Kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Tim mạch Việt Nam

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) đã có sự thay đổi cả về 'lượng' và 'chất'; trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông - Nam Á trong lĩnh vực tim mạch can thiệp.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Lá cờ truyền thống của Viện Tim mạch Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Lá cờ truyền thống của Viện Tim mạch Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (11-11-1989 - 11-11- 2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba đã được Viện Tim mạch Việt Nam trang trọng tổ chức sáng 8-11, tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Lá cờ truyền thống của Viện Tim mạch Việt Nam.

Cùng dự có Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe T.Ư Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể.

Tiền thân là Tổ Tim mạch, rồi Khoa tim mạch của Bệnh viện Mạch Mai, đến 11-11-1989, Bộ trưởng Y tế có quyết định thành lập Viện Tim mạch Việt Nam. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, trở thành viện chuyên khoa đầu ngành trên cả nước và ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong cả nước.

Mỗi năm, Viện điều trị nội trú cho hơn 20 nghìn bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng đến phức tạp. Đáng chú ý, Viện Tim mạch Việt Nam là đơn vị đi đầu trong triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới; là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyển môn cho các bệnh viện trong nước và quốc tế.

Với ba mũi nhọn: Tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch và cấp cứu - chăm sóc tích cực tim mạch, mỗi năm có hơn 12 nghìn lượt bệnh nhân được tiến hành can thiệp tim mạch. Viện đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông - Nam Á trong lĩnh vực này.

Đến nay, Viện Tim mạch đã thực hiện thường quy hàng chục kỹ thuật điều trị tiên tiến: nong van hai lá, nong và đặt Stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị bằng RF các rối loạn nhịp tim, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, bít ống động mạch bằng các dụng cụ qua da, đặt Stent Graft, thay van động mạch chủ qua da, sửa van hai lá qua da với MitraClip, mổ cầu nối chủ - vành, mổ phình, tách động mạch chủ... Việc thực hiện các kỹ thuật này đã cứu sống hàng chục nghìn người bệnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bên cạnh công tác chuyên môn, xây dựng và phát triển chuyên ngành tim mạch, Viện Tim mạch Việt Nam luôn đi đầu và là chỗ dựa vững chắc được Bộ Y tế tin cậy giao phó trách nhiệm trong các chương trình phòng, chống bệnh tim mạch ở cộng đồng, từ chương trình phòng thấp tim, chương trình mục tiêu quốc gia phòng và chống tăng huyết áp, chương trình quốc gia phòng và chống các bệnh tim mạch…

Những thành tựu quan trọng đó đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng và vai trò dẫn đầu của Viện Tim mạch Việt Nam đối với chuyên ngành tim mạch nói riêng và các bệnh lý không lây nhiễm nói chung trong cả nước.

Bộ trưởng Y tế đề nghị trong thời gian tới, Viện Tim mạch Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển sâu rộng và vững mạnh, thể hiện được vai trò dẫn dắt của một viện đầu ngành quốc gia trong việc giúp đỡ Bộ Y tế xây dựng quy hoạch phát triển ngành tim mạch và xây dựng đội ngũ nhân lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch trong toàn quốc.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng, hoàn thiện, ứng dụng và chuyển giao các kỹ thuật chẩn đoán điều trị mới, tiên tiến có hiệu quả trong tim mạch và các lĩnh vực có liên quan. Tiếp tục thực hiện xuất sắc công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng, công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến cho các bác sĩ và nhân viên y tế của các tuyến trong cả nước cũng như cho các nước trên thế giới có nhu cầu, đáp ứng mọi yêu cầu đổi mới nền y học Việt Nam, vững vàng hội nhập khu vực và thế giới.

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/42176102-ky-niem-30-nam-thanh-lap-vien-tim-mach-viet-nam.html