Kỷ niệm 40 năm thắng lợi kế hoạch CM-12 tại Hòn Đá Bạc, Cà Mau

Tại lễ kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch CM-12 sáng nay tại Hòn Đá Bạc, tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Công An, Trung tướng Phạm Thế Tùng đã lưu ý nhiều vấn đề để CAND mãi xứng đáng là 'Thanh bảo kiếm'.

Sáng nay 9-9-2024, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm thắng lợi kế hoạch CM-12. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng nhiều tướng lĩnh, cựu tướng lĩnh lực lượng Công an nhân dân và đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân đến dự.

 Các tướng lĩnh Công an nhân dân tại buổi lễ Kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch CM-12 sáng nay ở Hòn Đá Bạc. Ảnh: CTV

Các tướng lĩnh Công an nhân dân tại buổi lễ Kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch CM-12 sáng nay ở Hòn Đá Bạc. Ảnh: CTV

Lực lượng Công an nhân dân quyết tâm xứng đáng là "thanh bảo kiếm"

Tại đây, các đại biểu đã ôn lại những trang lịch sử vẻ vang cách đây 40 năm của lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam trong Kế hoạch CM-12 và Chuyên án ĐN10. Đây là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Suốt 7 năm thực hiện chiến dịch phản gián - Kế hoạch CM-12 và chuyên án ĐN10, nhiều cán bộ chiến sỹ CAND đã vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu trí với kẻ địch và lập nên những chiến công to lớn. Chiến thắng CM-12 đã bẻ gẫy hướng tấn công chủ yếu của “kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” do bọn phản động quốc tế phát động để đảm bảo vững chắc an ninh, chính trị của đất nước.

 Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CTV

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CTV

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thắng lợi của Kế hoạch CM-12 đã làm thất bại ý đồ bao vây cấm vận của Mỹ và góp phần đánh bại âm mưu thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang và bài học quý báo từ thắng lợi của Kế hoạch CM-12 trong giai đoạn cách mạng mới, đại diện Bộ Công an đề nghị toàn lực lượng CAND cần tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt một số công tác trọng tâm, như: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự; xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại để mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm”.

Đồng thời, chú trọng phát huy mạnh mẽ vai trò sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và quán triệt sâu sắc lời thề “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” với phương châm đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết; tích cực đổi mới, hoàn thiện các biện pháp nghiệp vụ…

Chiến dịch phản gián lừng lẫy của Công an nhân dân

Theo nhiều tài liệu lịch sử, Kế hoạch CM-12 là một chiến dịch phản gián của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Hai chữ cái đầu của Kế hoạch CM-12 này là viết tắt của từ Cà Mau, con số 12 là ngày xuất phát của chiến dịch - tức ngày 12-5-1981.

Nội dung cốt lõi của chiến dịch là đón lõng và bắt giữ tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Tổ chức này đã cùng với sự hỗ trợ của tình báo Thái Lan và Trung Quốc, bí mật đưa gián điệp biệt kích, vũ khí từ nước ngoài vào, liên kết với các tổ chức chống chính quyền trong nội địa, tiến hành gây bạo loạn cướp chính quyền từng vùng để đi đến bạo loạn cướp chính quyền trên cả nước.

 Chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ Kỷ niệm kế hoạch CM-12 hôm nay 9-9-2024. Ảnh: CTV

Chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ Kỷ niệm kế hoạch CM-12 hôm nay 9-9-2024. Ảnh: CTV

Với sự mưu trí, khéo léo, lực lượng Công an nhân dân đã giả làm lực lượng biệt kích, thâm nhập để liên lạc với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, nhằm tiếp tục phát hiện lực lượng cũng như vũ khí và tiền của tổ chức này, đồng thời ngăn chặn các kế hoạch lật đổ chính quyền mà tổ chức này định thực hiện.

Kết quả, từ năm 1981 đến cuối năm 1983, Lực lượng An ninh thực hiện kế hoạch CM-12 đã buộc đối phương xâm nhập theo kế hoạch của Ban chuyên án, với 15 chuyến bằng đường biển với 30 lượt tàu vào vùng biển Cà Mau, bắt toàn bộ 126 "gián điệp", biệt kích từ nước ngoài về, thu 132.278 kg vũ khí, 299.750.000 đồng tiền giả... Lực lượng chống đối chính phủ đã bị buộc phải khai ra 10 tổ chức và một số đầu mối trong nội địa.

Ngày 9 tháng 9 năm 1984, hai con tàu thâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá. Lê Quốc Túy do bị bệnh nặng nên đã không đi cùng chuyến này. Kế hoạch CM-12 kết thúc.

Trần Vũ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-niem-40-nam-thang-loi-ke-hoach-cm-12-tai-hon-da-bac-ca-mau-post809210.html