Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ: Sức mạnh nhân dân

Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Một yêu cầu khách quan đặt ra cho cách mạng miền Nam là phải tập hợp và huy động đông đảo quần chúng đấu tranh nhằm bảo vệ những thành quả của cách mạng, thực hiện các điều khoản của Hiệp định và Bản Tuyên bố chung về lập lại hòa bình ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thực hiện Tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước.

Ngày 2/12/1960, hơn 2.000 người dân tỉnh Mỹ Tho mít tinh, biểu tình đòi Mỹ - Ngụy chấm dứt các cuộc hành quân càn quét, chấm dứt việc bắn đại bác vào xóm làng.

Ngày 2/12/1960, hơn 2.000 người dân tỉnh Mỹ Tho mít tinh, biểu tình đòi Mỹ - Ngụy chấm dứt các cuộc hành quân càn quét, chấm dứt việc bắn đại bác vào xóm làng.

Song, các tổ chức Đảng và đoàn thể yêu nước, cách mạng đều phải rút vào hoạt động bí mật. Mặt trận Liên Việt tuy còn một số hoạt động, nhưng về cơ bản cũng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Trên toàn miền Nam không còn một tổ chức nào công khai đứng ra để tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh.

Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam, thi hành những chính sách đàn áp, khủng bố như lập “ấp chiến lược”, “khu trù mật”, “dinh điền” và tiến hành những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” để đàn áp nhân dân, trả thù những người kháng chiến cũ. Trong bối cảnh đó, mặc dù tương quan lực lượng khá chênh lệch, đồng bào miền Nam đã phát huy vũ khí sắc bén nhất của mình là chủ nghĩa yêu nước, đã liên kết với nhau, phối hợp và thống nhất hành động. Chỉ chưa đầy một năm sau, trong không khí đàn áp, khủng bố bao trùm toàn miền Nam, nhân dân đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh chính trị công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, cuốn hút hàng triệu người thuộc mọi giai cấp, tầng lớp tham gia đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi thống nhất đất nước, đi đôi với đấu tranh chống phá các thủ đoạn “tố cộng”, “diệt cộng”, phá các kế hoạch của địch lập “ấp chiến lược”, “khu trù mật”, “dinh điền”.

Bên cạnh các phong trào của các tầng lớp lao động bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những phong trào của học sinh, sinh viên, trí thức, tiêu biểu là “phong trào bảo vệ hòa bình” của trí thức Sài Gòn.

Càng tiếp tục đàn áp, tiếp tục khủng bố các phong trào, các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các dân tộc thiểu số, thì cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam càng phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra mọi vùng miền, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành phần tham gia các phong trào ngày càng đa dạng và phong phú bao gồm: Công, nông, trí thức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ, công thương. Từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi với nhiều hình thức phong phú như mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi thị, bãi khóa, ký tên vào kiến nghị, cử đại biểu đi chất vấn. Về quy mô của phong trào từ toàn xã, toàn huyện, hoặc liên kết nhiều huyện kéo về tỉnh đấu tranh được một số binh lính đồng tình ủng hộ.

Do phong trào của quần chúng nâng cao, các tổ chức nghiệp đoàn, tổ chức của các tôn giáo xuất hiện và hoạt động công khai.

Từ đấu tranh chính trị, ở một số nơi đã thành lập những đội vũ trang, tự vệ và tiến hành các hoạt động diệt ác, trừ gian. Một số tỉnh đã có những đội vũ trang tập trung, tạo điều kiện cho nhân dân trở về quê cũ. Những dấu hiệu đầu tiên của một cao trào cách mạng đã xuất hiện. Ở vùng rừng núi miền Trung, nhân dân các huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), Bắc Ái (Ninh Thuận) nổi dậy. Ở đồng bằng Nam Bộ, nhân dân Bến Tre nhất tề vùng dậy, diệt ác, phá đồn, đập tan bộ máy cai trị, kìm kẹp của địch ở thôn xã. Từ Bến Tre, phong trào lan nhanh ra nhiều vùng trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Phong trào “Đồng khởi” làm xuất hiện trên toàn miền Nam một cao trào cách mạng. Sự phát triển nhảy vọt của tình hình cách mạng đó đã tạo điều kiện để những tổ chức cách mạng có thể hoạt động công khai, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải có một hình thức tổ chức công khai để tập hợp các lực lượng yêu nước toàn miền Nam dưới một ngọn cờ duy nhất với một chương trình hành động chung đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.

