Kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Tối ngày 10/9, tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/6/1973 - 6/6/2023).
Dự buổi lễ có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Cách đây 50 năm, ngay sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một trong 4 bên tham gia ký kết Hiệp định Paris đã chuyển trụ sở từ Tây Ninh ra vùng giải phóng Quảng Trị. Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã vinh dự được chọn làm nơi đóng trụ sở.
Trong thời gian chỉ 3 năm (1973-1976), nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Quảng Trị đã có những đóng góp quan trọng cùng quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn và Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Nam - Bắc.
Sau nửa thế kỷ Quảng Trị được vinh dự chọn là nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị luôn trăn trở, vượt qua những khó khăn để đi lên cùng cả nước trong xây dựng kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng, trong những năm qua, với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, đi sau nhưng với tầm nhìn vượt trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo và đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh".
"Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức trung bình của cả nước. Du lịch có bước phát triển hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng cảnh được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và giữ gìn, khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, Cồn Cỏ của một thời hoa lửa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị. Đường 9 năm xưa “gọi ta đi đánh giặc” nay là con đường Xuyên Á, kết nối Thái Bình Dương với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông rộng lớn. Đặc biệt, nhân dân Quảng Trị, đã thực hiện tốt việc chăm sóc hương hồn của trên 6 vạn anh hùng liệt sĩ, làm ấm lòng những gia đình đang có người thân yên nghỉ tại mảnh đất linh thiêng này", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết: "Ngoài những tiềm năng sẵn có thì với Quảng Trị, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Tỉnh Quảng Trị đã anh hùng trong chiến đấu, thành công trong kiến thiết, dựng xây... Đảng bộ tỉnh từng được tôi luyện qua thử thách, phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa Quảng Trị bứt phá đi lên. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Quảng Trị ngày càng phát triển đi lên, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".