Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Nữ tướng Nguyễn Thị Định: Người Cộng sản kiên trung nơi ngục tù Bà Rá
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, PNVN xin giới thiệu những trang viết về bà của nhà văn Trầm Hương – một cây bút quê hương Bến Tre, có rất nhiều tư liệu sống động, chân thực về người chị của 'đội quân tóc dài' huyền thoại…
Xa chồng, con khi 20 tuổi
Ngày 15/3/1920… Đó là một ngày định mệnh đối với gia đình một nông dân trên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trong căn buồng tối dành cho sản phụ ở nông thôn Nam bộ thời Tây y còn rất sơ khai, người mẹ oằn oại cơn đau đẻ. Nếu như hôm đó người chồng nghe theo lời bà mụ móc đầu đứa bé lôi ra để cứu sống vợ thì sau này Cách mạng miền Nam không có ngôi sao Nguyễn Thị Định chói sáng. Ông đã động viên, thuyết phục bà mụ kiên trì chờ đứa bé ra đời. May sao, mẹ tròn con vuông. Vì lẽ đó, trong gia đình 10 đứa con, cô út Nguyễn Thị Định được cưng nhứt nhà.
Lớn lên, cô út Định trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được gia đình nhắm gả cho một nơi giàu có nhưng cô kiên quyết chọn ông Bích - một trong số đồng chí cùng hoạt động với anh cô. Họ sống bên nhau những ngày trăng mật ngắn ngủi. Rồi ông Bích lại đi hoạt động. Cô cũng ở lại bám cơ sở. Sau này, cô mới biết ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, ở bộ phận hoạt động công khai. Nhưng hạnh phúc chưa kịp cảm nhận thì giông tố ập đến. Mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ.
Ngày 19/7/1940 (chưa đến ngày 21/7 - ngày hẹn với tổ chức thoát ly) thì út Định bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con cô về Khám Lá Bến Tre. Chúng tuyên bố đưa cô đi Bà Rá (nay thuộc tỉnh Bình Phước), buộc cô phải gửi con về nhà. Ôm chặt con thơ trước lúc lìa xa, lòng người mẹ như đứt từng đoạn. Cô biết dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết nhưng cảnh đứa bé mới 7 tháng tuổi mà sớm bị bứt lìa khỏi cha mẹ thì cô chưa bao giờ nghĩ đến.
Những trang hồi ký thấm đẫm tình yêu nơi tù ngục
Bà Rá thời đó là nơi hoang sơ không chỉ có vắt, voi, cọp mà còn có "cọp người". Nguyễn Thị Định được xếp vào khu nhà B - nơi dành riêng cho tù chính trị nữ. Ở đây, mọi người gọi Nguyễn Thị Định bằng cái tên thân mật: Ba Bích - tên người chồng đã bị đày ra Côn Đảo của chị. Thật cảm động khi đọc lại những trang hồi ký thấm đẫm tình yêu người vợ dành cho chồng trong nhà tù:
Những ngày sống gian khổ ở nhà tù Bà Rá, hình ảnh anh Bích và con tôi lúc nào cũng hiện ra trong tâm trí. Cái gì tôi cũng làm thành ba: thêu ba áo gối, vót ba đôi đũa, khâu ba khăn tay. Lòng tôi vẫn chứa chan hy vọng ngày về. Chị Bé An Giang, chị Thước, chị Uông - vợ anh Tư Lầu, chị Nguyễn - vợ anh Nguyễn, v.v… đều cùng cảnh chồng bị đày Côn Đảo nên chúng tôi thường động viên nhau: "Sau này về, từng cặp vợ chồng chúng mình làm đám cưới lại, rồi tiếp tục đi công tác thì vui biết mấy!".