Trước đòi hỏi của lịch sử và nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, như bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đã nhận định: “Tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, có lực lượng vũ trang và chính trị, có kinh nghiệm dồi dào, có khối đại đoàn kết của nhân dân cả nước, lại được nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới ra sức ủng hộ, đồng bào miền Nam ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng, Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ được hòa bình, thống nhất, đồng bào ta ở hai miền nhất định sẽ được sum họp một nhà”.

Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng Khởi (1960 - 2020), kế thừa và phát huy giá trị lịch sử của phong trào Đồng Khởi cùng những bài học lớn của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, đem hết tinh thần và nghị lực tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho Tổ quốc phồn vinh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người sống tự do, hạnh phúc, đưa đất nước ta hòa nhập trào lưu tiến hóa chung của thời đại.

Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh to lớn, là động lực quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi người, mỗi gia đình với lợi ích của toàn xã hội, của Tổ quốc là lẽ sống của người Việt Nam chúng ta.

Súng ngựa trời, công binh xưởng xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre tự chế tạo dùng trong phong trào Đồng Khởi, năm 1960.

Súng ngựa trời, công binh xưởng xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre tự chế tạo dùng trong phong trào Đồng Khởi, năm 1960.

Kế thừa sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức Mặt trận trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, tự nguyện đảm đương sứ mệnh lịch sử cùng Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước của nhân dân ta, bảo đảm thắng lợi công cuộc đổi mới về kinh tế, chính trị và đời sống xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam thuộc tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người trong nước và người ở nước ngoài, không phân biệt quá khứ và ý thức hệ, cùng nhau giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, biến nguyện vọng lâu đời của nhân dân ta thành hiện thực: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại đoàn kết chủ yếu lấy mục tiêu chung đó làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những sự khác nhau, không trái với lợi ích chung của Tổ quốc… Xóa bỏ mặc cảm, hận thù, chân thành đoàn kết, hòa hợp thành một khối thống nhất, tận dụng thời cơ thuận lợi cùng nhau phấn đấu hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, đưa đất nước tiến lên.

Bài học từ phong trào Đồng Khởi đem soi vào công cuộc phát triển đất nước hôm nay về giá trị của đoàn kết dân tộc. Tạo điều kiện để mọi người Việt Nam phát huy tài năng sáng tạo, chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức có đức, có tài; khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể và của cả cộng đồng trong việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, các tôn giáo, chống mọi hành vi phân biệt đối xử, chia rẽ dân tộc, tôn giáo hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích chung của Tổ quốc và nhân dân.

Chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công đại thành công.

Phía trước dân tộc là một thời cơ mới, một vận hội mới với những triển vọng lớn song cũng không ít khó khăn, thách thức.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ngôi nhà chung của tất cả những ai mang trong mình dòng máu “con lạc, cháu Hồng, mong muốn mọi người đồng tâm, nhất trí, coi lợi ích của Tổ quốc và nhân dân là cao nhất, thiêng liêng nhất, coi vận mệnh và tiền đồ của đất nước là trên hết và gắn liền với mỗi gia đình, mỗi cá nhân.

Tất cả hướng về tương lai, đoàn kết phấn đấu vì “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm trong Di chúc của Người.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ky-niem-60-nam-phong-trao-dong-khoi-o-nam-bo-suc-manh-nhan-dan-tintuc460611