Kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du
Ngày 16-11, Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du – Khoa Viết văn, Báo chí (1979-2019) với sự tham dự của đông đảo các thế hệ văn nghệ sỹ đã và đang công tác, học tập tại đây.
Sự kiện được tổ chức nhằm nhìn nhận và khẳng định những thành tựu, kết quả nổi bật của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây và Khoa Viết văn, Báo chí, Đại học Văn Hóa Hà Nội trong đào tạo sáng tác văn chương nghệ thuật, nghiên cứu phê bình và truyền thông báo chí; đồng thời tôn vinh, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên trong và ngoài khoa; những khát vọng và thành quả học tập, sáng tạo của các thế hệ học viên thuộc hai ngành viết văn và báo chí.
Trường Viết văn Nguyễn Du, sau này nhập vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và nay là Khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là cái nôi học tập, sáng tác của nhiều thế hệ văn nghệ sỹ đương đại.
Tại lễ kỷ niệm, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Viết văn, Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Khoa Viết văn, Báo chí của trường có tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du, khai giảng khóa đầu tiên năm 1979-1982.
Ngay từ những ngày đó, mô hình về một ngôi trường đặc biệt dành cho các nhà văn, nhà thơ đã được cộng đồng xã hội, cộng đồng văn chương quan tâm, chú ý. Trải qua 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây, Khoa Viết văn, Báo chí hiện nay đã và đang tổ chức đào tạo 16 khóa Cử nhân viết văn, ngành Sáng tác văn học với tổng số gần 400 học viên theo học.
Trong số này, đã có người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, nhiều người trở thành lực lượng nòng cốt trong các cơ quan văn học nghệ thuật, các nhà xuất bản, cơ quan báo chí truyền thông…
Từ năm 2010 đến nay, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm đào tạo viết văn, trong xu thế đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa đào tạo thêm chuyên ngành viết báo. Như vậy, bên cạnh các sinh viên viết văn lãng mạn, tài hoa, Khoa có thêm những lứa sinh viên báo chí trẻ trung, năng động, những cây bút dần khẳng định mình trong làng báo chí truyền thông.
40 năm lịch sử, từ Khoa viết văn thuộc trường Lý luận nghiệp vụ (tiền thân của Đại học Văn hóa Hà Nội), rồi Trường Viết văn Nguyễn Du, Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học đến nay là Khoa Viết văn, Báo chí thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một hành trình thăng trầm với nhiều thay đổi vất vả về quy mô, cách thức đào tạo và không phải lúc nào cũng thuận chèo xuôi mái.
Nhưng có một điều đã thành truyền thống, được hình thành kết tinh qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của trường Viết văn Nguyễn Du – Khoa Viết văn, Báo chí ngày nay, đó là tinh thần đề cao học tập, đam mê sáng tạo nhân văn…
Với tinh thần ấy, các thế hệ lãnh đạo trường Viết văn Nguyễn Du đã chủ trương mời những người thầy giỏi đến trao truyền kinh nghiệm và tri thức cho các sinh viên. Đến nay, nhiều thế hệ học sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du và Khoa Viết văn, Báo chí vẫn nhắc nhớ đến hình ảnh những người thầy đặc biệt với ánh sáng và trí tuệ, nhân cách đã vun đúc cho các học viên niềm đam mê học vấn và sáng tạo chữ nghĩa, đó là các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng… các học giả, nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực như Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Đặng Thai Mai, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chú…
Từ nơi đây, nhiều thế hệ học viên của Khoa đã trưởng thành, đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống văn chương, báo chí của đất nước, góp phần lan tỏa giá trị tri thức và phong cách Trường Viết văn Nguyễn Du, Khoa Viết văn, Báo chí. Với tinh thần ấy, nên cho dẫu thời gian có nhiều thăng trầm, thay đổi thì dường như ở nơi đây có một “Văn mạch Nguyễn Du” vẫn chảy, hòa cùng văn hóa, văn chương của dân tộc và thời đại.
“Chúng tôi, những người đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngôi trường này luôn cảm thấy hãnh diện, song cũng nhận thức rõ trách nhiệm và thử thách của mình trong việc tiếp tục duy trì và khơi nguồn mạch ấy được rộng dài, lan tỏa mãi”, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Thủy - Phó Trưởng khoa Viết văn, Báo chí khẳng định.
Trong 40 năm qua, nhiều thế hệ học viên, sinh viên của trường đã trở thành những văn nghệ sỹ nổi tiếng. Trong số đó, tiêu biểu có các nhà văn, nhà thơ như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Ðỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Thị Kim Cúc, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... Nhiều cây bút trẻ tốt nghiệp từ Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học (nay là Khoa Viết văn - Báo chí) cũng đã và đang có những đóng góp vào hoạt động của nền văn học, báo chí nước nhà.
Nhà thơ Hữu Thỉnh,Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, năm 1979, Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập với sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ. Tổng cục Chính trị lúc đó đã tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sỹ từ các chiến trường được đi học. Khóa học đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du có 44 thành viên, trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh. Tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhiều chia sẻ xúc động với tư cách là một sinh viên cũ của trường, về những kỷ niệm khi ông theo học tại đây.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Quân đội nhân dân cho biết, ông là học viên khóa IV của Trường Viết văn Nguyễn Du và được học ở ngôi trường đặc biệt này là may mắn với ông. Ở ngôi trường này, lần đầu tiên, ông được tiếp xúc và được học hỏi từ những người thầy là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nổi tiếng.
“Từ ngôi trường này, chúng tôi thấy được thế mạnh của mình, nhưng cũng thấy cả những nhược điểm, khiếm khuyết, thậm chí những sai lầm “ngớ ngẩn” trong những sáng tác trước đó của mình”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Trải qua thời gian, các thế hệ thầy trò của Trường Viết văn Nguyễn Du trước kia, Khoa Viết văn, Báo chí hiện nay vẫn luôn tự hào và khẳng định vị trí, uy tín của mình trong sự phát triển của Đại học Văn hóa Hà Nội và của giáo dục đại học Việt Nam.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/ky-niem-40-nam-truong-viet-van-nguyen-du-570247/