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Vai trò làm chủ của Nhân dân ngày càng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…

25 năm - một chặng đường xây dựng và phát triển, những thành tựu huyện Văn Lâm đạt được là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Ghi nhận những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Văn Lâm đã được các cấp biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 19/8/2024, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Văn Lâm Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2019 đến năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp nối truyền thống của huyện anh hùng, toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân… trên địa bàn huyện Văn Lâm tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết một lòng, tập trung công sức, trí tuệ, quyết tâm cao, nỗ lực lớn phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, hiện thực hóa khát vọng phát triển, trở thành thành phố vào năm 2030…

Trần Chu ĐứcPhó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tiep-noi-truyen-thong-chung-suc-dong-long-quyet-tam-cao-no-luc-lon-hien-thuc-hoa-khat-vong-phat-trie-3175015.html