Kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Nỗ lực vì một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường

Ngày 28/7/2025 đánh dấu cột mốc quan trọng, kỷ niệm tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Nhân dịp này, Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân về quá trình tham gia, cũng như những đóng góp quan trọng, thiết thực của Việt Nam tại ASEAN.

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương trong một cuộc họp tại Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN)

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương trong một cuộc họp tại Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN)

Phóng viên: Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thời gian qua? Những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong ASEAN là gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương: Hành trình 30 năm tham gia ASEAN ghi dấu nỗ lực hội nhập sâu rộng cùng với đóng góp trách nhiệm của Việt Nam cho một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Từng bước học hỏi, thích nghi và tham gia với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đã vươn lên cùng các nước thành viên đóng góp định hướng con đường phát triển của ASEAN, định hình các tiến trình hợp tác của ASEAN.

Việt Nam không chỉ lắng nghe, mà kết nối; không chỉ đồng hành, mà góp phần dung hòa khác biệt, nhân lên điểm đồng giữa các quốc gia thành viên và giữa ASEAN với các đối tác, qua đó, đóng góp duy trì đoàn kết, thống nhất, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong thế giới đầy biến động.

Với nỗ lực tích cực của Việt Nam, ý tưởng ASEAN-10 quy tụ toàn bộ các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á đã được hoàn tất năm 1999. Từ đây, ASEAN có được thế đứng mới, các nước cùng gác lại những rào cản, chung tay hợp tác, mở rộng quan hệ với bên ngoài, đưa ASEAN trở thành một hạt nhân trong các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Các nghĩa vụ luân phiên trong ASEAN đã được Việt Nam hoàn thành xuất sắc: với vai trò nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), chỉ 3 năm sau khi gia nhập, chúng ta đã cùng các nước thành viên chèo lái, đưa ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 1997, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2020.

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34 (7/2000-7/2001), Việt Nam đã thúc đẩy các biện pháp cụ thể, thiết thực, triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển.

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 ghi nhận bước chuyển quan trọng của ASEAN trong việc biến tầm nhìn Cộng đồng ASEAN thành hành động, ra quyết định mở rộng thành phần tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và hình thành cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), củng cố và tăng cường cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước cơn bùng phát của đại dịch Covid-19, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED)…

Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (2009-2012), ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) (2012-2015), ASEAN-Ấn Độ (2015-2018) và ASEAN-Nhật Bản (2018-2021), ASEAN-Hàn Quốc (2021-2024) và hiện chúng ta đang điều phối hai đối tác ASEAN-Anh và ASEAN-New Zealand (giai đoạn 2024-2027).

Chung tay định hình con đường phát triển của ASEAN, Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xác định mục tiêu, hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có các văn kiện quan trọng như: Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, 2045 và các kế hoạch tổng thể về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, định hình “luật chơi” của khu vực, cùng ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy các tiến trình đối thoại và hợp tác, củng cố các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, từ đó củng cố môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tạo thuận lợi cho các mục tiêu phát triển của các quốc gia, tăng cường các khuôn khổ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Phóng viên: Thời gian qua, Việt Nam giữ vai trò điều phối quan hệ của ASEAN với rất nhiều đối tác quan trọng. Việt Nam đã làm gì để góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác này?

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương: Trong quá trình 30 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã đảm nhận vai trò luân phiên điều phối quan hệ giữa ASEAN với nhiều đối tác, trong đó có các đối tác quan trọng, đáng kể đến là: Trung Quốc (2009–2012), EU (2012–2015), Ấn Độ (2015–2018), Nhật Bản (2018–2021), Hàn Quốc (2021–2024), và hiện chúng ta đang điều phối hai đối tác Anh và New Zealand trong giai đoạn 2024–2027.

Trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (2009-2012), Việt Nam đã thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2005–2010, đồng thời đồng chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2011–2015; tích cực chủ trì, thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây là giai đoạn trùng thời điểm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, chúng ta đã kết hợp hiệu quả vai trò Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 với đồng chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 13 (Hà Nội, 29/10/2010), huy động sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc đối với nỗ lực triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thông qua Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về phát triển bền vững.

Với EU, nhiệm kỳ điều phối của Việt Nam (2012-2015) ghi nhận việc EU tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tháng 7/2012; chúng ta đã chủ động thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2013–2017, tăng cường hợp tác ASEAN-EU về kinh tế-thương mại-đầu tư, kết nối... với việc EU lập cơ chế đặc trách về hợp tác kết nối với ASEAN và tăng gấp đôi trợ giúp phát triển cho ASEAN giai đoạn 2014-2020.

Trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ (2015-2018), Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ (25/1/2018), xây dựng và thông qua Tuyên bố Dehli tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ; thúc đẩy hợp tác biển, trong đó khởi động hợp tác kinh tế biển xanh ASEAN-Ấn Độ.

Điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản (2018-2021), Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 21 kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác (Singapore, 14/11/2018), thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 45 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác; tổ chức thành công Ngày ASEAN-Nhật Bản lần đầu tiên (28/7/2019); tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản ứng phó đại dịch Covid-19, trong đó vận động thành công Nhật Bản hỗ trợ ASEAN lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), hỗ trợ Quỹ phòng chống Covid-19 của ASEAN.

Trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc (2021–2024), Việt Nam đã chủ động tham gia đóng góp quan trọng, thúc đẩy việc lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc (2024) nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ giữa hai bên; định hướng và đồng chủ trì nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác vì Hòa bình, Con người và Thịnh vượng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 22 (trực tuyến, 26/10/2021), và Tuyên bố chung về hợp tác trong Khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) (6/9/2023). Sáng kiến Ngày ASEAN-Hàn Quốc của Việt Nam (1/11/2023) cũng góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-Hàn Quốc và giao lưu văn hóa hai bên.

Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ ASEAN-New Zealand (giai đoạn 2024-2027). Trong năm 2025, năm đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN-New Zealand, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên ASEAN và New Zealand chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác, dịp Cấp cao ASEAN 47, thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung định hướng hợp tác ASEAN-New Zealand giai đoạn mới, hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) cũng như xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2026-2030 để triển khai cụ thể nội hàm Đối tác chiến lược toàn diện.

Trong vai trò Điều phối quan hệ ASEAN-Vương quốc Anh (giai đoạn 2026-2030), Việt Nam đang nỗ lực cùng đối tác Anh thúc đẩy hoàn tất triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-Anh giai đoạn 2022-2026, tới nay, đạt tỷ lệ thực hiện rất cao, 95%. Chúng ta đồng thời tích cực cụ thể hóa Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Anh năm 2024 về Hợp tác kết nối, cùng Anh trao đổi về kế hoạch kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Anh năm 2026, cũng như xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-Anh giai đoạn mới 2027-2031.

Thông qua các vai trò này, Việt Nam đã không chỉ đóng góp tích cực cho việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác mà qua đó, kết hợp thắt chặt quan hệ song phương và hợp tác hiệu quả với các đối tác này.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết định hướng tham gia ASEAN trong thời gian tới của Việt Nam là gì, nhất là trong việc góp sức cùng các nước hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới năm 2045 và giúp ASEAN vững vàng vượt qua những thách thức trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động nhanh chóng và khó đoán định hiện nay?

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương: Phát biểu chính sách nhân chuyến thăm chính thức tới Ban Thư ký ASEAN ngày 9/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, “ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam.” Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã “nỗ lực đóng góp hết sức mình vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường”. Ưu tiên của Việt Nam thời gian tới là “nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực”.

Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo đó, phát huy nền tảng tham gia đóng góp 30 năm trong ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục tư duy chủ động, hành động trách nhiệm, đóng góp tích cực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao các nguyên tắc cơ bản, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường và khả năng thích ứng của ASEAN trong môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động.

Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cùng các nước thành viên nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động, lấy người dân làm trung tâm đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2045.

Đóng góp đưa ASEAN thực sự trở thành tâm điểm của tăng trưởng ở khu vực, chúng ta sẽ cùng các nước thành viên mở rộng hợp tác trong ASEAN và với các đối tác, mở rộng không gian kinh tế khu vực với quy mô lên tới 2,3 tỷ người, chiếm 30% tổng GDP toàn cầu; tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường; tận dụng hiệu quả mạng lưới các thỏa thuận tự do hóa thương mại, đầu tư hiện có, khơi thông các động lực tăng trưởng mới, bắt kịp các xu hướng phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo, số hóa, phát triển xanh, bền vững.

Góp phần nâng cao năng lực tự chủ, tự cường của ASEAN trong môi trường khu vực và quốc tế đầy rủi ro, biến động, một mặt, chúng ta sẽ tích cực cùng các nước thành viên kết hợp hài hòa các lợi ích quốc gia với lợi ích chung của khu vực, gia tăng đan xen lợi ích giữa các nước thành viên, qua đó, tạo thuận lợi khi hình thành đồng thuận của ASEAN trên các vấn đề quan trọng, dung hòa khác biệt.

Mặt khác, cần củng cố và mở rộng các cơ chế hợp tác ứng phó các thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, đến dịch bệnh, rủi ro kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, an toàn, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... bảo đảm khả năng ngăn ngừa cũng như sẵn sàng ứng phó của ASEAN trong các tình huống khủng hoảng, khẩn cấp.

Chúng ta sẽ tiếp tục tham gia đóng góp tăng cường kết nối toàn diện khu vực cả về hạ tầng, thể chế và người dân, thông qua việc triển khai hiệu quả Kế hoạch chiến lược Kết nối ASEAN và Kế hoạch công tác về Thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn mới, bảo đảm các vùng, miền xa xôi, các cộng đồng dân cư đều được tiếp cận các cơ hội phát triển, trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, giao thông đi lại được thuận lợi. Phát triển đồng đều, bao trùm và bền vững là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN trong đó không quốc gia nào, không vùng miền nào, không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Để ASEAN tiếp tục là hạt nhân, lực lượng trung tâm trong các tiến trình đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả triển khai quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố vai trò, giá trị tồn tại của các diễn đàn do ASEAN chủ trì, dẫn dắt. Qua đó, ASEAN có thể phát huy vai trò, ảnh hưởng, tham gia tích cực, chủ động hơn tại các tiến trình toàn cầu, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mang tính thời đại.

Mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2045 tương đồng với khát vọng phát triển đất nước, vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Chúng ta vừa có lợi ích, vừa có trách nhiệm và sẽ không ngừng nỗ lực đóng góp thực hiện thành công các mục tiêu này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

NGUYỄN THỊ HÀ-MINH HẰNG (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-niem-30-nam-viet-nam-gia-nhap-asean-no-luc-vi-mot-asean-doan-ket-vung-manh-tu-cuong-post896837.html