Sinh thời, vào năm 1990, khi về Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ công tác, tôi từng được nghe bà Đoàn Kim Định - nguyên Đoàn phó, Thường vụ BCH lâm thời Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, từng ở tù chung với bà Nguyễn Thị Định ở nhà tù Bà Rá kể về ấn tượng "chị Ba Định":
"Ở Bà Rá, chị Định và chị em chúng tôi được xếp vào khu nhà B - nơi dành riêng cho tù chính trị nữ. Chị em rất đoàn kết, thương yêu nhau, kịp thời cảnh giác bọn sếp, bọn cai tù. Các nữ tù không chỉ chịu đựng cảnh lao động khổ sai nhọc nhằn mà còn phải chống lại những trò chọc ghẹo của những tên cò Tây. Có những tên ban đêm mò vào chỗ các nữ tù, định giở trò sàm sỡ. Phát hiện được, chị em hô ầm lên khiến chúng sợ, co mình lại. Lấy cớ vùng này có nhiều cọp, beo, thú dữ nên khi "nó" đến gần thì họ khua thùng thiếc, hô vang để "bọn thú" bỏ đi. Các chị dặn nhau khi đi gánh nước, làm cỏ chớ nên ham bóng mát gần nhà mấy tên Tây…
Chị Ba Bích bày thêm kinh nghiệm là bọn quản tù hay chụp nắm tóc phụ nữ trước khi đánh. Vì vậy, chị em nên cài ít kim may vào trong búi tóc, để khi chúng chụp vào đầu tóc chị em, tay bị kim đâm, chúng sẽ bỏ ra ngay. Tới lúc đó, chị em có thì giờ để đối phó…
Biết chị Ba Bích là trung tâm đoàn kết, đấu tranh của khu nhà B; tên quan ba nổi tiếng tàn ác, có thú tính thích nhìn thấy máu đổ, thích xui chó béc-giê cắn xé tù nhân cho ra máu lai láng bắt chị Bích bước ra sân, giơ cao vỏ chai đựng rượu làm đích cho hắn bắn. Hắn muốn khoe tài bắn súng vừa nắn gân chị Ba Bích "chuyên xách động nữ tù đấu tranh". Nếu chị Ba Bích không chịu bước ra, không giơ cao chai rượu cho hắn nhắm bắn, hắn sẽ có dịp bêu riếu người cách mạng cũng hèn nhát. Còn nếu thể hiện chí khí, viên đạn của tên quan ba có thể cắm vào cơ thể chị. Hắn dồn chị vào một tình huống khó xử. Sau phút lưỡng lự, chị Ba bình tĩnh bước ra sân rồi giơ cao vỏ chai rượu lên. "Đoàng". Tiếng súng nổ, vỏ chai vỡ toang. Hắn khoái chí cười khanh khách.
Chưa thỏa mãn thú tính, hắn bắt chị Ba Bích tháo chiếc vòng cẩm thạch đang đeo ở tay - kỷ vật chồng chị tặng ngày cưới mà chị rất quý yêu làm đích cho hắn bắn tiếp. Quá phẫn uất, chị tháo vòng, ném mạnh vào viên gạch gần đó, làm chiếc vòng vỡ tan. Trước sự bướng bỉnh, gan dạ của chị Ba Bích, tên sếp hơi bất ngờ. Hắn làm thinh nhưng định bụng sẽ trừng trị chị Ba Bích và các "nữ tù ngoan cố" một dịp khác.
Không đợi lâu, mấy hôm sau, hắn đưa các chị ra khu nhà sàn của hắn để chứng kiến cảnh hắn trừng phạt tù nhân. Nạn nhân là các tù nam vì không chịu nổi cảnh hà khắc, nhân lúc tên lính gác bắt các anh đào hố chôn tù nhân chết, toán tù khổ sai giết hắn rồi bỏ trốn. Không ngờ, ít lâu sau họ bị bắt trở lại. Hắn tra tấn người tù dã man, cho treo ngược anh lên sàn nhà. Tên quan ba đánh anh một gậy thì con chó của hắn chồm lên cắn anh một miếng. Lúc đầu người tù vừa la vừa chống đỡ bộ răng sắc bén của con vật nhưng dần dần kiệt sức, bất động. Khi những tên lính tháo dây thả anh xuống thì anh như một xác không hồn, bê bết máu. Chứng kiến cảnh khủng khiếp ấy, chị em càng khắc cốt ghi sâu mối thù quân cướp nước...
Đòn roi, tra tấn nhục hình không đánh gục được ý chí người phụ nữ kiên trung. Nhưng chúng không hề biết rằng trái tim chị đang bị gặm mòn, hủy hoại vì nỗi khổ đau. Tin tức anh Bích ngoài Côn Đảo vẫn biền biệt. Nỗi nhớ thương con đốt cháy lòng người mẹ. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều nhìn ra làn sương mù giăng kín núi đồi, nước mắt chị nhòa đi.
