Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị (1-7-1989 - 1-7-2019): - Hồi đáp với dòng sông (Kỳ 1: 'Cầu vàng' nổi trên sông)

Ngày 1 - 7 - 1989, trong niềm háo hức chào đón sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã trở về với tên gọi thân thương, trìu mến. Đi qua bao bộn bề gian khó, vậy là đã 30 năm, Quảng Trị từ điểm xuất phát nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng nghèo nàn và xuống cấp, đến nay đã căng tràn sức sống với diện mạo đổi thay từng ngày. Bằng tất cả sự gắn bó và thương yêu tha thiết, chúng tôi tự hào được chia sẻ nhiều điều về mảnh đất mạnh mẽ, anh hùng này. Và một trong những điều lấp lánh ấy chính là cuộc "giải thoát" đò ngang cách trở hàng thế kỷ khi nhiều chiếc cầu mới lần lượt được dựng xây, như nói lời hồi đáp với dòng sông về một cam kết cho tương lai tươi sáng, khiến ai nấy trầm trồ, nhắc nhớ mãi.

 Cầu phao nối bờ Thạch Hãn đã mở ra bước ngoặt lớn cho người dân Triệu Độ.

Cầu phao nối bờ Thạch Hãn đã mở ra bước ngoặt lớn cho người dân Triệu Độ.

Khi bắt đầu hành trình về với những chiếc cầu lớn, nhỏ nối những dòng sông, cửa biển tại Quảng Trị được xây dựng trong 30 năm qua, chúng tôi đã hướng đến Triệu Độ (H.Triệu Phong) đầu tiên. Đây là xã nằm bên sông Thạch Hãn, nhìn sang bên tê bờ là phố thị Đông Hà nhộn nhịp, sầm uất. Cảm xúc chen lẫn, bất chợt ký ức khó quên một thời dưới mái trường THPT Đông Hà, khóa 1995 - 1998 cứ dội về. Lớp chúng tôi gom đủ bạn đến từ nhiều vùng quê Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong, là lớp duy nhất của chuyên ban khối C học hệ Anh văn 3 năm nên còn gọi vui là "lớp làng". Trong lớp có 2 bạn Tâm và Cảnh nhà ở xã nghèo Triệu Độ phải "cơm đùm gạo bới" trọ học. Bởi đường sá khó khăn, đạp xe đường bộ phải vòng vào TX Quảng Trị rồi ngược ra Đông Hà, đường nhanh nhất là đi đò qua sông từ bến Trung Yên (xã Triệu Độ) qua sông Thạch Hãn, nhưng không may nhỡ đò thì nghỉ luôn buổi học. Chưa kể, gặp lúc mưa to gió lớn, nguy hiểm đò ngang cũng chực chờ. Những năm gian khó đó, thế hệ anh chị của Cảnh nhiều người không dám học xa, hoặc bỏ dở việc học giữa chừng, và lắm ước mơ, khát vọng đổi đời cũng đành gác lại. Thế nên, câu chuyện chiếc cầu nổi trên mặt sông Thạch Hãn nối bến đò Trung Yên và phố thị Đông Hà trở thành kỳ tích, một bước ngoặt không thể không nhắc đến trong đời sống người dân bên bờ Thạch Hãn ấy. Điều đặc biệt hơn, đây là cầu phao đầu tiên tại Quảng Trị được xây dựng bởi những "nhà đầu tư" chân đất mà nhiều người vẫn đùa vui là cầu BOT của nông dân.

Đếm ngày đã đủ 16 năm, kể từ thời khắc cầu phao Triệu Độ được khánh thành, đưa vào sử dụng, dòng người qua về vẫn nườm nượp. Xe máy anh thợ ra phố, cô giáo từ phố về làng, chị em bán buôn, học trò ra tỉnh mỗi ngày 2 lượt đều đặn. Họ dừng lại "trạm BOT" trả phí, vui vẻ và ủng hộ. Được hỏi đến, người dân vẫn chưa quên gian nan thuở trước. Hơn 500 năm kể khi về bám rễ, lập làng, người dân nhiều đời tại An Lợi, Giáo Liêm... của xã Triệu Độ phải lụy đò từ bến Trung Yên để sang bên kia sông, nơi sầm uất tỉnh lỵ. Đó là nói gần là Triệu Độ, nói rộng ra thêm cả bà con nhiều xã Triệu Đại, Triệu Phước... của H.Triệu Phong. Giao thông khó khăn, cản trở kinh tế, đời sống của bà con.

