Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Thanh niên Thủ đô tiếp lửa truyền thống

Sáng 30/4, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức chương trình công chiếu phim tài liệu 'Dấu ấn lịch sử', với sự tham gia của các cá nhân trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

1 ngày bằng 20 năm

Bức điện số 157 ngày 7/4/1975 truyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị đang trên đường hành quân giải phóng miền Nam với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Khi nhận thấy thời cơ đã đến, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bước phát triển mới của cách đánh sử dụng tập trung lực lượng trong một chiến dịch tiến công nhằm tạo thế áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của quân ngụy. Với 5 cánh quân, cùng với các lực lượng vũ trang Nhân dân địa phương đồng loạt tiến công phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, Tham mưu trưởng đầu tiên Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, Tham mưu trưởng đầu tiên Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sống lại cùng lịch sử, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, Tham mưu trưởng đầu tiên Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nói đến ngày 30/4/1975, trước hết bắt đầu là cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ đã có một tuyên bố đặc biệt là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là lời hiệu triệu đi vào trái tim của những thanh niên lúc bây giờ, quyết tâm cùng với toàn dân thực hiện được mục tiêu Bác Hồ đề ra”.

Chỉ trong hơn một ngày (ngày 29 đến sáng 30/4), 5 cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến vào cùng một lúc, đánh chiếm 5 mục tiêu chiến lược của Sài Gòn, cả miền Bắc và miền Nam vỡ òa trước một thắng lời bất ngờ. “Bất ngờ đến nỗi đồng chí Lê Duẩn nói 1 ngày bằng 20 năm” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ.

Sau 45 năm chiến thắng hào hùng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh: “Tôi mong rằng, sau 45 năm và hàng trăm năm nữa, thanh niên Việt Nam luôn mang theo dòng máu Lạc Hồng để hun đúc truyền thống văn hóa”.

Thế hệ trẻ trong thời đại mới

45 năm non sông liền một dải, Việt Nam đang tiến những bước dài trong công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước. 45 năm qua, từ trang sử chói lọi ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đoàn kết một lòng tiến hành thành công công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu.

Giờ đây, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang tỏa sáng trong việc thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

 Thanh niên Thủ đô chung tay phòng, chống Covid-19.

Thanh niên Thủ đô chung tay phòng, chống Covid-19.

Những ngày tháng 4 năm nay, mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa lại được vận dụng vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Nhắc lại tinh thần như trong bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 7/4/1975 là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, sắp tới mặt trận giải phóng miền Nam quyết chiến và toàn thắng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Tinh thần này cần được vận dụng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta”.

Từ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm nhất. Nhiều biện pháp đã được triển khai, nhiều chủ trương được thực hiện từ nơi tuyến đầu đến hậu phương, từ cán bộ đến người dân bình thường, tất cả đều thấy mình như trách nhiệm hơn, tự giác hơn, yêu thương và đoàn kết hơn.

45 năm trôi qua, cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và Thanh niên Thủ đô nói riêng đã không ngừng cống hiến sức trẻ, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước với những phong trào hành động cách mạng tiêu biểu.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến hàng ngày, hàng giờ như hiện nay, phòng tuyến áo xanh đã được người trẻ Thủ đô lập nên vững chắc, cùng hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu phòng dịch cùng cả xã hội đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh gian khổ và ác liệt của quân và dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Dấu mốc 30/4/1975 đã mở ra một trang sử chói lọi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Cá nhân tôi cũng như các bạn trẻ, chúng ta không được chứng kiến trực tiếp giờ phút cả dân hân hoan trong đại thắng và không khí đất nước chọn niềm vui. Nhưng, chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần, khí thế đoàn kết.

Với những người trẻ, thế hệ trẻ luôn luôn trân trọng và cảm thấy tự hào các giá trị tốt đẹp mà các thế hệ cha anh đã để lại".

 Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: “Trong những người con ưu tú của dân tộc, chúng ta cũng tự hào bởi những người con ưu tú, thanh niên Thủ đô luôn có tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; 3 sẵn sàng 3 đảm đang đã vào huyền thoại; tinh thần xếp bút nghiên đi đánh Mỹ. Những tinh thần đó như ngọn lựa để truyền lại cho thế hệ trẻ”.

Bên cạnh tiên phong trong lĩnh vực xây dựng tri thức, thanh niên Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là những lực lượng đi đầu trong phong trào tình nguyện. Lịch sử đã chứng minh, thanh niên Thủ đô là những lực lượng gương mẫu, dẫn dắt phong trào tình nguyện. Đặc biệt gần đây, màu áo xanh tham gia cùng cả thệ thống chính trị chiến đấu, chiến thắng dịch Covid-19.

“Thời nào cũng có hoàn cảnh lịch sử, khi đất nước chống giặc, thế hệ thanh niên đã có trách nhiệm, tình yêu. Tôi mong rằng trong trái tim thanh niên sẽ luôn duy trị ngọn lửa ấy” - Nhà giáo Nguyễn Quý Lăng - Nguyên Giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi, chiến sĩ trung đoàn xe thăng 574, quân khu 5, tác giả ca khúc “Mãi mãi tuổi 20”.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-niem-45-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thanh-nien-thu-do-tiep-lua-truyen-thong-382936.html