KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY BÁO LÂM ĐỒNG PHÁT HÀNH SỐ ĐẦU TIÊN (19/8/1977 - 19/8/2024): Kỷ niệm hành trình đến với đảo xa
Đã 7 năm trở về từ chuyến đi Trường Sa tác nghiệp cùng đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng (năm 2017), nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn những dư âm của biển khơi, của nắng gió và của những con người kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió. Mỗi lần nhớ lại, hình ảnh những hòn đảo giữa trùng khơi, những gương mặt rám nắng của các chiến sĩ lại hiện lên thật rõ nét.
Tôi nhớ cái cảm giác hồi hộp, lo lắng pha lẫn háo hức khi con tàu rẽ sóng tiến ra vùng biển khơi bao la của Tổ quốc. Cảnh vật xung quanh lúc đó thật khác biệt, không còn những tòa nhà cao tầng, những con phố đông đúc mà thay vào đó là một màu xanh bao la của biển, trời.
Chuyến đi tác nghiệp cùng với đoàn công tác của tỉnh đã đưa tôi đến với 14 đảo và nhà giàn trong số rất nhiều những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi tôi được chứng kiến cuộc sống và tinh thần của những người lính đảo anh hùng. Giữa lòng Biển Đông bao la, những hòn đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa hiện lên như một biểu tượng bất khuất của dân tộc, khẳng định chủ quyền quốc gia.
14 ngày lênh đênh trên biển trải qua cả những ngày bão, tàu phải đi ngang, nhưng tôi không hề bị say sóng hay mệt mỏi, trái lại, mỗi sớm mai thức dậy, khi được ngắm mặt biển bao la, tôi lại cảm thấy mình tràn đầy năng lượng và sẵn sàng cho một ngày tác nghiệp mới. Giữa biển khơi, tiếng sóng vỗ rì rào như một bản giao hưởng, luôn thôi thúc tôi muốn khám phá từng ngóc ngách của biển, đảo quê hương. Cảm giác được hòa mình vào gió biển, được chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ của biển, đảo, được khám phá những câu chuyện oai hùng của những người lính nơi đầu sóng, ngọn gió thật khó lời nào tả hết được, cảm giác ấy đã tiếp cho tôi năng lượng, xua tan mọi mệt mỏi của một người con từ đất liền lần đầu ra đảo.
Cuộc sống trên đảo, trên biển diễn ra chậm rãi, bình yên, nhưng đằng sau vẻ bình dị ấy là cả một câu chuyện về sự hy sinh, lòng yêu nước và tinh thần lạc quan của những người lính hải quân
Đại tá Lê Xuân Thủy - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân thời điểm đó cho biết: Vào mùa mưa bão, các đảo chìm luôn phải đối mặt với những cơn sóng cao vài chục mét. Đảo nào đã được đầu tư xây dựng hệ thống chắn sóng thì còn đỡ. Ở những đảo như Tốc Tan, Len Đao và Núi Le cơ sở hạ tầng còn khá đơn sơ, thì mùa bão là mùa “diễn tập” chiến đấu. Bởi lúc đó, anh em ngoài việc tăng cường canh gác bảo vệ đảo, tìm cách che chắn để nước biển không ập vào nhà, bảo vệ các thiết bị quân sự, đồ điện máy gia dụng, vườn rau xanh,... còn phải làm nhiệm vụ quan trọng là túc trực sẵn sàng ra khơi hỗ trợ ngư dân gặp bão và lai dắt tàu vào vùng an toàn, bảo vệ tài sản cho dân. Và, ở tất cả các đảo chìm, chúng tôi đến là Núi Le, Tốc Tan, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây... đều có những tấm gương các chiến sĩ tham gia tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Có cả những tấm gương chiến sĩ vì bảo vệ, giúp đỡ ngư dân đã nằm lại giữa biển khơi.
Những ngày trên đảo, tôi đã có cơ hội trò chuyện với nhiều người lính đảo, họ là những người con của đất liền được sinh ra ở khắp mọi miền Tổ quốc và là những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc khi tuổi chỉ mới đôi mươi. Qua những câu chuyện của họ, tôi càng thêm hiểu về ý nghĩa cao cả của những người lính đang làm nhiệm vụ ở tiền tiêu. Tôi còn nhớ những câu chuyện các chiến sĩ đảo chìm kể về cách họ vượt nắng, đối đầu với bão ở đảo. Gian khổ, khó khăn ở đảo giống như những ngọn sóng ngầm, tưởng êm đềm nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nổi lên rồi đổ ập vào đảo. Nhưng giữa biển trời khắc nghiệt ấy, các chiến sĩ trẻ vẫn bình tĩnh, dũng cảm và kiên định nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sống xa nhà, xa người thân, trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng những người lính đảo luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời. Họ coi đảo như nhà, coi đồng đội như anh em ruột thịt. Trong những buổi trò chuyện với tôi, họ chia sẻ về cuộc sống, về ước mơ, về tình yêu đất nước. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng một thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi tham gia lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Không khí trang nghiêm, xúc động bao trùm lấy cả đoàn. Hình ảnh những bông hoa tươi được thả xuống biển, câu chuyện kể về sự hy sinh của các chiến sĩ năm xưa và những lời thề nguyện bảo vệ biển, đảo quê hương khiến tôi và những người tham dự hôm ấy không khỏi nghẹn ngào. Đó là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về những hy sinh to lớn mà các thế hệ đi trước đã dành cho Tổ quốc.
Cuộc sống trên đảo cho mãi đến bây giờ vẫn không hề dễ dàng. Các chiến sĩ phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nước ngọt, sóng gió, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, họ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và cuộc sống. Những buổi chiều cùng nhau câu cá, trồng rau, hay đơn giản chỉ là trò chuyện về gia đình, quê hương trong đất liền đã trở thành những thời gian chia sẻ quý báu và đáng nhớ.
Sau chuyến đi ấy trở về, tôi mang theo trong lòng rất nhiều cảm xúc về cuộc sống và về tình yêu, lòng tự hào về đất nước. Đó là niềm tự hào về những dải biên cương gấm vóc của đất nước, về những người lính đảo và hơn hết, chuyến đi đã vun đắp thêm cho tôi tình yêu đối với biển, đảo quê hương và tinh thần, tình yêu sâu sắc và mạnh mẽ hơn với cuộc sống, với công việc mà mình đang làm.