Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria
Ngày 29/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria (28/10/1962 - 28/10/2022) tại thủ đô Algiers.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, tham dự buổi chiêu đãi có đại diện một số cơ quan, ban ngành và đảng Mặt trận giải phóng quốc gia (FLN) cầm quyền của Algeria, đại sứ các nước tại Algeria, Hội Hữu nghị Algeria - Việt Nam, các cơ quan báo chí và các gia đình kiều bào tại Algeria.
Phát biểu khai mạc buổi chiêu đãi, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh đã ôn lại quá trình xây dựng, phát triển mối quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa hai nước. Chính phủ và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ tích cực trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria vào ngày 26/9/1958 và mở Đại sứ quán tại Algiers ngay sau khi Algeria giành được độc lập vào năm 1962. Sau 60 năm được thiết lập, quan hệ của hai nước ngày càng được mở rộng và củng cố thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa...
Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Algeria được thúc đẩy thông qua việc duy trì trao đổi đoàn các cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các cơ chế như Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ.
Hai bên đã tổ chức các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, trong đó Algeria từng tiếp đón các đại diện Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việt Nam cũng đã có dịp tiếp đón các lãnh đạo Algeria, như Tổng thống Houari Boumediene, Tổng thống Liamine Zeroual, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và nhiều lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội Algeria...
Trong những năm gần đây, các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hợp tác liên chính phủ và Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao là cơ sở định hướng cho các lĩnh vực hợp tác.
Về thương mại, theo số liệu của Cục Xúc tiến Ngoại thương Quốc gia Algeria (ALGEX), kim ngạch thương mại giữa 2 nước năm 2021 đạt 262,5 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 140 triệu USD. Dầu khí, phosphate, chà là, dầu ô liu... là một số mặt hàng chủ lực của nền kinh tế Algeria mà các công ty Việt Nam có thể nhập khẩu, với tiềm năng phát triển thành mối quan hệ đối tác thương mại sâu rộng hơn.
Về lĩnh vực đầu tư, dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đã trở thành dự án tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Algeria.
Ngoài ra, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hợp tác văn hóa cũng luôn là điểm sáng và được triển khai sâu rộng tại Algeria. Hợp tác văn hóa đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa Việt Nam và Algeria, trong đó các giá trị văn hóa được chia sẻtrên cơ sở tôn trọng sự khác biệt.
Tại Algeria hiện có 2 con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở thủ đô Algiers và thành phố Oran. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là những biểu tượng anh hùng trong lòng người dân Algeria. Người dân tại đây luôn nhắc đến những vị lãnh đạo của Việt Nam với sự kính trọng, nể phục và chân thành và từ đó, cũng dành cho người Việt Nam thiện cảm và sự đối đãi đặc biệt.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Abdelkader Messahel từng chia sẻ : “Hai nước có nhiều điểm tương đồng để gắn kết. Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Algeria”.
Chào mừng dấu mốc đặc biệt 60 năm quan hệ hai nước trong năm 2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức một chương trình kỷ niệm phong phú và đặc sắc với các màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam và Algeria, biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam do các môn sinh người Algeria thực hiện, trình diễn áo dài cũng như giới thiệu các món ăn truyền thống của Việt Nam.