Kỷ niệm 43 năm thành lập Báo Bình Thuận (27/10): Hai cuộn phim bất ngờ
Chuyến công tác đột xuất không hẹn trước lên huyện miền núi Đức Linh cách đây khá lâu, đã để lại một kỷ niệm bất ngờ làm tôi nhớ mãi trong đời phóng viên.
Kỷ niệm 43 năm thành lập Báo Bìn
Bởi không chuẩn bị trước nên tôi chỉ đem một cuộn phim Konica cùng chiếc máy ảnh Praktica cũ kỹ, thời chụp máy phim còn thịnh hành. Buổi sáng, Khải - anh bạn công tác ở UBND xã Tân Hà (Đức Linh), dẫn tôi đi thực tế hồ Tân Hà. Ngồi trên chiếc xuồng thong dong quanh hồ, tôi đã nhanh chóng bấm hết cuộn phim trước cảnh đẹp thơ mộng hồ nước trong xanh, lồng bè trên hồ…
Ở cái huyện miền núi này việc đi mua phim để chụp hình thật khó khăn. Khải chở tôi chạy gần mười cây số dọc đường tỉnh lộ ngang qua xã Tân Hà nhưng không tìm đâu ra điểm bán phim; ngoại trừ vài cửa hiệu nhiếp ảnh họ chỉ dành phim chụp đám cưới, tiệc tùng… Còn về thị trấn Đức Tài - trung tâm huyện Đức Linh, chúng tôi phải đi thêm gần 20 km nữa…
Lúc ấy, bất chợt Khải nhớ ra thầy Nguyễn Văn Được chụp ảnh nghiệp dư trong xã, thầy dạy ở Trường THCS Tân Hà, kiêm mở lớp vi tính cho học sinh nghèo xã Tân Hà, Trà Tân. Là người quen của Khải, thầy Được vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ khi chúng tôi ngỏ ý mua lại phim để dành của thầy.
Thật bất ngờ thầy đem ra 2 cuộn phim Konica còn mới trong hộp, đưa cho tôi và nói: “Mình chưa cần lắm, em cầm mà dùng”. Tôi xin phép gửi tiền phim cho thầy nhưng thầy ân cần nói: “Thôi, lần đầu quen biết, tặng anh em làm báo tỉnh nhà. Hẹn lần sau gặp lại ở TP. Phan Thiết!”. Tôi thật xúc động trước tấm lòng chân thành của thầy.
Trong những ngày công tác ở Đức Linh, nhờ 2 cuộn phim của thầy Được tặng, tôi có điều kiện chụp được nhiều tấm hình tư liệu quý giá, phản ánh kịp thời những bức xúc của người dân huyện miền núi Đức Linh. Đó là cảnh đoạn đường “đập tràn Tân Hà” rất nguy hiểm đối với người dân địa phương đi làm rẫy mỗi mùa mưa lũ; đường tỉnh lộ ĐT.766 ở Đức Linh (đoạn Trà Tân - Mê Pu) nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn giao thông, cũng như không ít người điều khiển xe máy chở 3- 4 người phóng bạt mạng trên tuyến đường này; cảnh hoang tàn cây sen ở Đức Linh sau cơn mưa lũ; cảnh những lò gạch ngói Sùng Nhơn hoạt động “tự nhiên” không chịu vào làng gạch ngói quy hoạch của xã…
Nhiều tấm ảnh, chùm ảnh đã được đăng báo cũng như minh họa cho bài viết trên Báo Bình Thuận. Qua đó các cấp, ngành liên quan đã từng bước khắc phục kết cấu hạ tầng còn bất cập của huyện… Bây giờ, không ít tấm ảnh tư liệu quý giá ấy tôi vẫn còn lưu giữ như một kỷ niệm với người thầy mới quen trong một lần tình cờ gặp gỡ.
Đi làm báo về cơ sở thu thập tư liệu luôn có điều khó khăn không lường trước hết đối với phóng viên, nhất là phóng viên trẻ, mới vào nghề. Tuy nhiên trong những cảnh đời ta gặp, những con người được tiếp xúc, vẫn còn đó những người quý trọng báo chí, ân cần giúp đỡ chúng ta (có khi là điều nhỏ nhất)- đó là niềm vui, động viên cho những người làm báo .
Thụy Khanh