Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022): Những kỷ niệm một thời để nhớ

Trân trọng giới thiệu bài viết của Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 (1968 -1972), Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên phóng viên TTXVN Phan Khôi, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) nhan đề ' Những kỷ niệm một thời để nhớ '. Bài này đăng trên sách 'MỘT THỜI ĐỂ NHỚ' (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Những kỷ niệm của ngày đầu nhập trường của tôi vào giảng đường Đại học vẫn in đậm trong tim. Năm tháng trôi qua nhưng những kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm nào.
Một chú bé loắt choắt , sinh ra từ miền Trung nắng lửa , da đen sạm nắng gió , tính tình hiền lành thân thiện nhưng cũng rất láu lỉnh nên ai cũng dễ mến. Tôi nhớ vào một ngày mùa Thu, ngày 20 tháng Tám năm 1968 là ngày nhập trường . Tôi chưa thể hình dung ngày nhập trường ở Hà Nội như thế nào. Hôm đó, tôi được chị gái dẫn đến cổng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở số 19 Lê Thánh Tông để gặp Ban giám hiệu .

Phan Khôi (ngoài cùng bên phải).

Phan Khôi (ngoài cùng bên phải).

Sau khi trình đủ giấy gọi nhập học cho cán bộ phụ trách của Khoa Lịch Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội ), tôi được người phụ trách căn dặn hôm sau phải lên gặp người quản lý ở Hiệu bộ nhà trường sơ tán về huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên . Tôi gặp nhiều bạn đồng môn cùng nhập học nhưng chưa quen biết ai. Tôi chia tay chị gái rồi cùng các bạn ra ga Hàng Cỏ mua vé tàu hỏa lên Thái Nguyên. Chị gái tôi lúc đó là một sinh viên của Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sơ tán ở tỉnh Hưng Yên đang nghỉ hè. Đoàn tàu lắc lư bò trên hai thanh tà vẹt xuyên màn đêm lên hướng Bắc, khi đến ga Phổ Yên thì mọi người gọi nhau xuống. Hơn 23 giờ đêm thì chúng tôi xuống ga và cùng nhau cuốc bộ về nơi sơ tán. Vừa đi vừa dò hỏi đường mỗi khi gặp bất kỳ ai hoặc người bán quán ở hai bên đường. Ngày nhập học, tôi được anh trai là thầy giáo cấp ba nuôi ăn học ở nơi sơ tán chuẩn bị cho tôi một chiếc ba lô bộ đội màu xanh lá cây mở ra bốn mảnh. Tư trang quần áo của tôi chỉ vẻn vẹn hai bộ, một bộ pizama màu nâu, một bộ quần âu và đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, xà phòng, khăn mặt…Hôm đó tôi còn diện một đôi dép lốp ô tô của anh trai đầu đi bộ đội gửi tặng . Trông tôi như một chú bé liên lạc đầu đội mũ lá, vai đeo ba lô bộ đội với đôi chân thoăn thoắt bước theo bạn đồng môn về nơi sơ tán. Mò mẫm suốt đêm cả đoàn sinh viên mới toanh chúng tôi cũng đến được địa điểm . Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi bước vào là nhà cụ Hùng bên bờ sông Công. Mọi người ai cũng khát nước và mệt lả vì đi đường chưa quen. Xin cụ bát nước chè xanh và đươc cụ hướng dẫn khu nhà ở của chúng tôi tọa lạc trên bãi đất trống ven sông . Tôi nhập học muộn hơn nhiều bạn trong lớp, vì vậy đến nơi đã có ngôi nhà lợp nứa nhiều gian được các bạn làm chạy dài trên bãi đất ven sông. Sau một ngày nghỉ ngơi chúng tôi phải vào rừng đốn cây , chặt nứa về làm giường, làm bàn ngồi học. Tôi được phân công về tổ 2 do anh Ngô Quốc Túy, ngươi Thanh Hóa làm tổ trưởng. Anh lớn hơn chúng tôi hơn chục tuổi, vì anh là cán bộ đã công tác nay được cơ quan cử đi học. Anh cao to đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ dễ nghe nên ai cũng quý mến. Tôi được phân công ở cùng phòng với bạn Bùi Quý Đọ, quê ở tỉnh Hải Dương. Bạn Đọ lớn lên trong một gia đình thuần nông , mẹ mất sớm nên thiếu thốn tình cảm hơn nhiều bạn khác. Vì vậy, với tôi ngay từ đầu đã sớm có tình cảm chân thành với Đọ. Bạn Đọ tuy nhỏ thó nhưng khá năng động và hoạt bát. Mỗi lần được phân công lên rừng kiếm củi hay đi lao động bạn ấy đều hoàn thành sớm công việc. Tôi và ban ấy cùng nằm một giường . Vì mùa đông năm 1968 khá rét. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “ Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế. Gió qua rừng đèo Khế gió sang”… Năm đó, tôi nhớ như in một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là sau buổi trưa tan học chúng tôi về ngôi nhà chung để chuẩn bị ăn cơm thì gặp thầy Kiều Xuân Bá. Thấy tôi nhỏ bé lại chỉ có một manh áo che thân thầy hỏi học lớp nào, quê quán ở đâu , tôi thành thật trình bày với thầy là quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Thầy hỏi em có rét không? Tôi trả lời : “ thưa thày ở đây rét lắm ạ”. Rồi thầy rút trong cặp một tờ giấy viết cho người phụ trách căng tin của ký túc xá nhà trường với nội dung là : “ chú hãy bán cho em Phan Đình Khôi lớp Sử T104 một chiếc áo bông” . Tôi không quên cám ơn thầy rồi đi mua ngay chiếc áo bông màu xanh. Như vậy từ mùa đông năm đó tôi vui mừng được thày giáo giúp vượt qua những đợt rét ở núi rừng Việt Bắc. Hồi đó còn bao cấp nên chế độ phân phối còn rất khó khăn. Không phải ai cũng được may mắn như tôi.
