KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20.11.1982 - 20.11.2022): Thầy cô giáo là trái tim của hệ thống giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các thầy cô giáo luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người và là tấm gương sáng về tình yêu thương, sẻ chia, trách nhiệm

Sáng 19-11, lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu". Qua đó, Thủ tướng nhắn nhủ mỗi thầy cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Ảnh: MINH THU

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Ảnh: MINH THU

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Các thầy cô cần năng động, sáng tạo trong dạy và học, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên.

"Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật..." - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non; giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại... để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

"Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác" - Thủ tướng khẳng định.

Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhận định dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Thầy cô chính là động lực, trái tim của hệ thống giáo dục. Khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng, Thủ tướng mong các thầy cô tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, kề vai sát cánh để đưa ngành giáo dục và đào tạo phát triển ngang tầm vị thế, vai trò đất nước.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ky-niem-40-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-20111982-20112022-thay-co-giao-la-trai-tim-cua-he-thong-giao-duc-20221119214017935.htm