Đêm ở Bà Rá buốt lạnh. Chị em tổ chức văn nghệ để quên đi giá rét. Người thích hát vọng cổ, người thích nói thơ. Đến lượt chị Ba, chị cất giọng hát "Kìa xa xa nơi Côn Đảo/Sóng nước muôn trùng/Hỡi đàn cò trắng/Bay qua ngang Trời…". Giọng chị đang trong trẻo, ấm áp, tình cảm bỗng tắt nghẹn rồi vỡ ra thành nước mắt. Đến lúc đó mọi người vô cùng hối hận vì đã để chị hát bài hát gợi nhớ nỗi mất mát khôn nguôi. Chứng bệnh tim càng lúc càng hoành hành chị. Chị liên tục bị ngất liên tục. Chị em nữ tù đấu tranh quyết liệt với tên sếp Tây. Cuối cùng, chúng đành chấp nhận đưa chị về điều trị tại nhà thương Biên Hòa. Năm 1943, chị Ba Bích được bọn Pháp đưa về quản thúc tại địa phương…".
Gắn bó với tổ chức Hội phụ nữ từ những ngày đầu độc lập
Ba tháng sau, vết thương những ngày bị đày đến nhà tù đế quốc chưa lành thì Nguyễn Thị Định nhận được hung tin: ông Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đó là vết thương đau đớn nhất đời bà. Nhớ lời chồng căn dặn "dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu tù đày, cái chết", nhớ đến bao đồng chí còn đang bị tù tội, đã hy sinh; bà cứng rắn hẳn lên. Vì là người phụ nữ có nhan sắc, bà bị vây bủa, o ép của bọn tề làng. Bà vừa mềm dẻo, mạnh mẽ chống lại chúng vừa tự nhủ mình phải tỉnh táo trước phong trào thân Nhật. Năm 1944, phong trào Việt Minh lên mạnh, bà bắt được liên lạc với tổ chức. Bà gửi con cho mẹ, lao vào công tác. Trong cách mạng tháng Tám, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ chiếm thị xã Bến Tre.
Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, bà được tổ chức giữ lại công tác ở phụ nữ tỉnh. Trong ngày rước tù Côn Đảo trở về đất liền, dẫu biết tin chồng đã hy sinh, lòng bà vẫn nuôi niềm hy vọng rằng ông còn sống. Bà bồng con ra bến đón các anh trở về. Nhưng cho đến người tù cuối cùng trên tàu bước lên, bóng chồng vẫn biền biệt. Nhìn gương mặt giàn giụa nước mắt của bà, đồng đội ông Bích nói lời chia sẻ: "Anh Bích còn sống, thấy chị tiếp tục công tác, tiến bộ được như vậy chắc hẳn ảnh rất vui. Từ bây giờ, chị phải vui sống, bởi chị phải làm thay cả phần anh Bích!". Bà gượng cười cho các anh yên lòng mà vẫn không lau khô được nước mắt…
Cuối năm 1946, Nguyễn Thị Định được bầu làm Ủy viên BCH phụ nữ tỉnh Bến Tre. Giữa lúc bà hăng say làm công tác phụ nữ, đi thăm hỏi, chăm sóc bộ đội thì được lệnh Tỉnh ủy gọi về. Bà được giao một nhiệm vụ mà trước đó bà không bao giờ nghĩ tới: Ra Bắc, gặp Bác Hồ và Chính phủ báo cáo tình hình sau Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Năm ấy, Nguyễn Thị Định mới vừa 26 tuổi, cảm nhận gánh trên vai nhiệm vụ vượt sức mình. Bà vừa thấy vinh dự vừa sợ mình không làm nổi. Tỉnh ủy phân tích nhiều lý do để chọn Nguyễn Thị Định ra miền Bắc. Được động viên, bà chuẩn bị mọi thứ lên đường …
Nguyễn Thị Định đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Chuyến đi này không những cung cấp cho Chính phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình thực tế của chiến trường Nam bộ mà còn đặt cơ sở cho cho công tác tổ chức chi viện miền Nam về sau này. Bà vui sướng được trở về cơ quan phụ nữ, tiếp tục cuộc chiến đấu gian khổ, biết bao lần đối mặt với cái chết trong gang tấc nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm, được nhân dân che chở, bà đã vượt qua. Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, Nguyễn Thị Định quyết định ở lại miền Nam, cắn răng đưa con trai ra Bắc. Người mẹ đứng trên bờ tiễn con, lòng tràn trề niềm tin và hy vọng. Bà đâu ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn…
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được kết nạp Đảng.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)
Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.
Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam
Năm 1965, bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bà là Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH). Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cuba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.
Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, Bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn, thọ 72 tuổi.
Ngày 30/8/1995, bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.