Sau một năm ăn học ở Đại Từ Thái Nguyên, chúng tôi được chuyển về khu nhà đổ ở Mễ Trì Hà Nội. Khu nhà chúng tôi được phân ở là ngôi nhà năm tầng bị bom Mỹ làm đổ một nửa. Lớp học là khu nhà bên kia đường thuộc Công ty Frongtalimex là khu nhà kho chứa hàng hóa. Cuộc sống sơ tán tạm ổn gần được một học kỳ thì tình hình chiến sự ở miền Nam ngày càng căng thẳng. Vì vậy lớp tôi lại xáo trộn bởi nhiều bạn phải lên đường nhập ngũ. Hàng chục bạn trong lớp tòng quân. Trong đó đợt đầu có ba bạn lên đường là Bùi Quý Đọ, Đặng Công Nga và Nguyễn Văn Công ( thường gọi là Cún , đã mất năm 2010). Cả tuần đó chúng tôi họp hành và ghi lưu niệm cho nhau thật tình cảm. Nhiều bạn nữ không cầm được nước mắt khi phải chia tay. Có người đã chớm yêu nên tình cảm lưu bút càng mùi mẫn. Các bạn viết lưu niệm vào những cuốn sổ của nhau và tặng các bạn lên đường những tấm hình của mình. Sau 51 năm ( 1968- 2019), vừa qua chúng tôi gặp nhau tại quê hương Tân Trào (Tuyên Quang) vùng chiến khu Việt Bắc thì bạn Bùi Quý Đọ là người còn giữ được những dòng lưu bút gửi người ra trận thật quý giá. Thật xúc động sau gần 51 năm đọc lại những dòng lưu bút của bạn bè , màu mực tuy phai nhạt theo cùng năm tháng , nhưng tình bạn thì vẫn trong sáng tuổi học trò. Đặc biệt những bức ảnh đen trắng riềm răng cưa thời ấy còn in đậm tình cảm thân thương của mọi người gửi tặng nhau. Bùi Quý Đọ đi bộ đội đã lưu giữ được hàng chục bức ảnh đen trắng của bạn bè cùng lớp. Đặc biệt bức ảnh chung của ba chúng tôi là Phan Đình Khôi, Phan Tiến Ba (đã mất) và Bùi Quý Đọ vẫn còn nét. Rồi ảnh của các bạn gái như Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Dơn, Trử Thị Sửu, Nguyễn Thị Quế … Cuốn sổ lưu niệm tuy đã sờn gáy nhưng các bạn cũng để lại nhiều bức tâm thư gửi người ra trận, như của Đoàn Việt , Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Công Phin, Phan Tiến Ba, Nguyễn Việt, Ngô Quốc Túy, Nguyến Thị Nhân..vv... .còn lưu mãi trên trang sổ nhật ký của Đọ. Hôm gặp nhau thật cảm động , nhiều bạn đã bước sang tuổi “ thất thập cổ lai hy” , như Trương Quế Phương tập tễnh chân đau từ Nghệ An xa xôi cũng góp mặt chung vui với bạn bè. Bạn Đoàn Việt cây bút của làng báo chí Thông tấn từ Vũng Tàu cũng tập tễnh ra tận Hà Nội gặp gỡ bạn đồng môn. Hôm đó một số bạn như : Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Trần Thị Lý, Trần Thị Tuyết … vì lý do sức khỏe hoặc bận công tác cũng như công việc gia đình không thể đi được, cũng đã đến trước giờ xe ô tô chuyển bánh gặp gỡ chụp hình lưu niệm với bạn đồng môn trước khi rời Hà Nội lên vùng chiến khu Việt Bắc. Chuyến xe hôm đó có 34 người đăng ký nhưng giờ phút chót chỉ có 27 người tham gia. Và càng đặc biệt hơn là đến cây đa Tân Trào tỉnh Tuyên Quang , cả lớp chúng tôi như vỡ òa khi gặp lại bạn Phạm Thị Tính , quê ở Đoan Hùng - Phú Thọ, lần đầu tiên sau 47 năm kể từ ngày ra trường năm 1972 đến nay (2019) mới gặp lại nhau. Do hoàn cảnh xô đẩy, cuộc đời bạn không được may mắn nên về nghỉ sớm. Nhìn bạn Tính lam lũ gầy yếu, ban đầu nhiều người không nhận ra nhau. Chúng tôi xúm quanh bạn trò chuyện hỏi thăm hoàn cảnh rồi cùng chụp chung tấm hình kỷ niệm. Bạn Vũ Xuân Bân, Trưởng đoàn trong chuyến đi này thay mặt anh em nam giới chụp chung với các bạn nữ một kiểu độc nhất vô nhị, sau đó toàn lớp mới chụp chung với nhau. Tiếp đến là từng nhóm nhỏ hoặc từng đôi chụp hình trước cây đa lịch sử. Sau khi cả lớp đến thăm quan lán Nà Nưa (trước gọi lán Nà Lừa), nơi Bác từng sống và làm việc , rồi đình Tân Trào - là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn làm nơi họp Quốc dân đại hội ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945 quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tiếp đó, chúng tôi về lại cây đa Tân Trào, phải chia tay với bạn Phạm Thị Tính, vì công việc gia đình không cùng đi tiếp với lớp nên phải quay về Phú Thọ. Bạn Vũ Xuân Bân đã thay mặt Ban liên lạc trích quỹ lớp đủ cho bạn Phạm Thị Tính mua quà cho các thành viên trong gia đình và thuê taxi đi hơn 60 Km trở về Đoan Hùng- Phú Tho.

