Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa: Bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc
Sau giải phóng trên đất liền, Quân đội đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng Hải quân Việt Nam mở hướng tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối.
Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng thời với việc giải phóng các tỉnh, thành phố ở đất liền, trong kế hoạch tác chiến và chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra nhiệm vụ tiếp quản các đảo trên Biển Đông từ rất sớm.
Lịch sử hào hùng
Ngày 4/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa do quân đội ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ. Bức điện ghi rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Đại tá Hoàng Chiến Nở (sinh năm 1952), nguyên Phó Chỉ huy trưởng chính trị, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai kể lại: năm 1975, lúc ấy tôi 23 tuổi, giữ chức vụ chuẩn úy – trung đội trưởng Tiểu đoàn 2, Đại đội 5, Trung đoàn 95 Quân khu 5. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Khánh Hòa, tối 10/4, tôi theo tàu đánh cá của ngư dân đi từ Nha Trang ra đảo. Thời gian di chuyển đúng 4 ngày 3 đêm đến đảo Song Tử Tây. Lực lượng của ta lúc đó đóng giả làm ngư dân trên tàu đánh cá nên trong quá trình di chuyển không bị địch phát hiện.
“Khoảng 3 giờ sáng 14/4 các mũi, các hướng được xuồng cao su đưa quân áp sát vào đảo Song Tử Tây. 4 giờ 30 sau khi nghe tiếng súng lệnh ở phía Tây đảo, tất cả đồng loạt nổ súng tấn công. Đối với mũi chúng tôi làm nhiệm vụ, đồng chí Đinh Quốc Lập (nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 2, Đại đội 5, Trung đoàn 95, Quân khu 5) đã bắn quả B41 vào lô cốt của địch và tấn công nhiều hướng khiến cho địch hoang mang, hoảng sợ. Địch chống trả yếu ớt, nhanh chóng đầu hàng, quân ta diệt và bắt 33 tên địch. Đến 5 giờ 30 phút cùng ngày, chúng ta kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trên đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”, Đại tá Hoàng Chiến Nở nhớ lại.
Thượng sĩ Đinh Quốc Lập, người trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Song Tử Tây và được kết nạp Đảng tại đảo cho biết, ngày 24/4 thời tiết trên đảo rất đẹp, dưới hàng dừa xanh trên đảo Song Tử Tây, cùng với lá cờ Đảng được treo ở thân cây dừa, tôi đã được chuẩn y kết nạp và đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chứng kiến của những đồng đội kề vai sát cánh với mình.
“Là người lính đầu tiên được kết nạp trên đảo Song Tử Tây, khi ấy tôi mới 20 tuổi, đó là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn, không giây phút nào tôi quên", Thượng sĩ Đinh Quốc Lập xúc động.
Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Chớp thời cơ, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng này được chia làm 3 mũi, chuẩn bị đổ bộ lên đảo. 1 giờ 30 phút, quân ta đổ bộ xong, bắt đầu trinh sát đảo. 2 giờ 30 phút, ta nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt, rồi hốt hoảng bỏ chạy, đầu hàng. 3 giờ ngày 25/4, quân ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang của chúng.
Sau chiến thắng “thần tốc” của quân ta tại hai đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Quân địch tại đảo Nam Yết hoảng sợ chống trả yếu ớt. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào 10 giờ 30 phút ngày 27/4, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết.
Sau khi nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng 27/4, nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Đúng 10 giờ 20 phút ngày 28/4, chúng ta làm chủ đảo hoàn toàn. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn đặc công 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
Từ đó, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành.
Xây dựng và giữ vững chủ quyền Tổ quốc
Trường Sa có một phần đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, do lực lượng Hải quân đóng tại Vùng 4 (Cam Ranh, Khánh Hòa) có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo chiến lược. Những năm qua, phát huy chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm vững tình hình nhiệm vụ; xác định rõ đối tác, đối tượng và các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài; tư tưởng chỉ đạo, phương châm, đối sách xử trí các vấn đề trên biển của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, Vùng 4 Hải quân luôn coi trọng giáo dục cho bộ đội về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, đặc biệt là chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.
Theo Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Thượng tá Trần Mạnh Chiến, đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp tàu, đại đội, hải đội, tiểu đoàn và tương đương về chiến thuật, kỹ thuật, trình độ tổ chức chỉ huy nhằm nâng cao năng lực ứng phó, xử trí các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Các đơn vị, nhất là khối đảo và khối tàu chủ động huấn luyện thành thạo chiến thuật từ cấp trung đội đến tiểu đoàn; tích cực làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại đồng thời tăng cường huấn luyện khả năng cơ động, hiệp đồng và huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp…
Cùng với đó, để tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, liên hoàn bờ-biển-đảo, Vùng 4 Hải quân duy trì nghiêm chế độ, nền nếp và hệ thống trực sẵn sàng chiến đấu; tích cực tổ chức luyện tập, diễn tập, qua đó bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng xử trí tốt các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa Lê Đình Hải chia sẻ, chiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Quân khu 5, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trở thành một mốc son lịch sử, là một đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa Xuân 1975. Phát huy tinh thần chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, làm điểm tựa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuộc sống hôm nay trên đảo Song Tử Tây, một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có nhiều đổi mới, anh Thái Minh Khai, hộ dân sinh sống trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chỉ huy của tỉnh Khánh Hòa, đảo Song Tử Tây và sự nỗ lực cố gắng của gia đình, cuộc sống ở đây đã ổn định. Gia đình mong muốn tiếp tục được sinh sống trên đảo và ra sức phấn đấu rèn luyện cùng các cán bộ, chiến sỹ trên đảo xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Nguyễn Thế Hùng Linh, các hộ dân nơi đây đã ổn định cuộc sống, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động của cộng đồng trên đảo như: vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, khu vực biển, chăn nuôi gia súc gia cầm, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, phối hợp tốt với chính quyền và cán bộ chiến sĩ trên đảo thực hiện các công việc, hoạt động, góp phần tạo sự bình yên của đảo và đất nước.