Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ

Chiều 27-7, tại TP. Nha Trang, Ban liên lạc Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ (29-7-1974 - 29-7-2024). Đến dự có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao); cùng các nghệ sĩ thành viên của đoàn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Đinh Văn Thiệu trao tặng lẵng hoa chúc mừng các thành viên Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống.

Ông Đinh Văn Thiệu trao tặng lẵng hoa chúc mừng các thành viên Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống.

Tại buổi kỷ niệm, mọi người đã cùng nhau xem lại một số trích đoạn dân ca kịch bài chòi, cũng như ôn lại truyền thống, quá trình hình thành và phát triển của đoàn. Từ cuối năm 1971, theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Khu 5, Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa chủ trương mở lớp đào tạo diễn viên, nhạc công dân ca kịch bài chòi Khu 5, chuẩn bị cho việc thành lập đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Lớp học có 54 học viên, trong đó có 24 học viên từng là chiến sĩ giải phóng quân ở chiến trường miền Nam được ra miền Bắc an dưỡng, học tập, cùng với 30 học viên là những học sinh cấp 2, cấp 3 ở tỉnh Thanh Hóa. Sau 3 năm học tập, đến ngày 21-7-1974, lớp học được Bộ Văn hóa ra quyết định thành lập Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5B. Đến ngày 29-7-1974, đoàn nhận lệnh của Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa lên đường vào miền Nam phục vụ cho quân, dân Khu 5.

Các nghệ sĩ của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ một thời diễn lại màn 5 của vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.

Các nghệ sĩ của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ một thời diễn lại màn 5 của vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.

Ngày 15-9-1974, Ban Tuyên huấn Khu 5 đã đổi tên đoàn thành Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ cho phù hợp với điều kiện thực tế ở chiến trường và lấy ngày 29-7-1974 làm ngày truyền thống của đoàn. Trong những tháng ngày kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đoàn đã liên tục hành quân biểu diễn khắp các chiến trường ở tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ tháng 10-1975, Đoàn Dân ca kịch khu Trung Trung Bộ được Ban Tuyên huấn Khu 5 điều động chi viện cho tỉnh Khánh Hòa và được đổi tên thành Đoàn Dân ca kịch Khu 5 tỉnh Khánh Hòa - tiền thân của Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh ngày nay). Những vở diễn gắn với tên tuổi của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tấm vóc đại hồng, Đội kịch chim chèo bẻo, Một mạng người, Tấm phà, Lá cờ, Sáu cô tiếp vận… Đoàn cũng để lại những tên tuổi nghệ sĩ được khán giả nhiều thế hệ yêu mến, gồm: NSND Phùng Thị Bình, NSND Linh Nhâm, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, NSƯT Hoàng Minh Tâm, NSƯT Nguyễn Văn Khánh… Những thành viên của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ chính là những người đã đặt nền móng cho nghệ thuật dân ca kịch bài chòi ở tỉnh Khánh Hòa.

N.T

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202407/ky-niem-50-nam-ngay-truyen-thong-doan-dan-ca-kich-giai-phong-khu-trung-trung-bo-a116dc5/