Trong chuyến đi trở lại cội nguồn nơi khởi đầu của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo, chúng tôi những chàng trai cô gái theo học ngành Khoa học Lịch sử càng tự hào với các bậc tiền bối lỗi lạc như Bác Hồ, Bác Tôn , như Đại tướng Võ Nguyên Giáp…đã làm nên cuộc Cách mạng thần kỳ giải phóng dân tộc đưa nước nhà từ ách nô lệ tiến lên xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Được gặp lại các anh chị, bạn bè thật là vui. Người cao tuổi nhất đi trong đoàn hôm nay có anh Đỗ Như Lân Lân, nguyên ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, gần 80 tuổi vẫn còn nhanh nhẹn. Lớp học chúng tôi khi nhập trường (1968) có 102 bạn đến nay cuối năm 2022 đã có 21 bạn ra về với tiên tổ. Mất mát đau thương này là quy luật tất yếu của cuộc sống chúng ta phải chấp nhận. Lớp chúng tôi có một Liệt sỹ hy sinh năm 1973 tại ngã 3 Đông Dương thuộc địa phận nước bạn Lào, là phóng viên TTXGP trên đường hành quân vào R (biên giới Tây Ninh giáp với Campuchia). Đó là Trần Viết Thuyên, quê ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài trường hợp hy sinh nói trên, số anh chị em lớp Sử 13 được tuyển đi học lớp phóng viên GP10 chi viện cho TTXGP làm phóng viên mặt trận từ giữa năm 1973 rải khắp chiến trường miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau, hoặc là đi Hải quân chiến đấu trên tàu không số cho đến 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đều an toàn trở về tiếp tục học tập và công tác. Nhiều bạn trở thành nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn, nhà giáo, … nhưng ai cũng có cuộc sống vui vẻ tuổi già. Chúc các bạn vui vẻ sum vầy bên con cháu khi đã bước sang tuổi “ Bát thập cổ lai hy ” và hẹn gặp mặt truyền thống mùa thu hàng năm vào những năm tiếp theo.

P.K

Phan Khôi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-50-nam-ra-truong-1972-2022-nhung-ky-niem-mot-thoi-de-nho-a16854.html