Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chuyện về những người ở Bình Thuận gặp Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà còn người dân khắp nơi trên thế giới ngưỡng mộ. Chính vì vậy, những người từng gặp gỡ, làm việc bên Bác đã rất vinh dự và tự hào. Trong đó ở Bình Thuận cũng có nhiều người, họ đã và đang chia sẻ với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận về những kỷ niệm về Bác.

Nhân kỷ niệm Ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam (2/9); kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chúng tôi giới thiệu chùm bài viết, ghi lại những cảm xúc, tình cảm của những người sống ở Bình Thuận đã gặp Bác. Trong đó có cả những người đã ra đi vì tuổi cao để lại bút tích tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận.

Bài 1: Người phụ nữ hiến tặng bộ ảnh về Bác cho bảo tàng

Cách làng Sen, quê Bác không xa, bà Lê Thị Hồng Duyên ở làng Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, nay ở khu phố 4, phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết đã gặp Bác Hồ khi lần đầu tiên Bác về thăm quê hương. Khoảnh khắc ấy vẫn mãi trong tâm trí bà cùng với bộ ảnh về Bác luôn bên mình.

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, nơi lưu giữ tư liệu quý về Bác Hồ và tình cảm của nhân dân đối với Bác.

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, nơi lưu giữ tư liệu quý về Bác Hồ và tình cảm của nhân dân đối với Bác.

Nhớ mãi câu thơ Bác đọc

Chúng tôi gặp bà Lê Thị Hồng Duyên (82 tuổi) với mục đích chỉ viết về bộ ảnh Bác mà bà đã tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Nhưng mục đích ấy có sự thay đổi khi tôi nhận ra bà có một “kho” chuyện ý nghĩa ở quê hương Bác. Trong đó, có câu chuyện tưởng chừng ở tuổi ấy không còn nhớ nhưng bà vẫn nhớ như in. Đó là, ngoài chuyện bộ ảnh về Bác thì bà còn gặp Bác khi đi dự sự kiện lần đầu tiên Bác về thăm quê sau 51 năm rời xa quê hương đi tìm đường cứu nước.

Bà Duyên kể về chuyện gặp Bác với phóng viên.

Bà Duyên kể về chuyện gặp Bác với phóng viên.

Chuyện được bà nhớ lại, vào năm 1957 khi ấy bà đang là một nữ y tá của một cơ sở y tế thì được chọn đi dự mít tinh mừng Bác về thăm lại quê hương do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức ở Sân vận động Vinh. Trước đó, bà tham gia tích cực trong phong trào đào hầm trú ẩn, hào chiến đấu, ụ súng để đối phó với những đợt phản kích của địch ở địa phương. Rồi phục vụ Hội nghị tổng kết toàn Liên khu IV về cải cách ruộng đất tổ chức ở làng Sen, nơi Bác sinh ra. Quá trình phục vụ, tổ chức thấy bà trẻ trung năng động giới thiệu bà về làm việc tại một cơ sở y tế của Liên khu, rồi cho đi học trở thành nữ y tá.

Khi được tổ chức cử đi dự mít tinh, bà cũng như anh chị em trong cơ sở rất vui. Hôm ấy cả sân vận động náo nhiệt, nhất là lúc Ban tổ chức công bố Bác về thăm quê. Khi Bác bước ra lễ đài không khí sân vận động càng sôi động hơn, rồi im lặng nghe Bác nói chuyện. Bà Duyên ngừng lại trấn tĩnh cảm xúc khi hai hàng nước mắt tuôn trào, rồi nói tiếp: Bác rất giản dị, đời thường, phát biểu ngắn gọn, súc tích. Nhớ nhất là Bác đọc câu thơ “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” ai cũng rưng rưng nước mắt. Đây cũng chính là lúc bà ý thức niềm tự hào mình sinh ra và lớn lên quê hương Bác. Tất cả những gì về Bác, bà luôn giữ bên mình, cả bộ ảnh 40 tấm của một người cháu tặng cho bà. Trong đó có nhiều tấm, ghi lại những khoảnh khắc, sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Một trong những bức ảnh của Bác trong bộ ảnh bà Duyên tặng cho bảo tàng.

Một trong những bức ảnh của Bác trong bộ ảnh bà Duyên tặng cho bảo tàng.

Bà Duyên trao tặng bộ ảnh cho bảo tàng.

Bà Duyên trao tặng bộ ảnh cho bảo tàng.

Bà Duyên thường đến bảo tàng dâng hương viếng Bác với lòng kính yêu vô hạn.

Bà Duyên thường đến bảo tàng dâng hương viếng Bác với lòng kính yêu vô hạn.

Tặng ảnh cho bảo tàng

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà cùng chồng về Phan Thiết sinh sống và mang theo bộ ảnh. Khi đã ở tuổi lá về chiều, không thể còn giữ được bộ ảnh nữa, bà được các con đồng ý tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Bà Duyên chia sẻ, 45 năm qua, gia đình bà luôn trân quý, lưu giữ bộ ảnh dù biết tư liệu, hình ảnh quý về Bác không thiếu trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước. Nhưng bà vẫn trao tặng lại cho Bảo tàng bằng tình cảm của mình đối với Bác và mong muốn Bảo tàng lưu giữ.

Ngày trao tặng vào đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác 19/5/2020. Bà Trần Thị Ngọc Thu, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận khi ấy xúc động, đây là lần đầu tiên có người dân mang hình ảnh, tư liệu đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trao tặng. Trước đây, hầu như các tư liệu, hiện vật đều do Bảo tàng sưu tầm hoặc đến nhà người dân để vận động trao tặng khi có thông tin những tư liệu về Bác. Bộ ảnh của bà Duyên góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập về những tư liệu về Bác. Đó là tình cảm, sự yêu quý của người dân dành cho Người. Bảo tàng đã đưa vào bộ sưu tập tranh ảnh, tư liệu... về Bác để bảo quản và trưng bày, giới thiệu đến người dân.

Những năm qua, bà Duyên vẫn thường đến Bảo tàng dâng hương viếng Bác với lòng tự hào và biết ơn, kính yêu Người vô hạn.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-55-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-chuyen-ve-nhung-nguoi-o-binh-thuan-gap-bac-ho-123504.html