Đó là vào năm 2002, tivi đưa tin, hình ảnh chiếc cầu nhỏ được làm từ 4 chiếc phao thùng phuy nhựa tại một vùng sông nước ở Quảng Bình. Với nhiều người, đó là chuyện thoảng qua nhưng với các ông Lê Văn Diện, Lê Đình Uynh, Trương Đăng Duệ, Phan Khắc Minh và anh Lê Quý (đều trú xã Triệu Độ) lại là gợi mở thú vị. Người ở thôn An Lợi, người thôn Giáo Liêm, Trung Yên nhưng họ đều gặp chung ý nghĩ xây cầu phao băng qua sông dài Thạch Hãn. Anh Lê Quý (hiện 52 tuổi), thời điểm đó 36 tuổi, người trẻ nhất trong nhóm vẫn còn nhớ như in sự háo hức của những "cổ đông" đặc biệt quyết định góp vốn xây cầu. Vì Quảng Trị chưa từng có hệ thống nổi tương tự nên ý tưởng của nhóm anh Lê Quý tưởng chừng như điên rồ. Nhất là độ dài chiếc cầu nối sông Thạch Hãn đến gần 200m, không phải chuyện chơi. Nhưng nghĩ đến con em vất vả qua sông rời làng lên phố học, như bản thân đã trải qua, cơ hội thành đạt trong cuộc sống giảm đi, còn chị em phụ nữ tần tảo mớ rau, rổ cá cũng lụy đò đến chợ, cảnh đau ốm bao phen suýt chết vì đường xa..., những cái khốn khó cứ thế bủa vây đã khiến nhóm quyết tâm dốc những đồng tiền chắt bóp, dành dụm hàng chục năm rồi vay mượn thêm để làm tới cùng.

Chúng tôi tìm gặp ông Lê Ngưu - nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, người hiểu rõ dự án cầu phao và luôn dõi theo những hiệu quả, tác động tích cực lên địa bàn. Ông Ngưu cho hay, trong điều kiện quê hương còn khó khăn, đóng góp nguồn lực từ dân như vầy vô cùng ý nghĩa, chính quyền xã thời điểm đó cùng lên huyện để trình bày dự án, và ông cũng trực tiếp tham gia. Đặc biệt, công trình này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ lãnh đạo tỉnh nên những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Do đây là hệ thống nổi đầu tiên được áp dụng tại Quảng Trị nên nhóm ngược xuôi tìm kỹ sư, thiết kế, học hỏi kỹ lưỡng... và hoàn thiện hồ sơ pháp lý khẩn trương cho việc thi công. Đến năm 2003, ngay trước mùa tựu trường, chiếc cầu phao đầu tiên qua sông Thạch Hãn nối trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà và vùng quê nghèo Triệu Độ đã chính thức đi vào hoạt động. Cầu dài 180 m, rộng 2,5m, sử dụng 534 chiếc phao nhựa, 35m3 gỗ nhóm 3, 18 tấn sắt thép với tổng kinh phí trên 850 triệu đồng.

Anh Lê Quý cho biết, mỗi năm cầu được duy tu, sửa chữa. Lúc mưa bão thì có phương án cuốn dời khẩn cấp. "Từ khi hoạt động đến nay, vấn đề an toàn qua cầu luôn được đảm bảo, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào", ông Lê Ngưu chia sẻ thêm. 16 năm qua, chiếc cầu phao Triệu Độ đã biến những ước mơ thành sự thật. Sự học của con em đã thay đổi rất nhiều. Thợ thầy làm nghề mộc, nghề nề thuận lợi trổ tài, xây lên những công trình gần xa, chị em buôn bán khấm khá... Ngay chính quê nhà, đời sống đã lên từ đây, nhà cửa khang trang hơn. Nhiều thầy cô từ Đông Hà về dạy học cũng quen đường qua đây, với họ, chiếc cầu còn khiến sự nghiệp trồng người của họ thêm ý nghĩa. Sau 16 năm, cống hiến của những nông dân Triệu Độ xây cầu thực sự không thể đo đếm được hết. Đó cũng là động lực để mấy năm sau, 4 nông dân ở H.Vĩnh Linh và Triệu Phong "góp vốn" xây chiếc cầu phao trên dòng Bến Hải, nối liền 3 xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thủy của H. Vĩnh Linh với H.Gio Linh. Những chuyến đò ngang nguy hiểm, cách trở đôi bờ cứ thế trôi vào dĩ vãng, nhường lại cho sự phát triển, đi lên.

(còn nữa)

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_208521_hoi-dap-voi-dong-song-ky-1-cau-vang-noi-tren-song-.aspx